ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 23:16:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa đìa

Báo Cà Mau (CMO) Người dân vùng cá đồng một thời của Cà Mau mỗi năm có một mùa, họ gọi với tên rất thú vị “mùa đìa”. Tết này chúng tôi quyết định về Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời thăm lại xứ bác Ba Phi để tìm hiểu về mùa đìa vang bóng một thời.

Mùa đìa thường bắt đầu vào những tháng giáp Tết. Gọi mùa đìa bởi người dân nông thôn chỉ tập trung chụp đìa hoặc tát đìa một lần trong năm. Trước đây cá nhiều nên bán chẳng được bao nhiêu tiền, chủ yếu bán cá lóc, cá rô, còn lại như cá dầy, thát lát, cá bổi, cá sặt... để ăn hoặc làm khô, làm mắm. Khung cảnh nhộn nhịp khắp xóm vào mùa đìa nói lên tình làng nghĩa xóm khi người ta bắt cá vần công cho nhau.

Chụp đìa vần công gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Ông Sáu Ðáng (Trần Văn Ðáng), xã Khánh Hải, nhớ lại: “Trước đây xứ Lung Tràm cá nhiều vô kể, nhà nào cũng có đìa cá để tát hoặc chụp lưới vào dịp cuối năm. Ai nhiều đìa thì tát xoay vòng, mỗi năm chỉ tát một, đìa nào năm nay đã tát thì có khi 2 hoặc 3 năm sau mới quay lại tát lần nữa. Thầy đìa nhìn mặt nước, ban đêm ra ngồi nghe cá ục, ăn móng, dậy đìa... sẽ nhận định đìa nào nhiều cá nhất thì chủ nhà sẽ tát hoặc chụp lưới. Thường thì mấy ông thầy đìa rất giỏi, đoán là đúng. Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc này, chứ như mình cứ đoán đại lắm lúc trật lất”.

Không biết chuyện chụp đìa ngày Tết bắt nguồn khi nào nhưng như ông Sáu Ðáng nói thì từ nhỏ dân trong xóm đã biết bắt cá bằng cách này. Trước tiên họ dọn sạch các chướng ngại vật như cỏ, cây cối xung quanh và dưới đìa. Tuỳ đìa lớn hay nhỏ sẽ sử dụng các tấm lưới có kích thước khác nhau và thả lưới ngập xuống khỏi mặt nước một khoảng nhất định, sau đó tấm lưới được cố định bằng các loại cây tự chế xung quanh các mé đìa. Chỉ cần làm xong rồi... chờ đợi! Cá bị đè dưới tấm lưới bị ngộp sẽ tìm cách trồi lên và nằm trên mặt lưới. Ðây là cách rất đơn giản nhưng hiệu quả, chủ nhà đỡ tốn công tát cạn, rồi phải mò cá. Theo ông Sáu Ðáng, trước đây đã có những người ăn nên làm ra từ nghề chụp đìa mướn. Mỗi khi đến mùa đìa thì phải dặn trước, nếu không, phải hẹn năm lần bảy lượt mới tới lượt mình.

Dẫn chúng tôi ra cái đìa lớn sau nhà, nơi từng một thời thu được hàng trăm ký cá các loại, ông Sáu Ðáng nói: “Ngày xưa mỗi lần chụp đìa cứ như ngày hội, bà con, hàng xóm xúm lại giúp khiêng cá, mần cá xong thì mình cho mỗi người một ít để ăn. Chỉ bán một ít, còn chừa cá lớn như cá lóc, cá trê, cá lóc dầy... để dành đãi khách trong mấy ngày Tết. Cá nhỏ thì làm mắm, một số thì làm khô”.

Khô cá đồng, mắm cá đồng thời xưa ở xứ Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình nhiều vô kể, bởi nguồn cá dồi dào lại không bán được như bây giờ. Một số loại cá mà ngày xưa bán không ai mua, người địa phương thì chê không thèm ăn như cá bổi (sặt bổi) giờ đã trở thành đặc sản của thủ phủ cá đồng Khánh Hải. Nhiều hộ nuôi cá bổi đã phất lên làm giàu. Ông Sáu cười bảo: “Cá bổi ngày xưa có ai ăn đâu vì thịt bở, chỉ làm khô để dành ăn từ từ, chứ cũng không bán như bây giờ. Có thể nguồn cá tự nhiên ngày một hiếm nên nghề nuôi cá mới phát triển, chứ lúc trước ao, đìa toàn cá tự nhiên. Mùa nước thì cá sống trên đồng, đến mùa hạn lại kéo nhau vô đìa. Thực tế, mình chỉ ước lượng để biết cá trong đìa nhiều hay ít để chụp thôi, chứ có thả nuôi bao giờ đâu mà biết số lượng bao nhiêu!”.

Cá đồng ngày xưa ở vùng Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh nhiều vô kể.  Ảnh: THANH TRÀ

Tết nông thôn trước đây phần lớn thực phẩm là dạng cây nhà lá vườn, thịt thì khá hiếm. Nhà nào có nuôi heo mỗi năm mới làm heo một lần ăn Tết và chia lúa (người trong xóm đến mua nhưng không trả tiền mặt mà đợi đến mùa lúa mới trả lúa, hoặc tiền). Tết mỗi nhà chỉ chia vài ký thịt về kho tàu ăn đến qua Tết. Bà Sáu ngồi cạnh bên chồng cười và nói vui: “Ngày xưa mỗi lần tát đìa là tôi sợ muốn chết. Cánh đàn ông thì chỉ bắt cá, lựa cá một mớ để bán, một mớ để dành ăn Tết, còn lại làm mắm, làm khô. Mỗi lần mần có khi lên cả trăm ký, đám phụ nữ, con gái xúm nhau làm có khi đến khuya, mấy ông thì chế biến mồi nhậu với khách, hàng xóm đến giúp. Cực lắm, năm nào trúng mùa đìa thì làm cá còng lưng, bàn tay rướm máu luôn!”.

Chuyện chụp đìa ăn Tết giờ không còn như trước, nhiều nơi chuyển dịch sang nuôi tôm thì mất hẳn mùa đìa. Hiện Cà Mau chỉ còn lại một số nơi của huyện Trần Văn Thời và U Minh người dân vẫn còn giữ được đìa cá đồng nhưng cũng hiếm hoi. Chụp đìa không còn thịnh nữa, nghề chụp đìa mướn giờ không mấy ai làm. Ông Sáu Ðáng cười bảo: "Trước thì mình chê tát đìa cực nên chọn cách chụp đìa, giờ phải quay lại tát, vì không tìm đâu ra lưới chụp đìa. Từ đầu năm gia đình đã chuẩn bị Tết này sẽ tát bắt cá để ăn Tết, nhưng đợt mưa, ngập lụt vừa rồi cá ra ruộng, ra sông hết". Nghe ông nói tôi mới chợt nhớ ra là hôm trước khi về quê, cha nói con sông trước nhà mình dạo này nhiều cá lắm. Cá tra lớn có, nhỏ có, đi cắm câu mỗi đêm 4-5 con. Ra là thế, tôi hơi thất vọng một chút vì cứ tưởng sẽ chứng kiến được mùa đìa thật sự ở xứ Lung Tràm, nhưng xem ra cần phải quay lại lần nữa vậy.

Cá lóc đồng nướng trui là món đưa cay tuyệt vời sau khi chụp đìa.

Trần Văn Thời là vùng ngọt hoá của tỉnh Cà Mau, thế nhưng, mùa chụp đìa cứ dần biến mất theo thời gian. Lúa được làm nhiều vụ, nước thì bị chặn bởi các cống, đập ngăn mặn đã làm thay đổi nhiều thứ ở nơi này, trong đó có con cá đồng. Ngồi nhấp ngụm trà, ông Sáu Ðáng trầm tư: “Bây giờ kinh tế thay đổi, phát triển hơn, nhưng cũng vì mình phát triển theo hướng khác nên nguồn cá khan hiếm dần. Trước đây chỉ cầm cần câu ra ruộng, ra ao một chút là có cá ăn cả ngày, giờ thì không mấy khi được vậy”.

Không còn mùa đìa, người dân nơi đây vẫn ăn Tết với đầy đủ thịt cá, thế nhưng những giá trị xưa cũ thì phải lục tìm trong ký ức của những lão nông gắn bó với xứ này. Lớp trẻ sinh ra ở đây rồi cũng sẽ dần xem “mùa đìa” là những câu chuyện truyền miệng của những người ưa nhớ về dĩ vãng xa xôi nào đó. Chia tay ông Sáu Ðáng, trong lòng tôi có chút luyến tiếc vì dự định ban đầu không thực hiện được. Tuy nhiên, ở một góc nào đó tôi vẫn hy vọng mùa đìa có mất đi thì con cá đồng ở xứ này vẫn tồn tại. Một ngày nào đó cá đồng sẽ tìm về nơi mà nó từng một thời nổi tiếng mà khi nhắc đến U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình thì người ta lại nghĩ ngay đến “xứ của con cá đồng”./.

 

Ðặng Duẩn

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.