Với đặc thù của vùng đất, kinh tế Cà Mau dựa phần lớn vào phát triển nông nghiệp, sản xuất trên lĩnh vực này chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng thể nền kinh tế của địa phương. Nhiều ngành hàng nông nghiệp trở thành kinh tế chủ lực của tỉnh như thuỷ sản (chủ yếu từ con tôm, cua), trồng cây lấy gỗ (tràm, keo lai).
Theo thống kê của ngành chuyên môn, tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp những năm qua đạt 3,44%/năm; sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, dần cạnh tranh với các tỉnh, thành trong khu vực, cả nước. Nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng tăng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, nhìn nhận qua 2 năm thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU, ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Chương trình), cho thấy, tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa tạo đột phá như kỳ vọng, một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Chương trình đề ra; phát triển nông nghiệp của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, còn nhiều khó khăn, bất cập...
Thực tế cho thấy, việc phân bố vùng sản xuất nông nghiệp tại Cà Mau còn xen kẽ, nên dù việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thiếu bền vững; kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa rõ nét, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ trên các đối tượng sản phẩm chủ lực; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao, các sản phẩm nông sản chậm được nghiên cứu bảo quản, chế biến sâu; hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản còn thấp; các hình thức sản xuất nông nghiệp xanh, phát thải thấp, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ quy mô còn hạn chế.
Tập trung và đẩy mạnh đầu tư, nhất là ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ, để sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp. (Ảnh chụp tại Khu Kinh tế Năm Căn, huyện Năm Căn).
Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, có thể dễ nhận thấy là nền nông nghiệp tại địa phương luôn chịu sự tác động khá nặng nề bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Trong khi đó, đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
“Tiềm năng và dư địa phát triển của ngành nông nghiệp còn rất lớn, nhất là trên lĩnh vực nuôi và chế biến thuỷ sản, trồng và chế biến cây lâm nghiệp, tuy nhiên, đã qua công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhằm thu hút, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn; đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu”, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhìn nhận thực tế.
Triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù riêng theo thẩm quyền để tháo gỡ các điểm nghẽn, là những bước đi tiếp theo trong giai đoạn cách mạng mới được ngành nông nghiệp địa phương thực hiện nhằm tạo động lực phát triển. Theo ông Châu Công Bằng, không thể khác hơn là hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi tập trung, sản xuất sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn, hướng đến tăng trưởng xanh. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch từng vùng sinh thái, hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hoá chuyên canh tập trung, nhất là hình thành được trung tâm đầu mối nguyên liệu về thuỷ sản khu vực ven biển.
“Là ngành hàng chủ lực, đầu kéo của ngành nông nghiệp, ngành hàng tôm sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tăng trưởng GRDP của tỉnh từ 8% trở lên năm 2025 và đảm bảo tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi”, ông Châu Công Bằng chia sẻ.
Tầm qua trọng của ngành hàng tôm đã được cụ thể hoá bằng Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/3/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong phát triển đột phá mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðây sẽ là tiền đề, nền tảng và động lực quan trọng để ngành nông nghiệp địa phương tạo đột phá theo hướng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần cho kinh tế tỉnh tăng trưởng từ hai con số trở lên./.
Trần Nguyên