ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 20:54:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Kỷ vật của ba

Báo Cà Mau (CMO) Biết tôi mê đồ xưa, đồ “độc lạ”, mỗi lần sắp xếp đồ đạc, má tôi hay để ý có cái gì để dành cho tôi hay không. Hôm về thanh minh, má đưa cho tôi một cuốn sổ ố vàng, vài chỗ bị mối ăn, nhưng vẫn còn khá tươm tất. Mở ra coi mới biết đó là cuốn sổ… ghi tiền, ghi lúa của ba tôi hồi xưa.

Cuốn sổ chừng 40 trang, bắt đầu ghi từ năm 1984 và kết thúc vào năm 1991, bao gồm các khoản thu chi, mua bán trong gia đình. Trong số này, những trang ghi “bán chiếu” và “chia lúa thịt heo” làm tôi nhớ và thích nhất, vì nó gắn liền với biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu.

Cuốn sổ đơn sơ nhưng mang nhiều kỷ niệm khó quên.

Ba má tôi đông con mà nhà thì ít ruộng, mỗi năm chỉ làm có một vụ lúa mùa, nên nếu trông cậy vào mảnh ruộng thì chỉ đủ lúa ăn, chứ chẳng bao giờ có dư. Vậy nên, quanh năm hai vợ chồng phải xoay xở làm thêm nhiều nghề để cải thiện thu nhập.

Quê má tôi ở xã An Xuyên, nơi có nghề dệt chiếu khá nổi tiếng khi xưa, mà dân trong vùng vẫn quen gọi là “chiếu Tân Lộc”. Nhà ngoại, các dì, các gia đình có bà con với má tôi hầu như nhà nào cũng làm nghề dệt chiếu. Mỗi năm, khi lúa cấy đã cứng cây, ba má tôi chèo xuồng về ngoại mua chiếu để bán lại kiếm lời. Bận đi thì chở rau, cá, trái cây lên biếu ngoại, bận về thì một xuồng “be mười” lặc lè chiếu.

Tôi khi đó mới năm - sáu tuổi, lâu lâu được ba má cho theo về ngoại. Ðường xa, phải đi từ khi gà chưa gáy, hai người thay phiên nhau vừa chèo, vừa bơi mà lần nào tới nhà ngoại cũng tối mịt. Bận về xuồng nặng, nếu may gặp nước xuôi, ba tôi quay ngược hai mái chèo lên trời, lấy cái mền buộc căng ra bốn góc làm buồm. Xuồng chạy ro ro, chỉ cần ngồi sau lái lấy cây dầm làm bánh lái. Hôm nào gặp nước ngược, gió ngược, ba tôi phải lên bờ, ngoai chặt dây xuồng vô lòng bàn tay rồi quàng lên vai kéo đi chứ không tài nào chèo nổi. Ðó thật sự là những hình ảnh in đậm vào tâm trí tôi, khó có thể phai mờ.

Chiếu mua về số bán tại nhà, số thì má tôi chở đi bán dạo. Tôi xưa hay đòi theo má đi bán chiếu. Má chèo xuồng, tôi ngồi mũi vừa cầm dầm bơi vừa “phụ trách” rao hàng. Gặp nhà là gân cổ lên rao “chiếu….u..u hôn…nnnn…”. Nghe ai kêu là mừng húm, xuồng ghé bến thì lẹ làng nhảy lên bờ buộc dây, rồi lăng xăng… tiếp thị.

Buôn bán cũng nhằm ngày, bữa đắt bữa ế. Hôm nào bán được lưng lưng xuồng, hai má con vui hỉ hả. Trên đường về, má hay ghé mấy tiệm dọc đường mua cho tôi vài cái bánh, ít đồ chơi.

Thời đó tiền mặt hiếm, phần lớn hình thức thanh toán khi giao dịch của nhà nông đều quy ra lúa. Năm 1985-1990, một đôi chiếu bán được một giạ rưỡi lúa, mua một chiếc thì một giạ lưng. Mười nhà mua thì hết sáu - bảy nhà mua bằng lúa, qua Tết thu hoạch rồi đong. Chiếu chở đi bán có khi ế, chứ chiếu ở nhà bán đắt như tôm tươi; bà con ưa chiếu ba má tôi bán vì mang “thương hiệu chiếu Tân Lộc” đẹp, bền mà giá lại phải chăng. Gần Tết, chiếu đem về bán không xuể. Lâu lâu, có gia đình chuẩn bị cưới hỏi đặt hàng ba má tôi vài đôi chiếu bông loại tốt, “phiên bản” có lẫy chữ, lẫy hình trái tim… một đôi giá gấp hai - ba lần chiếu thường. Cuốn sổ của ba tôi, có đến vài trang ghi chi chít các giao dịch mua bán chiếu với bà con hàng xóm.

Sau Tết độ chừng nửa tháng là xong mùa lúa, ba má tôi và các anh chị lớn lại chèo xuồng đi “gom” lúa bà con nợ. Ngoài lúa mua chiếu còn có lúa chia thịt heo.

Những ngày giáp Tết xưa, nhà tôi thường làm heo chia lúa. Heo nuôi thì một là bán heo “đứng”, hai là làm thịt để một ít ăn Tết, một ít chia cho bà con. Làm heo chia lúa cực, nhưng lời hơn. Mấy năm đó, một ký hai thịt đổi một giạ lúa, các loại xương, đầu thì rẻ hơn một chút. Một con heo tròm trèm trăm ký, làm thịt ra thì ngoài cái bánh chè cho mấy tay mổ heo nướng nhậu tại chỗ, nhà để lại chút ít thịt mỡ làm nhân bánh tét, một ít mỡ “thắng” để dành chiên xào, ít thịt để kho tàu cúng đưa ông bà…, phần còn lại thường hết veo trong buổi sáng.

Xứ đồng Cà Mau nhiều tôm cá, nhưng lại hiếm thịt heo. Cứ thông báo ngày làm heo là sáng sớm bà con đã kéo tới rần rần. Vui ở chỗ, những nhà càng nghèo thì càng “chịu chơi”, ngoài chia thịt, mỡ họ còn lấy thêm các món như đầu, giò, sườn hay xương mông... Chia thịt heo nhà này xong, vài bữa sau tới nhà khác làm heo thì họ lại tới chia tiếp. Bởi vậy mới có chuyện tới ngày đi lấy lúa thịt heo thì hai ba “chủ nợ” đụng nhau. Ðống lúa nhà “con nợ” nhỏ xíu, nếu đong đủ số để trừ nợ thì cầm chắc hết sạch, lúc đó các “chủ nợ” lại… ngao ngán thoả thuận với nhau mỗi người lấy một ít, chừa cho họ ít lúa ăn và làm giống cho vụ sau. Dân Cà Mau là vậy, họ coi trọng cái tình, cái nghĩa hơn những giá trị vật chất đơn thuần.

Trong cuốn sổ của ba, tôi thấy nhiều trang ghi chữ “R” thật lớn, đè lên các thông tin; hoặc gạch ngang tên người, tức là món nợ đã được thanh toán xong. Bên cạnh, vẫn còn nhiều trang không thấy đánh dấu gì, có lẽ là món nợ chưa được trả. Gần 40 năm rồi, những người có tên trong sổ có người còn, người đã mất, nhưng lật từng trang giấy, kỷ niệm vẫn đong đầy khi bất chợt bắt gặp vài cái tên thân thuộc ngày xưa.

Tôi nhớ lúc nhỏ, ba tôi hay kể đã xoá nợ cho nhiều người bởi họ quá nghèo. Hoặc có những người đột ngột qua đời, ba tôi đến viếng, thắp nhang khấn vái vong hồn người quá cố rồi tuyên bố xoá món nợ cho gia chủ, vì không muốn bà con thiếu nợ dây dưa cho đến đời sau. Người ta hay nói “những thứ cho đi là còn mãi”, tới giờ tôi mới thấm thía điều ấy, vì ba tôi lúc sinh thời, hay má tôi và các anh chị tôi bây giờ vẫn được nhiều bà con láng giềng quý mến.

Ngoài hai “món chính” là tiền, lúa bán chiếu và lúa chia thịt heo, trong cuốn sổ của ba tôi, vẫn còn những trang ghi nhiều món tiền khác. Ví dụ như tiền bán gà, bán vịt, bán trứng; tiền bán cá, bán heo con, bán rượu, bán chuối, bán dừa… cùng các khoản chi tiêu, mua sắm trong nhà. Thậm chí là những trang ghi việc mượn cát, đá, gạch… Xưa, mỗi năm ba tôi lại mua một ít vật liệu xây dựng, để dành dần dần cho đủ số rồi cất nhà; khi đó, những gia đình cất nhà trước, hoặc có người chết, cần vật tư xây mộ là họ lại đến hỏi mượn, làm xong trả sau. Ở vài trang khác, ba cẩn thận ghi lại quá trình học tập của các anh tôi, như năm nhập trường, năm tốt nghiệp và cả những khoản chi cho việc học hành của các con.

Kỷ vật của ba tôi, một cuốn sổ đơn sơ, nội dung tuy thuần về vật chất, nhưng lại mang nhiều giá trị tinh thần trong đó.

Nhìn lại một chút để hoài niệm, để trân trọng mồ hôi, nước mắt của thế hệ đi trước, mà sống sao cho xứng đáng ở hôm nay./.

 

Tuấn Ngọc

 

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.