(CMO) Thiên nhiên, thời tiết luôn thay đổi khác thường. Có những điều lạ lẫm, kỳ thú từ thời tiết, thiên nhiên… Giữa những năm 60, đất Cà Mau ban ngày nắng đổ hào quang, trưa nhìn ra ruộng vô số bóng nắng lao xao nhảy múa… Ban đêm sương mù trắng dã như đóng băng, sáng sớm ra, đi cách vài thước nhìn không thấy, không nói tên là không biết người nào… Bây giờ muốn ngắm cảnh kỳ thú sương mù như vậy, dễ gì có!
![]() |
Tranh: Minh Tấn |
Còn nhớ năm đầu chiến tranh kết thúc (1975), vừa tiếp quản thị xã tỉnh lỵ, năm 1976 xảy ra dịch nhặm mắt, dịch ghẻ ngứa và cơn rét đậm kéo dài, gây không khí lạnh chưa từng có ở Cà Mau… Ðáng nhớ, dịch nhặm mắt 1976, ở cơ quan ai cũng mau hết, chỉ có tôi bị nặng do chủ quan, vừa làm việc vừa thường uống rượu chiều, đến khi không làm việc nổi… Sau cả tuần, tôi đưa bàn tay che mắt trái, nhìn bằng mắt phải mới phát hiện bệnh; nhìn một người mà thấy 2-3 người… Ðó là do ở giữa con ngươi có 2-3 đốm trắng, y học gọi “loét giác mạc”, nông dân gọi là “vảy cá”… Tôi hoảng sợ, cầm giấy giới thiệu của cơ quan lên Cần Thơ, khám và điều trị tại Khoa Mắt, Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa hơn 10 ngày, năm 1976. Giấy ra viện còn sử dụng mẫu cũ trước 1975: Bộ Y tế, Trung tâm Y tế toàn khoa, Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa Cần Thơ, do Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm ký… Thanh toán viện phí bằng chuyển khoản, thủ quỹ cơ quan lo việc này…
45 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ 3 người điều trị chung khoa mắt ngày ấy. Một ông già lớn người, trán trợt, lão nông ở Ô Môn chuyên đứng thùng suốt lúa chạy máy nổ, bị hột lúa văng trúng vô mắt, rách con ngươi… Tôi gọi ông thân mật bằng tía… Tía kể lại cho mọi người nghe, lúc đó đang hăng hái lao động suốt lúa, bất thình lình bị hột lúa văng trúng con mắt nháng cục lửa tổ chảng làm tía thành “quan một” luôn, nghe mà cười chảy nước mắt… Thương quá!
Cô Thuỷ, người Cần Thơ, nhân viên Bưu điện Côn Ðảo, dáng ốm cao, trông lịch sự mà bị bệnh đôi mắt - sâu 9 lớp đáy mắt, tầm nhìn còn rất ngắn… Lạ thật!
Anh Hai Tiên, ở thị xã Sóc Trăng, bị bệnh mù đôi mắt. Dù không thấy đường, anh Hai Tiên nói chuyện vui vẻ, tình cảm lắm! Nửa năm sau ngày ra viện, tôi có lần đi xe đò ghé Sóc Trăng tìm thăm anh, gặp mới biết và nhớ dì Ba, má ruột của anh là người xã Tân Thanh, Giồng Trôm (Bến Tre). Anh có 2-3 đứa em gái mới lớn, em nào cũng gả được hết rồi. Ngày ấy phải biết yêu, tôi đeo đuổi, chắc thế nào cũng làm em rể anh... Tôi theo anh từ nhà lần bước dài ra lộ, đến chỗ một đứa em đang ngồi bán chuối nướng, với em đang đứng bên thùng bán giải khát… Một em lên tiếng, nhắc ghẹo anh:
- Coi chừng đụng!
Em gái vừa nói vừa cười ra tiếng… Nhìn anh Hai bị loà đôi mắt, lờ quờ lần bước ra đường, các em gái thương anh lắm! Không rõ đến nay anh còn hay mất? Nếu còn, gặp lại chắc chắn anh vẫn còn nhớ tôi…
Sau giải phóng, ra thành, bị muỗi đường mương, ống cống nước đen đặc sệt cắn sanh ghẻ ngứa khắp mình mà nhớ thời chiến “Mười thằng lính, chín thằng lác, một thằng ghẻ ngứa…”, có ai quên?
Ðợt không khí lạnh ở thị xã Cà Mau năm ấy, tôi còn nhớ chuyện vui. Sáng sớm, mấy anh em rủ ra ngồi quán cà phê, thời sự, nhìn ra đường phố… Thấy mấy cô giáo mặc áo dài còn khoác cái áo chống lạnh ở ngoài cho ấm vùng ngực, thả hai tà áo dài đằng trước, đằng sau bay phất hai đầu… Anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) ra dấu mà cười, anh nói đùa câu dí dỏm, ghẹo mấy cô giáo:
- Vậy thôi ta cột hai tà áo dài lại ở dưới cho nó khỏi bay!
Cũng năm đó, dự báo thời tiết trên toàn quốc lên tới con số hơn 20 cơn bão. Thật ra, bão ít, áp thấp nhiệt đới nhiều. Khả năng dự báo thời tiết những năm 60-70 giới hạn chừng ấy. Cụm từ “áp thấp nhiệt đới” xuất hiện đầu thập niên 80.
Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Trung, miền Bắc luôn hứng chịu biết bao cơn bão dữ… Miền Trung vừa đánh giặc vừa chống chọi với thiên tai… Miền Bắc cùng lúc chịu đựng vô số bom đạn Mỹ, vừa đối phó, khắc phục thiên tai bão lũ, vừa kiên cường đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn…
Ðồng bằng sông Cửu Long, vùng đất cây lành trái ngọt, vựa lúa cả Nam Bộ, cũng xảy ra lũ lụt. Năm 1976, nước lũ vùng Ðồng Tháp Mười đã gây ngập lụt cả chục ngày không chịu rút, cây ăn trái và chuối chết rụi, úa vàng đoạn Mỹ Thuận - Cái Bè; nước lũ dâng ngập Quốc lộ 1 đoạn Long An…
*
Người Bến Tre không quên dịch sâu rầy (1978-1979) gây mất mùa cho tỉnh Bến Tre, Gò Công và các tỉnh lân cận mà hậu quả của việc khắc phục phải mất cả chục năm trời… Mùa khô 1979, bối cảnh đất nước có chiến tranh ở hai đầu biên giới Tây Nam và phía Bắc, tôi cùng đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre vào Minh Hải, khai thác để chuẩn bị sản xuất vụ lúa mùa (chống đói) ở Nông trường Minh Hà, thuộc đất rừng U Minh Hạ… Lần ấy, tôi tranh thủ cuốc bộ ra Rạch Ráng, tìm thăm anh Út Thuận, tình cờ gặp lại cô bạn người Cà Mau, biết hồi thời chiến. Cô hỏi tôi:
- Anh mang rầy nâu đi đâu vậy?
Trời ơi, tôi tá hoả, bị gáo nước từ cô bạn. Tôi nghe rần rần trên đầu, tim đau nhói!
Mùa khô 1983, vùng U Minh Hạ bị “khát nước” trầm trọng, giếng khoan nước ngầm mới chỉ trên đầu ngón tay… Tỉnh Minh Hải phải huy động phương tiện ghe tàu lớn chở nước ngọt từ vùng trên về đây tiếp tế cho bà con… So sánh giữa mất mùa thiếu đói với vùng khô hạn “khát nước”, giữa cái “đói” và cái “khát” đều là thử thách lớn đối với con người. Và, tôi cảm nhận trong bài thơ “Với U Minh - mùa khô này:
“Bến Tre quê tôi - những năm mất mùa - cùng cảnh ngộ
Nay thương nhiều cơn khát của U Minh!”
Những năm cuối thế kỷ 20, thiên tai, thời tiết luôn diễn biến khắc nghiệt, gây cho con người những bất ngờ, như đảo lộn cuộc sống. Cà Mau chỉ cơn bão số 5 - Linda 1997, cũng đủ hiểu sự nghiệt ngã khi thiên nhiên nổi giận này! Ai nhớ, ai quên có bao nhiêu trận thiên tai xảy ra thảm khốc trên đất nước ta… Trận lũ lụt thế kỷ năm 1999 ở miền Trung, rồi lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc… Cuối thế kỷ 20, đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn hán. An Giang, Ðồng Tháp mặc tình trông ngóng, nhưng lũ không về. Cần Thơ, Hậu Giang lại bị ngập lụt vào năm 2000; cùng lúc với trận mưa trên diện rộng, nước ngập đoạn Quốc lộ 1 Cái Rắn - Rau Dừa, Cống Ðá - Tân Hưng Ðông đang thi công…
Năm 2002, dịch bệnh SARS do hội chứng hô hấp cấp tính nặng gây ra bắt đầu từ Trung Quốc (11/2002). Hơn 8.000 người đã bị nhiễm và ít nhất 774 người tử vong trên toàn thế giới…
Dịch bệnh không chỉ đe doạ sự sống con người mà cả gia súc, gia cầm cũng bị dịch - như dịch bò điên mà nhiều nước cấm nhập khẩu thịt bò từ Vương quốc Anh và những dịch khác nữa…
Cuối 2003, thế giới lan nhanh tin dịch cúm gà. Nghe lạ thật! Dịp Tết Giáp Thân 2004, ở TP Hồ Chí Minh có nhà luộc cả ký thịt heo thay con gà cúng rước ông bà ngày 30 Tết… Tương tự, nhà một cán bộ lãnh đạo huyện - Mười Quang ở thị trấn Cái Nước, mần con gà ướp gia vị quay chảo vàng hực, nhưng khi đặt lên bàn thờ cúng rước ông bà xong, đem xuống không ai dám rớ… Vợ chủ nhà chặt làm tư con gà quay chảo thảy ra sân cho chó, mèo… Cơ khổ, mấy con chó thập thò, rề đến kê sát mũi ngửi miếng thịt gà rồi bỏ đi… Anh Tám Tuội kể, mấy anh em xúm nhau cười ra tiếng:
- Nghe dịch cúm gà, đến chó nó cũng chê thịt gà!
Năm 2006, có thứ đại dịch thế kỷ gây chết người mà cái tên nghe xa lạ - bệnh Si-đa. Sau mấy năm tìm phương cách cứu chữa, cho con người câu kết vui rằng: Bệnh Si-đa chỉ có xi măng mới trị khỏi! Si-đa - trùng tên với một tổ chức nhân đạo của Thuỵ Ðiển, được đổi thành HIV/AIDS. Năm 2009, toàn thế giới có 1,8 triệu người mắc bệnh AIDS. Giới trẻ hút chích, sử dụng ống kim tiêm dễ lây lan HIV/AIDS, có một số bị nhiễm, chống chọi tuyệt vọng, tìm đường tự kết liễu đời mình… Lời khuyên và cảnh báo ra cộng đồng đầy tính nhân văn: Muốn an toàn, tránh lây lan bệnh HIV/AIDS hãy sống chung thuỷ một vợ một chồng và nên sử dụng bao cao su…
*
Cuối 2019, nghe tin dịch bệnh nguy hiểm nhất cho con người - vi-rút Corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Không bao lâu, nghe hàng ngàn người Trung Quốc đổ xô lên máy bay du lịch khắp nơi, nhiều nhất là qua Mỹ… Lúc này thấy cộng đồng mạng Việt Nam cảnh báo bằng những câu vui - thần chú khi ra đường: Nam mô Corona Xatara - Xatara - Xatara - Xa thiệt xa - Xa bà ra - Xa bà ra - Xa xa bà ra…
Dịch Corona Vũ Hán lây lan, bùng phát, cũng là lúc thiên tai hạn mặn xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, nặng nhất các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Gò Công… Do có việc gấp, tôi có mấy chuyến về quê, tận mắt hồ chứa nước ngọt Kinh Lấp ở Tân Xuân trơ đáy… Nhà chị Bảy tôi, mấy cháu trai biết cách khoan đặt ống cặp lộ, sau nhà sâu 3 m, bơm lấy nước lợ lên lóng trong, dùng cho tắm giặt… Ngày thứ ba, đứa cháu rước tôi ra cho biết nhà Tư Nguyên ở giữa đồng - nơi có chuồng trại nuôi 500 con gà mái đẻ cho trứng hàng ngày… Chỉ hơn nửa ngày và một đêm ở đây, tôi đủ hiểu về cuộc sống của người dân vùng hạn mặn… Hai cha con cháu Tư Nguyên (1958) và cháu Văn (1986) thay nhau chạy xe Honda “còi” vô nhà trong giồng chở ra từng can nhựa nước ngọt, mỗi can 25 lít nước giếng hộc. Nước lợ dưới con kênh thuỷ lợi trước nhà pha với nước ngọt trong giồng cho gà uống đỡ mấy tháng mùa khô. Gà không thể thiếu ánh sáng và rau xanh, lại càng không thể thiếu nước cho chúng.
Chiều tối đó, không khí oi oi… Tôi hỏi cháu Văn, ông cần tắm nhẹ cái… Cháu Văn xách cho tôi xô nước, tôi tắm giặt bằng nước cho gà uống như vậy, đỡ hơn không có giọt nào… Ban đêm ra sân ngước nhìn bầu trời, thấy cụm mây đen cứ trông mỏi mòn, thèm một cơn mưa rào lướt nhẹ qua cho mát…
Trở về Cà Mau, trước bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, tin vui được Chính phủ công bố gói hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, trong đó có diện chính sách… Tôi thấy mừng, cảm tưởng:
- Ai chớ tôi rất cần. Một nắm khi đói là đây!
Khi nhận được tiền hỗ trợ mà vui ra mặt, ngày sau cậu Tấn - Ðiện lực Cái Nước, đến thu tiền điện tháng 5/2020 là 920.000 đồng. Hỏi sao quá cao, cậu Tấn trả lời ai cũng vậy. Nắng nóng quá! Nhà nào cũng quạt, máy điều hoà…
Eo ôi! Tôi cảm giác Chính phủ vừa cấp tiền hỗ trợ 3 tháng phòng, chống dịch bệnh được một triệu rưỡi, thì ông điện lực đến gỡ gần sạch tay liền… Héo úa cả ruột gan đấy chứ!
*
Ngày 25/1/2021, thế giới vượt mốc 100 triệu và đến ngày 3/8/2021 vượt mốc 200 triệu người mắc Covid-19, có 4,2 triệu người tử vong. Sau Mỹ, Braxin là Ấn Ðộ. Tháng 4/2021, Ấn Ðộ cho phép dòng người đi lễ hội sông Hằng, đã làm lây lan dịch Covid-19, số người nhiễm và tử vong đến chóng mặt. Cảnh tượng bó người chết khiêng chất lên đống gỗ đốt và khi hết gỗ đốt thì vùi dưới đáy sông Hằng, nước giựt lòi bãi, nhìn thấy mà hồn xiêu phách lạc…
Ở nước ta, dịch Covid-19 tái phát lần thứ tư. Tháng 7/2021, TP Hồ Chí Minh là tâm dịch lớn nhất cả nước… 19 tỉnh, thành ở Nam Bộ, có TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội từ 19/7 đến nay để kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh. Ðáng lưu ý, đợt dịch lần này, đã có hơn nửa triệu người nhiễm, hơn 14.000 ca tử vong…
... 45 năm qua, có cả chục thứ dịch bệnh xảy ra, nhưng không có dịch nào đáng sợ cho bằng dịch Covid-19, SARS-CoV-2, biến thể DELTA… đã và đang đe doạ trực tiếp sự sống của nhân loại trên toàn cầu!
Nguyễn Minh