Năm 2024 là năm thứ 4 huyện U Minh triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; diện tích năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2024, huyện đã triển khai thực hiện sản xuất hơn 1.650 ha lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ và sản xuất lúa an toàn; hầu hết các diện tích lúa này đều cho năng suất khá nên người dân rất phấn khởi.
Là một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình lúa hữu cơ vụ mùa năm 2024-2025, gia đình ông Phạm Trung Nguyên, Ấp 12, xã Khánh An, sản xuất trên diện tích 1,5 ha. Tham gia mô hình này, ông Nguyên được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện hỗ trợ 75 kg lúa giống ST24 và 300 kg phân bón, thuốc sinh học, đồng thời được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ; từ đó, diện tích lúa phát triển tốt, cho năng suất khá vào cuối vụ.
Ông Nguyên chia sẻ: “Sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ tuy năng suất thấp hơn phương pháp sản xuất truyền thống, nhưng bù lại nông dân được nhiều thứ. Thứ nhất là không sử dụng thuốc nên ít ảnh hưởng đến sức khoẻ, đảm bảo môi trường xung quanh, đặc biệt là bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Cái tôi tâm đắc nhất là nhẹ chi phí, tiền phân thuốc mỗi công từ 1-1,2 triệu đồng nhưng lúa vẫn cho năng suất khá. Lúa của tôi thu hoạch tính ra cũng được hơn 30 giạ/công nên vẫn đảm bảo có lời”.
Năm thứ hai thực hiện sản xuất lúa hữu cơ, ông Nguyễn Văn Truyền, Ấp 9, xã Khánh Thuận, phấn khởi cho biết: “Tôi được chuyển giao kỹ thuật nên năm nay tiếp tục sản xuất lúa hữu cơ, diện tích 1,5 ha trên đất nuôi tôm với giống lúa Lùn Bờ Ðìa. Do trồng lúa kết hợp với nuôi tôm nên gia đình tôi gần như không sử dụng thuốc hoá học, để đảm bảo cho con tôm phát triển tốt. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cũng như sử dụng hiệu quả các loại thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh nên lúa đạt năng suất cao”.
“Sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ vừa nhẹ công, lại ít tốn chi phí nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo. Lúa của tôi được khoảng hơn 30 giạ/công. Từ khi thực hiện theo Nghị quyết 03, người dân triển khai đồng loạt từ khâu xuống giống đến thu hoạch. Tết đến, lúa, tôm đều cho năng suất khá nên ai nấy phấn khởi”, ông Truyền chia sẻ.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Văn Truyền cho năng suất hơn 30 giạ/công.
Năm 2024, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn triển khai thực hiện 37 mô hình sản xuất lúa kết hợp như: lúa hữu cơ, lúa theo hướng hữu cơ và lúa an toàn, với hơn 1.650 ha, có 1.495 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ 300 triệu đồng. Trong đó, sản xuất lúa hữu cơ 131 ha, có 67 hộ tham gia, trên địa bàn các xã: Nguyễn Phích, Khánh Thuận, Khánh Lâm, đạt 119% kế hoạch; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ hơn 1.294 ha, có 1.206 hộ tham gia, trên địa bàn các xã, thị trấn, đạt 107,87% kế hoạch; sản xuất lúa an toàn 256 ha, có 222 hộ tham gia, trên địa bàn các xã: Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Hội, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.
Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Nhờ triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ và lúa an toàn mà trong năm, huyện được cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ thêm 30 ha, nâng tổng số diện tích được cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ đến nay là 400 ha. Hầu hết các diện tích lúa sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ và sản xuất an toàn đều cho năng suất khá, trung bình đạt 4,2 tấn/ha, nhiều hộ đạt năng suất khá từ 4,5-5 tấn/ha nên người dân rất phấn khởi”.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ cùng với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã tập trung nguồn nhân lực, tài lực để tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức triển khai tập huấn, tư vấn, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ của quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Bà Ửng thông tin: “Phòng sẽ tăng cường phối hợp, liên kết với doanh nghiệp cùng hỗ trợ kinh phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ðề xuất chính sách khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân tập trung sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Huy động các nguồn kinh phí ưu tiên hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ về hoạt động cấp giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn, nhằm góp phần đưa nền nông nghiệp huyện phát triển hiệu quả, bền vững, giúp người dân tăng thu nhập trên cùng diện tích, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương”./.
Kim Cương - Trần Thể