ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 9-5-25 11:47:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lạ miệng với “phở ốc hến”

Báo Cà Mau Sự kết hợp giữa bánh phở, hải sản cùng nước dùng chua cay mà chủ quán Dì Út (nằm trên đường Lý Văn Lâm, Phường 1, TP Cà Mau) gọi tên là “phở ốc hến” đã mang lại trải nghiệm vị giác hấp dẫn, mới lạ cho thực khách.

Anh Lâm Huy Hoàng và Lâm Anh Tuấn (ngụ Phường 8, TP Cà Mau) là người đã tạo nên sự kết hợp độc đáo này. Họ là anh em ruột, cùng có nhiều năm kinh nghiệm đứng bếp nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh. Dù có công việc ổn định, nhưng hai anh em vẫn quyết về quê lập nghiệp vì mong muốn được ở gần gia đình.

Anh Lâm Anh Tuấn cùng anh trai của mình đã sáng tạo cách nấu phở ốc hến.

Từ kinh nghiệm làm bếp và trải nghiệm ẩm thực phong phú trong thời gian làm việc tại thành phố sôi động bậc nhất nước, hai anh em xác định, muốn thành công, món ăn phải có tính mới. Hơn 1 tháng cùng nhau thử nghiệm, hoàn thiện công thức theo cách riêng, họ đã nhận được những cái gật đầu từ bạn bè, người thân, đưa món phở ốc hến vào thực đơn của quán.

Phở ốc hến lấy ý tưởng từ món mì ốc hến, món ăn vốn đã có tiếng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiếm ai dùng sợi phở vào món ăn này như cách hai anh thực hiện. Sự thay đổi trong việc kết hợp nguyên liệu, sự điều chỉnh về công thức nấu đã làm nên món ăn ngon và mới.   

Phở ốc hến thu hút thị giác thực khách bởi màu sắc bắt mắt.

Phở ốc hến mang đến trải nghiệm thú vị từ nhiều giác quan. Ðầu tiên, khứu giác được kích thích bởi mùi cay cay của sa tế và mùi của nước dùng được nấu từ nhiều loại rau củ, gia vị có hương tinh dầu đặc trưng. Ngay sau đó, thị giác lại bị thu hút bởi màu sắc bắt mắt từ tô phở: màu gạch óng ánh của nước dùng, sắc đỏ của tôm, màu xanh rau muống, điểm vàng tỏi phi. Phần thịt hải sản căng mẩy cũng góp phần mời gọi, kích thích sự thèm ăn.

Sợi phở dai đi kèm nước dùng chua thanh, cay nhẹ, không tạo cảm giác ngấy. So với mì, phở có điểm cộng trong sự kết hợp này vì không làm nước dùng mặn thêm trong quá trình thưởng thức, giữ trọn vẹn hơn hương vị nước dùng. Mực, tôm, đặc biệt là ốc móng tay và hến được sơ chế kỹ, cộng với tinh dầu từ nước dùng nên hầu như không còn mùi tanh của hải sản. “Hải sản luôn được tôi chọn nguồn hàng tươi sống. Ốc móng tay phải sơ chế kỹ từng con một. Khó nhất là hến, vì nguyên liệu này tôi phải sang An Giang tìm nguồn hàng. Ngoài ra, hến còn có mùi hải sản đặc trưng, nếu không biết cách chế biến sẽ ảnh hưởng đến hương vị món ăn”, anh Tuấn chia sẻ.

Hến được mua từ An Giang và được chế biến kỹ để khử mùi tanh đặc trưng.

...và phải mất hàng giờ để sơ chế kỹ từng con ốc móng tay

Không chỉ có phở ốc hến, hai anh em Huy Hoàng và Anh Tuấn còn cho vào thực đơn món phở trộn với công thức sốt riêng. Sự sáng tạo, đổi mới chưa dừng lại ở đó, anh Hoàng chia sẻ, các anh sẽ tiếp tục tìm tòi, kết hợp thêm những nguyên liệu khác để mang lại nhiều trải nghiệm ẩm thực thú vị hơn nữa cho thực khách./.

 

Minh Thừa

 

Liên kết hữu ích

Sôi nổi trình diễn gói bánh tét

Sáng nay (2/5), không khí Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ V tại TP Cà Mau trở nên náo nhiệt với phần thi trình diễn gói bánh tét đầy hấp dẫn.

Phong phú món ngon Cà Mau

Sự phong phú về sản vật của 2 vùng mặn - ngọt, cùng với sự giao thoa giữa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer anh em đã tạo cho Cà Mau nét ẩm thực với những món vô cùng độc đáo, hấp dẫn. Dân miền Tây nói chung, người Cà Mau nói riêng, khi khách đến nhà thì có gì đãi nấy, nhưng phải “ăn lấy bị” chứ không ăn “lấy vị”, bởi món ngon dành đãi khách phải nhiều, không chỉ là để thưởng thức mà còn gửi gắm cả tấm lòng và văn hoá của người Cà Mau trong đó.

Tái hiện lẩu mắm kỷ lục Châu Á

Cách đây 3 năm, ngày 29/4/2022, tại huyện U Minh, Tổ chức kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập kỷ lục "nồi lẩu mắm" U Minh lớn nhất Việt Nam và được xác lập kỷ lục Châu Á.

Bánh ngon ba miền

Mỗi vùng miền đều sở hữu những loại bánh mang trong mình dấu ấn riêng biệt, phản ánh rõ nét bản sắc văn hoá, lịch sử và phong tục tập quán của từng địa phương. Không đơn thuần chỉ là món ăn, bánh dân gian chính là tinh hoa của trời đất, làm say lòng thực khách bốn phương và cũng là nơi mà những giá trị cội nguồn được vươn xa.

Giữ hương vị xưa...

Sự phát triển của đời sống xã hội càng làm phong phú thêm văn hoá ẩm thực theo dòng chảy hiện đại. Tuy nhiên, những món ăn mang đậm hương vị quê hương vẫn có sức sống, lưu truyền, gìn giữ và phát huy theo thời gian.

Ngọc Hiển nhiều đặc sản, món ngon

Vùng đất Ngọc Hiển được thiên nhiên ban tặng nhiều cửa biển: Hóc Năng, Ông Trang, Rạch Gốc, Vàm Lũng... đưa nguồn phù sa màu mỡ từ biển vào các con sông chính như: Tam Giang, Kiến Vàng, Cửa Lớn... rồi từ đó theo các nhánh sông, con rạch chảy vào xứ sở, tạo nên những cánh rừng ngập mặn với cây đước, cây mắm bạt ngàn giàu tài nguyên và thuỷ hải sản.

Bánh ngũ cốc lạ mà quen

Ðược mô phỏng theo cách làm bánh ống truyền thống, nhưng thay vì làm bằng gạo nguyên liệu, bánh ngũ cốc được làm từ 5 loại bột, cho ra những thanh bánh dài hơn 1 m, được cuộn tròn lạ mắt, hương vị thơm lừng, giòn tan.

Chuối ngào đường ăn Tết

Mặc dù thị trường Tết đa dạng các loại bánh, mứt, nhưng người dân quê vẫn thích tự tay chế biến những món ăn từ nguyên liệu là sản vật địa phương. Gia đình quây quần rôm rả, mỗi người mỗi việc để làm nên những chiếc bánh tuy giản đơn mà thơm ngon, tròn vị.

Bánh dân gian vẫn “đỏ lửa”

Theo sự phát triển của xã hội, rất nhiều loại bánh hiện đại xuất hiện. Thế nhưng, bánh dân gian vẫn chiếm giữ vị thế nhất định trên thị trường. Nhiều gia đình, nhiều thế hệ vẫn tiếp nối, duy trì nghề làm bánh dân gian. Họ gìn giữ nghề không chỉ vì kinh tế mà còn vì tình yêu, tâm huyết giữ nét văn hoá ẩm thực truyền thống được trao truyền từ bao đời.

Vị Hà thành trên đất cực Nam

Từ những cơ duyên khác nhau, nhiều người con đất Bắc xa quê vào Nam lập nghiệp, trong hành trang họ mang theo có phong vị của món ăn quê nhà. Ðể rồi chính những món ăn thân thuộc của quê hương đã tạo cho họ sinh kế mới ở vùng đất cực Nam.