ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 16:36:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tăng giá trị tôm - rừng

Báo Cà Mau Vùng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế về tôm sạch ở Cà Mau đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Mô hình này vừa nâng cao giá trị sản phẩm, tạo được chuỗi liên kết và cải thiện đời sống cho người nuôi tôm.

Xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển là địa phương có diện tích nuôi tôm - rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Toàn xã có 1.168 hộ, với 5.868 ha nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP... về tôm sạch. Ðã qua, địa phương này luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sạch trong nuôi tôm dưới tán rừng. Ý thức chấp hành của người dân rất tốt, không có tình trạng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

Ông Trần Minh Trí, ngụ ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông, cho biết, gia đình có khoảng 15 ha nuôi tôm - rừng theo tiêu chuẩn tôm sạch. Ðều đặn mỗi tháng, ông có thu nhập hơn 50 triệu đồng từ bán tôm. “Giờ khoẻ lắm, đến nước xổ vuông là thương lái đến tận nhà thu mua và trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Trung bình mỗi con nước tôi bán tôm được khoảng 30 triệu đồng (mỗi tháng có 2 con nước), có thời điểm thu hoạch 110 triệu đồng/con nước. Thấy ham lắm”, ông Trí chia sẻ.

Ông Trí kiểm tra nguồn nước trong vuông tôm.

Theo ông Trí, người nuôi tôm sạch phải đạt được các điều kiện từ phía doanh nghiệp thu mua đưa ra như: không được nuôi gia súc, gia cầm thải ra môi trường nuôi tôm; không được sử dụng chất kháng sinh, thuốc hoá học; ghi chép nhật ký quá trình nuôi... “Ðể bán được giá cao, con tôm phải đạt các tiêu chuẩn sạch theo quy định của châu Âu. Tôm sạch ở Viên An Ðông hiện nay đã đạt được thương hiệu quốc tế, nên có giá trị rất cao”, ông Trí cho biết.

Ông Trí cũng cho hay, ông cùng người dân phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng nuôi tôm sinh thái được an toàn tuyệt đối.

Lợi ích từ mô hình nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế đã rõ ràng. Tuy nhiên, điều người dân băn khoăn là hiện nay ở các địa bàn giáp ranh giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển chưa quy hoạch vùng nuôi thật sự hiệu quả, điều này khiến cho môi trường vùng nuôi tôm sinh thái bị đe doạ nghiêm trọng. “Cùng con kênh, rạch nhưng một bên là xã Viên An Ðông thuộc vùng nuôi tôm sạch đạt chuẩn quốc tế, còn một bên là thị trấn Rạch Gốc được phép nuôi tôm công nghiệp. Ðiều này là mối đe doạ cho vùng nuôi của chúng tôi. Bởi việc xả thải ra sông, rạch sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước”, một hộ dân cho biết.

Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Ðông, chia sẻ: “Nuôi tôm dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện mang lại năng suất, lợi nhuận rất cao cho người nuôi. Vì vậy, xã tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn, kết hợp tuyên truyền cho người dân trong việc giữ vững môi trường trong lành vùng nuôi tôm sinh thái. Từ khi vùng nuôi tôm - rừng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đời sống người dân không ngừng được cải thiện”.

Tôm nuôi dưới tán rừng đạt chuẩn quốc tế mang lại năng suất, lợi nhuận cao cho nông dân. (Ảnh minh hoạ).

Theo Chủ tịch UBND xã Viên An Ðông, mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được công nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế từ năm 2017. Từ đó đến nay, mô hình này đã trợ lực cho địa phương xây dựng NTM. “Khâu bảo vệ môi trường đã giúp ích cho địa phương trong công tác xây dựng NTM. Tiêu chuẩn của mô hình tôm sạch quy định người nuôi phải đảm bảo các điều kiện về chôn lấp rác thải, nuôi động vật phải nhốt chuồng và xử lý chất thải, ghi nhật ký vụ mùa, những chế phẩm sử dụng phải nằm trong các danh mục cho phép... phù hợp với tiêu chuẩn quy định về xây dựng NTM. Tuyệt đối không được thải chất thải ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tôm nuôi”, ông Hảo cho hay.

Ông Hảo cho biết, ngoài việc thực hiện bảo vệ môi trường nuôi lành mạnh, không bị ô nhiễm, người nuôi tôm còn được hỗ trợ nhiều về kỹ thuật, tập huấn và được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 500 ngàn đồng/ha/năm. “Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được phía thu mua hỗ trợ người dân bằng 2 hình thức là con giống hoặc bằng tiền. Mô hình còn có sự liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra, giúp người dân an tâm sản xuất. Con giống thả nuôi phải đạt chất lượng. Giá thu mua cao hơn thị trường từ 2-3 ngàn đồng/kg. Mỗi hộ trong vùng nuôi đều được tạo tài khoản ngân hàng, tất cả việc chi trả đều được doanh nghiệp thanh toán qua thẻ”, ông Hảo cho biết thêm.

Mô hình tôm - rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế ở xã Viên An Đông mang lại hiệu quả ổn định cho người dân.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú, thông tin, căn cứ quy định hữu cơ của châu Âu (EC 2018/848, tiêu chuẩn EU Organic) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tiêu chuẩn này không còn cho phép chứng nhận nhóm nông dân được thực hiện dưới sự quản lý trực tiếp của đơn vị xuất khẩu, chế biến, thương mại... mà tiến hành đánh giá chứng nhận nhóm nông dân độc lập và có tư cách pháp nhân.

"Xã Viên An Ðông là xã trọng điểm làm chứng nhận tôm - rừng hữu cơ châu Âu. Kết quả năm 2022 và tái đánh giá hồi tháng 9/2023, xã có 521 hộ dân với diện tích 2.436 ha đạt chứng nhận EU Organic. Các hộ dân thuộc 9 ấp trên địa bàn xã được tổ chức thành 17 HTX”, ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, quy định của Việt Nam, bên cạnh 4 loại hình doanh nghiệp thì HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân, đại diện nhóm nông dân. Tuy nhiên, việc vận động, tổ chức, góp vốn, vận hành hiệu quả HTX có số lượng hộ dân lớn và thực hiện chứng nhận quốc tế trong nuôi tôm - rừng đối với một doanh nghiệp là điều rất khó khăn. Vì vậy, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. “Khi HTX có quy mô lớn được vận hành thành công, doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiến hành nhân rộng ra các địa phương khác đã được Công ty Minh Phú xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế”, ông Quang mong muốn./.

 

Trần Quốc Khải

 

Cùng tháo gỡ khó khăn, đưa ngành hàng cua phát triển bền vững

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế mà ngành hàng cua đang phải đối diện, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 4% của khu vực nông nghiệp, ngày 6/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cua.

Cần chính sách đặc thù cho nông nghiệp tạo đột phá

Với đặc thù của vùng đất, kinh tế Cà Mau dựa phần lớn vào phát triển nông nghiệp, sản xuất trên lĩnh vực này chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng thể nền kinh tế của địa phương. Nhiều ngành hàng nông nghiệp trở thành kinh tế chủ lực của tỉnh như thuỷ sản (chủ yếu từ con tôm, cua), trồng cây lấy gỗ (tràm, keo lai).

Nông dân vùng mặn trồng màu tăng thu nhập

Hiện nay, ngoài nuôi thuỷ sản là nghề chính, nhiều hộ dân ở huyện Ngọc Hiển tận dụng đất trống quanh nhà, bờ bao vuông tôm, đất dọc các tuyến lộ của gia đình để trồng rau màu tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bắt cá bè trên biển Tây

Cá bè thường xuất hiện vào khoảng tháng 4 ở vùng biển Tây Cà Mau và nhiều khu vực khác tuỳ theo mùa. Mùa khai thác cá bè thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. Ðây là thời điểm biển êm, cá bơi theo từng bầy nhỏ nên việc khai thác loài cá này cũng khá dễ dàng. Ngư dân có kinh nghiệm sẽ xác định được toạ độ, nơi cá xuất hiện nhiều để khai thác.

Hướng sản xuất lúa hè thu có lãi trên 30%

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống 35.244 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời 28.954 ha, U Minh 3.280 ha, Thới Bình 530 ha và TP Cà Mau 2.480 ha.

Giúp dân thoát nghèo bền vững

Những năm gần đây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Lợi ích khi liên kết

Những năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể tại xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước đã phát huy vai trò làm cầu nối để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp các thành viên thay đổi hình thức sản xuất, cùng đoàn kết để phát triển, góp phần nâng cao thu nhập.

Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài

Sáng 25/4, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án "Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài tại tỉnh Cà Mau".

Tạo bứt phá trong phát triển kinh tế biển

Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo là tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh. Ðể cụ thể hoá nghị quyết này, hàng loạt chương trình, nhiệm vụ, giải pháp được triển khai thực hiện. Theo đó, hệ thống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả.

Ðể lợi thế thành giá trị thực

Nông nghiệp Cà Mau dù vẫn còn nhiều khó khăn, song đang từng bước hội nhập với xu hướng cả nước và thế giới. Thời gian qua, các thành tựu của khoa học - công nghệ được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, cho ra đời nhiều mô hình sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.