Hơn 1 năm đồng hành cùng Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc (38 tuổi, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau), tôi được tham gia một số chuyến đi: dẫn đoàn sinh viên đi thực tế tại hộ ông Nguyễn Hữu Ánh (Bảy Ánh), xã Tân Thành, TP Cà Mau; tham quan thực tế mô hình nuôi cua trong hộp nhựa ở huyện Cái Nước; hướng dẫn sinh viên thực hành trên cua tại cơ sở 2 phường Tân Xuyên; tham quan trại ương tại gia đình anh với các quy trình đã vào nền nếp, các bể nuôi đã đầy cua gạch, cua cốm, cua mít... Tôi cảm nhận ở Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc niềm đam mê, tâm huyết dành cho con cua Cà Mau.
Từ lúc 10 tuổi, cậu học trò Việt Bắc đã làm quen, thực hiện mô hình nuôi vỗ cua thịt, cua gạch. Ðến nay, đã hơn 28 năm, con cua Cà Mau là mối quan tâm của anh trong hành trình học tập, lập nghiệp, đến ứng dụng trong giảng dạy, với suy nghĩ phải làm nên sự khác biệt cho cua biển Việt. Vì thế, anh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng đặc sản trứ danh của quê hương.
Ông Nguyễn Văn Bình, 65 tuổi, ấp Tân Hoà, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, cha của anh Bắc, kể: "Từ nhỏ Việt Bắc rất hiếu học, thích khám phá. Cuối năm lớp 3, con xin cái ao nhỏ để nuôi cua, tự bán kiếm tiền đi học. Tôi khoanh 2 công đất, rào lưới xung quanh, chủ yếu bắt cua con ở ngoài sông, hay vuông có cua nhỏ, cua mềm, chưa đủ gạch thì cho Bắc thả nuôi, rồi hướng dẫn con cắt cá phi, ốc bổ sung cho cua ăn. Nhờ vậy mà con có tiền đi học, không xin tiền tiêu vặt, đúng như lời hứa”, ông Bình tự hào về ý thức tự lập của con trai ngay từ nhỏ.
Tốt nghiệp THPT năm 2006, Việt Bắc đăng ký thi 2 nguyện vọng: Sư phạm Lý và Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Theo anh, lý do ưu tiên chọn ngành sư phạm vì lời nhắn nhủ, động viên theo nghề "đưa đò" của thầy Trịnh Thanh Liêm, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Long Hoà (ấp Tân Hoà A, xã Tân Tiến).
Kết quả thi đại học, anh chỉ đậu nguyện vọng 2 ngành NTTS Trường Ðại học Cần Thơ. Dù chưa như ý, nhưng chính nơi này giúp Việt Bắc khơi bùng ngọn lửa đam mê tìm hiểu, nghiên cứu về con cua Cà Mau.
Anh kể: “Năm 2 đại học, tôi đang làm đề tài cá bổi sinh sản ở U Minh, nhưng khi thấy các anh chị khoá trước thực hành trên cua biển sinh sản, nhìn con cua ôm trứng đầy ắp, vàng ươm mê quá, nên xin thầy chuyển sang đề tài ương vỗ cua mẹ từ cua gạch lên trứng, cho đẻ. Thử nghiệm 8 lần, với 8 con cua mẹ đều thất bại. Thời sinh viên ít tiền, mỗi lần thất bại, tôi đi làm phụ hồ, phục vụ quán nhậu, bán quán cà phê, đủ tiền lại tiếp tục mua cua mẹ về ương tại phòng thực hành của khoa, quyết tâm làm đến khi thành công mới thôi. Lần thứ 9, tôi cho cua đẻ thành công, tỷ lệ đạt, sống 10% - đây kỳ tích đầu tiên của sinh viên Khoa NTTS thời điểm ấy”.
Bể ươm cua mít tại nhà thầy Bắc.
Tốt nghiệp đại học năm 2010, với tấm bằng giỏi, Việt Bắc được đề xuất giữ lại trường trợ giảng, điều này vô tình đúng với ý nguyện ban đầu của anh: vừa nối nghiệp đưa đò như thầy kỳ vọng, vừa thoả lòng với ước mơ nghiên cứu cua biển Cà Mau.
Anh vừa dạy học, đồng thời xin cha mở trại sản xuất cua giống tại quê nhà. "Thời đó, cứ mỗi con cua mẹ, ép ra cua con bán, lãi 1 cây vàng 24K, nên làm thấy mê lắm. Nhưng sau đó 1 năm, có trận chịu lỗ trên 100 triệu đồng, nên trại ngưng hoạt động", anh kể lại.
Những chuyến về thăm nhà, thời điểm tháng 6-7 âm lịch mưa dầm, độ mặn trong vuông tôm giảm, xổ vuông ra cua ốp, cua gạch đém rất nhiều, thả lại cũng không hiệu quả. Thấy cha cho các loại cua này lên bể nuôi, kèm cho cá, ốc ăn bổ sung, khoảng 20 ngày đến 1 tháng, cua ốp lên cua chắc, cua gạch đém lên đầy gạch; từ đây, anh nảy sinh ý tưởng thực hiện đề tài tốt nghiệp thạc sĩ: “Vỗ cua gạch đém (gạch yếu) lên cua gạch đầy trong bể”.
Ðể tiện thực hiện dự án đang ấp ủ về con cua Cà Mau, tốt nghiệp thạc sĩ NTTS năm 2013, anh xin chuyển về Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau giảng dạy. “Thầy Bắc không nề hà gì, việc có lợi cho nhà trường, cho sinh viên, thầy luôn xông xáo, tình nguyện làm. Trong cuộc sống, thầy không ngại khó, ngại khổ, nghiên cứu tìm ra nhiều giải pháp phát huy giá trị con cua Cà Mau. Thực sự yêu nghề và tay nghề giỏi mới làm được với tinh thần trách nhiệm cao như vậy”, Thạc sĩ Ðỗ Thị Viễn Hương, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, ghi nhận về thầy Bắc.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc hướng dẫn sinh viên thực hành trên cua.
Sau giờ lên lớp, anh thực hiện các mô hình: “Nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt” tại nhà, có thêm nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng, những lúc cao điểm thu nhập có thể cao hơn. Anh tâm tình: "Gần 10 năm lập nghiệp với con cua, từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có thời khắc vui đến đỉnh điểm, cũng có lúc thất bại, lỗ với số tiền cộng lại đến nay trên 2 tỷ đồng. Nhớ nhất thất bại vào tết Nguyên đán 2011, tôi nhập hơn 200 kg cua ương dưỡng lên cua gạch và cua cốm, thời điểm Tết nên thương lái cho giá cao ngất ngưỡng, cầm chắc tiền lời trên 60 triệu đồng ăn Tết. Thế nhưng, chỉ vì có 2 con cua trong bể cắn nhau, chết rồi lây mầm bệnh, làm chết toàn bộ số cua. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi rớt nước mắt. Kế đến trong năm 2014, với 3 đợt thất bại ương cua giống, lỗ trên 100 triệu đồng. Lúc đó tôi rất buồn, thổ lộ với em trai: “Học tới cỡ này mà còn bại trận. Tức quá, anh sẽ đi học tiến sĩ, tìm ra nguyên nhân thất bại mới thôi””.
Nói là làm, anh tiếp tục học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong vòng 7 năm (2015-2021), trở thành tiến sĩ ở tuổi 34, thuộc tốp tiến sĩ trẻ ở Cà Mau thời điểm ấy. Quá trình thực hiện đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ, thầy Bắc tập trung nghiên cứu chuyên sâu kỹ thuật nuôi dưỡng cua cốm, cua gạch trong bể, cập nhật kiến thức mới, mô hình mới, ứng dụng trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên, đồng thời làm nền tảng vững chắc để khởi nghiệp.
Gần tết Nguyên đán năm 2024, anh thuê khu đất rộng ở Khóm 2, phường Tân Xuyên để hiện thực hoá dự án khởi nghiệp. Anh đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng trại, với 6 hồ ương, tự nghiên cứu, sáng chế hệ thống đèn UV chiếu sáng diệt khuẩn; hệ thống lọc nước tuần hoàn, mái che thông minh...
Ngày 11/4, gặp Thạc sĩ Ðỗ Thị Viễn Hương, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cô cho biết thầy Bắc đang ương dèo cua mít, tò mò nên tôi ngỏ ý cùng cô đến nhà thầy Bắc. Ðúng dịp có 4 bạn cựu sinh viên từng được thầy Bắc hướng dẫn, trở về thăm thầy cũ. Rất mừng khi các em có việc làm, thu nhập khá cao, bình quân từ 10-25 triệu đồng/tháng.
Em Phạm Chí Nguyện, cựu sinh viên khoá 17, chia sẻ: "Ngày xưa thầy truyền năng lượng tích cực và kiến thức thực tế quý báu để em ứng dụng cho công việc hôm nay. Hiện tại, thầy trò cùng có duyên với “nghiệp cua” nên em vẫn thường xuyên liên lạc, nhờ thầy chia sẻ, hướng dẫn kiến thức bổ ích”.
Khu trại ương dưỡng cua tại nhà Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc nay đã hoàn thiện, đi vào hoạt động. Anh đã làm chủ được tất cả kỹ thuật nuôi và đã liên kết được với khoảng 200 hộ dân ở quê (ấp Tân Hoà, xã Tân Tiến) để cung cấp nguồn cua thương phẩm ổn định. Ðồng thời, liên kết mở trại giống cua ở tỉnh Kiên Giang, với 70 hầm cung cấp cua giống chất lượng, để thực hiện mô hình ương dưỡng cua giống từ cua tiêu, cua me lên cua mít, bởi cua mít to khoẻ mạnh, sức đề kháng cao, nông dân thả nuôi sẽ đạt năng suất, hiệu quả. Tổng lượng xuất bán ra thị trường khoảng 200 kg cua cốm, 100-300 kg cua gạch, cua thịt/tháng; 20-30 ngàn cua mít/ngày. Cùng với đó, anh còn thực hiện các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua như: chả cua, chà bông cua, giò chả cua, cua thịt... có nguồn thu nhập tăng thêm khá ổn định, nhất là những tháng cao điểm lễ, Tết.
Thầy Bắc giản dị, gần gũi, chỉnh tề khi đứng lớp, ngoài đời chân chất như nông dân, cần mẫn, chịu khó. Hơn 10 năm công tác, thầy Bắc có nhiều sáng kiến khoa học phục vụ giảng dạy và đoạt nhiều giải thưởng cao: giải Ba cấp Quốc gia Hội thi Thiết kế thiết bị đào tạo tự làm “hệ thống nuôi cua thương phẩm và vỗ béo cua biển”; giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp Cà Mau, với Dự án Nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm của “Cua biển Việt”; giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long; viết 8 bài báo về kỹ thuật nuôi cua, tôm đăng trên các báo, tạp chí trong, ngoài nước. Hiện tại, thầy Bắc đang hoàn thiện Dự án “Nghiên cứu sử dụng hệ thống chảy tràn nước trong vỗ béo cua biển”, giúp giảm kỹ thuật trong vận hành, tiết kiệm chi phí lắp đặt, nhẹ công chăm sóc và dễ dàng nhân rộng trong dân.
"Thành công hôm nay chính nhờ sự kết hợp từ kiến thức thực tiễn của cha truyền lại và định hướng nghề nghiệp từ thầy Liêm, tôi cảm thấy may mắn, luôn trân quý và biết ơn. Ðiều quan trọng kế tiếp, chính là ý thức nỗ lực, sáng tạo của bản thân để nắm bắt từng cơ hội, chạm đến ước mơ chinh phục cua Cà Mau và tạo nên sự khác biệt cho cua biển Việt", Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc chia sẻ.
Loan Phương