Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, nhận định nền kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp; sản xuất ngư, nông nghiệp thiếu bền vững; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng hoạt động của một số tổ chức trong hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế...
Đi qua trên 4/5 chặng đường thực hiện những chiến lược đột phá với tầm nhìn sâu rộng, đến nay, Cà Mau đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, đang vững vàng thế đứng phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới.
Trước tiên phải kể đến bước phát triển đột phá chiến lược về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền kinh tế số; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... Ðến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt 86%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 81%; tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 92%.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 1,26 tỷ USD, vượt 1,2% kế hoạch và tăng 5,2% so với cùng kỳ; ước cả nhiệm kỳ đạt 6,019 tỷ USD, vượt 3% chỉ tiêu nghị quyết.
Một đột phá ấn tượng nữa là đã tạo sự chuyển biến rõ nét nền kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, phải kể đến việc huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với quan điểm ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; song song với đó là sự phát triển vượt bậc tại các đô thị động lực: TP Cà Mau, thị trấn Sông Ðốc, thị trấn Năm Căn.
Phát huy kinh tế biển, việc hoàn thiện về hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện cho đô thị biển Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) phát triển vượt bậc.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Ðức Hiển cho biết, kết quả đến cuối năm 2024, đối với 17 chỉ tiêu chủ yếu trong nghị quyết nhiệm kỳ, có 6 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt; ước đến cuối nhiệm kỳ có 8 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt (2 chỉ tiêu dự báo khó đạt là tăng trưởng GRDP và cơ cấu kinh tế). Việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt được một số kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2023 xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 36 bậc so năm 2022), thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong năm 2023; năm 2024 Cà Mau tiếp tục giữ vị trí đứng đầu các tỉnh, thành cả nước về Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như dẫn đầu cả nước về chỉ số FTA...
Ðến nay Cà Mau có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng công suất 1.000 MW. Trong đó, 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 800 MW (có 170 MW đã vận hành thương mại); 2 dự án với tổng công suất 200 MW đã được nhà đầu tư đề xuất. Mới đây, trong điều chỉnh Quy hoạch Ðiện VIII, Chính phủ đề ra mục tiêu xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia, theo đó Cà Mau sẽ là trung tâm năng lượng tái tạo để xuất khẩu. (Trong ảnh: Ðiện gió Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi).
Nỗ lực lớn, thành tựu được giữ vững và đang trên đà nâng tầm phát triển. Cùng với quyết tâm chính trị cao hiện nay trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Cà Mau tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới vùng đất giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Trần Nguyên