(CMO) Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KN,TC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng với sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, nên hoạt động tiếp công dân và giải quyết KN,TC của công dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các vụ việc được xem xét giải quyết kịp thời, công khai, minh bạch, đúng quy định. Ðặc biệt, chú trọng việc đối thoại trong quá trình giải quyết góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 2/2021, trả lời các vụ khiếu nại của công dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. |
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp 761 lượt công dân với 800 người, tiếp nhận 701 vụ việc. Trong đó, 340 vụ khiếu nại về lĩnh vực hành chính, tranh chấp, đòi đất cũ, đền bù, giải toả, chế độ chính sách; 4 vụ việc tố cáo thuộc lĩnh vực hành chính; 326 vụ việc kiến nghị, phản ánh…
Nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo
Nguyên nhân dẫn đến KN,TC là do quyền lợi của người dân ngày càng được mở rộng, nên một số trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành quyết định đã giải quyết. Bên cạnh đó, cũng có một số vụ việc do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, dẫn đến tố cáo cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, hay xuất phát từ yêu cầu, khiếu nại không thành, người khiếu nại chuyển sang tố cáo và thường xảy ra trong lĩnh vực đất đai.
Một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc KN,TC là trong lĩnh vực đất đai quá trình thực hiện các dự án một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục, giải thích, hoà giải ngay từ cơ sở, chưa ghi nhận đúng nội dung kiến nghị, phản ánh, yêu cầu, KN,TC của công dân. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại lần đầu của chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, còn mang nặng về mệnh lệnh hành chính, dẫn đến nhiều quyết định giải quyết chưa thấu tình, đạt lý. Từ đó, người khiếu nại tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.
Song song đó, công tác tuyên truyền pháp luật cũng như năng lực của một số cán bộ, công chức còn hạn chế nên việc giải thích, hướng dẫn thực hiện kết quả giải quyết tố cáo, cũng như trong tham mưu chưa đạt hiệu quả cao; một số địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ chưa áp dụng đúng quy định của pháp luật, từ đó dẫn đến tố cáo,…
Ðể đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả
Thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại (KN) cho thấy, việc đối thoại trong giải quyết KN là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm chung phải trực tiếp đối thoại đối với người giải quyết KN ở mọi cấp đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần sớm khắc phục. Thiết nghĩ, cần phân biệt trách nhiệm thực hiện đối thoại trong từng trường hợp cụ thể.
Ở những cơ quan hành chính trực tiếp tiếp xúc và giải quyết việc của dân thì nên quy định đối thoại như là thủ tục bắt buộc. Riêng đối với người đứng đầu cơ quan quản lý theo ngành và lĩnh vực (cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương), hoặc những người đứng đầu chính quyền địa phương (Chủ tịch UBND cấp tỉnh), thì cần có quy định cho phép uỷ quyền cho cấp phó của mình, người trực tiếp phụ trách công tác giải quyết KN,TC thực hiện đối thoại với người KN. Quy định về trách nhiệm tổ chức đối thoại cần hết sức mềm dẻo để có thể phù hợp với tình hình thực tiễn, và theo chúng tôi, chỉ nên quy định người đứng đầu cơ quan hành chính phải đối thoại đối với KN,TC đông người, phức tạp.
Ðối với những vụ việc phức tạp, đông người, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, qua nhiều thời gian, người giải quyết KN lần hai bắt buộc phải tiến hành đối thoại để đưa ra quyết định giải quyết vụ việc hoặc chỉ đạo giải quyết vụ việc. Như thế sẽ đảm bảo giải quyết KN được thực hiện kịp thời và khách quan, công khai, dân chủ. Cũng cần nói thêm rằng, việc đối thoại này không thể coi là một giai đoạn của quy trình giải quyết, bởi vì kết quả đối thoại chỉ là việc tìm ra các hướng đi, giải pháp cho tranh chấp hành chính mà thôi.
Ðối thoại được thực hiện trong mọi giai đoạn của quá trình giải quyết với sự tham gia của nhiều chủ thể, không chỉ là người có thẩm quyền giải quyết KN đó. Ðặc biệt là đối thoại giữa người được giao trách nhiệm thẩm tra, xác minh vụ việc với người KN. Nội dung KN không chỉ nhằm làm rõ vụ việc, xác định đúng sai mà còn hướng tới tìm ra giải pháp cho tranh chấp mà người KN có thể chấp nhận để sớm chấm dứt KN và bảo đảm cho việc thi hành quyết định giải quyết. Việc đối thoại của người có thẩm quyền giải quyết chỉ nên được thực hiện khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất (sau khi có kết quả thẩm tra xác minh và các căn cứ pháp luật cho việc giải quyết đã đầy đủ), để thời gian đối thoại chủ yếu cho việc thảo luận phương án đưa ra đối với tranh chấp giữa các bên.
Cần có quan niệm đầy đủ về người có thẩm quyền giải quyết KN để xác định người có trách nhiệm thực hiện đối thoại. Vì đây là vấn đề khá phức tạp. Pháp luật luôn quy định thẩm quyền giải quyết KN hành chính thuộc về người đứng đầu, và như vậy chỉ có người này mới có trách nhiệm trực tiếp đối thoại trong giải quyết KN. Vì vậy, việc đối thoại cần phải có cơ chế uỷ quyền giữa người đứng đầu và cấp phó trong việc đối thoại, để giảm tải cho người đứng đầu, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng cũng như giá trị pháp lý của đối thoại. Người trực tiếp đối thoại (người có thẩm quyền giải quyết hoặc cấp phó) phải là người ký quyết định giải quyết KN sau đó. Dù ai ký quyết định giải quyết, thì đó cũng phải được coi là người có thẩm quyền giải quyết, không phân biệt đó là người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu./.
Phạm Quốc Sử - Hồng Phượng