ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 12:25:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Năm Sửu, nhớ Trâu

Báo Cà Mau (CMO) Tôi sinh ra sau chiến tranh vài năm. Ðất nước mới được giải phóng, Cà Mau khi đó còn nghèo, kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Chiều về. Ảnh: VÕ THANH QUANG

Tôi sinh ra sau chiến tranh vài năm. Ðất nước mới được giải phóng, Cà Mau khi đó còn nghèo, kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.

Trồng lúa khi ấy lạc hậu nhiều so với bây giờ. Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau và những người nông dân cần lao, đến bây giờ vẫn in sâu trong tâm trí. Con trâu hồi đó có giá trị rất lớn, đúng với nghĩa của từ “đầu cơ nghiệp”. Trâu là phương tiện phục vụ sản xuất, là tài sản của gia đình và cũng là “bạn” với nhà nông theo cách hiểu chân phương nhất.

Khánh Hưng quê tôi không nhiều trâu lắm. Cả xóm chừng trăm nóc nhà cũng chỉ vài ba gia đình có nuôi trâu. Nuôi cũng không nhiều, đa số được một cặp trâu trưởng thành và một hai trâu nghé. Con trâu đảm đương phần lớn công việc nặng nhọc của nhà nông. Ðầu mùa thì cày bừa, cuối mùa thì cộ lúa, đạp lúa bó. Cây gỗ, đồ vật nặng muốn vận chuyển đi xa đều do trâu kéo. Nhà nào có trâu thì xem như có công ăn, chuyện làm quanh năm.

Dù nhà không nuôi trâu, nhưng tôi cũng có những kỷ niệm đẹp về loài vật dễ thương này. Số là xóm trên có đám bạn học với tôi hồi tiểu học, nhà tụi nó nuôi nhiều trâu. Mỗi ngày đi học, tụi nó lùa trâu đến sân trường, thả cho ăn cỏ, tan học thì lùa về. Hai ba đứa, có đến gần hai chục con trâu.

Giờ tan học, cầu không có, tụi nó thường cho tôi quá giang trên lưng trâu qua sông. Cưỡi trâu mới nhìn tưởng đơn giản, nhưng không dễ chút nào. Mấy đứa thành thạo chỉ cần bám tay vào lưng, một chân gác lên phần nhô ra của chân sau con trâu, đánh phóc một cái là ngồi vắt vẻo trên lưng trâu gọn gàng. Người không biết cưỡi thì năm lần, bảy lượt, với sự trợ giúp của bạn bè mới leo lên được. Những thằng chăn trâu quen, thậm chí leo lên lưng trâu từ phía đầu. Con trâu cúi xuống, tụi nó bước lên đầu và ung dung đi thẳng lên lưng. Nhìn lúc nó đi ngang cặp sừng nhọn hoắt mà cứ rờn rợn.

Nhờ chơi với đám mục đồng ấy mà tôi biết được khá nhiều tên trâu. Nhà nông Cà Mau khi xưa thường lấy tên các quân cờ tướng và các hiện tượng thời tiết để đặt tên cho trâu. Tên trâu đực thì thường oai phong, cá tính như: Sấm, Chớp, Gió, Pháo, Mã… Tên trâu cái thì “dịu dàng”, “nhu mì” hơn, như: Mưa, Tượng, Xe…

Tên trâu cái thường được đặt theo các loài… chim như: Én, Cò, Diệc.

Trâu cũng được đặt tên theo hình dáng bộ sừng của chúng. Thế nên, con trâu sừng cụp thì mặc định được gọi là Cui; sừng quác rộng thì gọi là Chảng; sừng hẹp thì gọi là Bầu.

Con trâu hiền nhất bầy thường được gọi là Trâu Liệng. Những con trâu đực hung dữ thường được chủ cảnh báo bằng cách gắn dưới cổ cái trống bằng da, kiểu như trống lắc tụi con nít hay chơi bây giờ. Mỗi khi nó đi hay chạy thì tiếng trống khua vang để cảnh báo mọi người tránh xa trâu dữ.

Lên cấp hai, con đường đi bộ đến trường xa hơn. Tôi ngán nhất là gặp cảnh trâu buộc giữa đường. Mắt trâu đen sì, cứ nhìn gườm gườm, trông phát sợ. Ðường nông thôn hồi đó toàn đất, lại hẹp, lách qua đám trâu là phải nín thở, bước thật nhẹ nhàng.

Người lớn hay nói con trâu chúa ghét màu trắng. Họ nói trâu ghét màu trắng là vì nó … sợ ma, nhưng theo tôi có lẽ do đặc điểm cấu tạo của mắt trâu khiến nó dị ứng với màu trắng và màu đỏ. Hôm nào đi học mặc áo trắng gặp trâu là phải cởi áo, cuộn tròn cặp nách từ xa. Qua khỏi đám trâu mới mặc áo vào và chạy thiệt lẹ.

Sợ thì có sợ, nhưng trong suốt những năm tháng tuổi thơ tôi chưa từng nghe chuyện trâu tấn công người bao giờ. Loài vật này đến giờ vẫn được xem là biểu tượng của sức mạnh, sự kiên trì, tính cần mẫn và trung thành với chủ.

Quê ngoại tôi ở An Xuyên, một xã ngoại thành của thị xã Cà Mau xưa. Nghỉ hè, thỉnh thoảng tôi được ba má chở theo về ngoại. Từ huyện Trần Văn Thời, chèo xuồng về An Xuyên cả ngày mới tới. Trên đường đi, mỗi lần qua vùng đất cầm trâu đều để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai.

Trâu từng là loài vật thân thuộc của nông dân, gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người lớn lên từ thôn quê. (Ảnh chụp tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời). Ảnh: DUY KHẢI

Ðất cầm trâu nằm hai bên con kênh xáng, bây giờ một bên là xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, một bên là xã Khánh An của huyện U Minh. Cả một vùng đất mênh mông, toàn năn với năn, xa xa lại bắt gặp những bầy trâu hàng chục, thậm chí hàng trăm con. Trâu nhiều vô thiên lủng. Lớp đầm mình tắm mát dưới dòng sông, lớp đi lang thang trên triền đê, lớp ngâm trong những vũng bùn đen thui, nhìn chỉ thấy hai con mắt. Trâu nhiều, nhưng ít thấy bóng dáng người đi chăn. Xa xa mới gặp một người đội nón lá rách, tay cầm cây roi dài, thỉnh thoảng vừa quất, vừa hét. Người đi chăn trâu cũng có loại ngôn ngữ riêng để điều khiển chúng. Lâu rồi, tôi không nhớ rõ những tiếng lóng ấy, chỉ nhớ mỗi lần có con trâu nào trở chứng thì người chăn sẽ hét tên nó, kèm hiệu lệnh bắt làm theo. Mỗi khi muốn con trâu hoặc cả đàn dừng lại, thì người chăn hô “dò, dò, dò…”, con nào không làm theo là… ăn đòn ngay.

Vùng đất cầm trâu rộng thênh thang, nhưng nhà cửa thì thưa thớt. Không khí đặc quánh mùi mồ hôi của trâu. Có lần đi qua khu vực này, tôi thắc mắc tại sao người ta có thể ở nổi một nơi nặng mùi như vậy? Ba tôi bảo họ quen mùi rồi nên không nghe nữa. Mà đúng vậy thật. Ði qua một đỗi thì mùi hôi bớt đi, không phải là hết khu vực hôi trâu, mà cái mũi của mình bắt đầu… thích nghi với cái mùi ấy.

Vừa chèo, ba vừa kể cho tôi nghe những giai thoại thú vị về vùng đất cầm trâu, về sự trung thành của con trâu và cả nỗi cơ cực của những người chăn trâu mướn.

Nhà ngoại tôi là một trong những gia đình nuôi trâu nhiều nhất khu vực ngoại thành Cà Mau. Ông bà ngoại sinh đến mười người con, nhưng chỉ cậu Út là con trai duy nhất. Ngày ngày, cậu và các con thả trâu ở đồng xa, tối mới lùa về. Tôi không rõ nhà ngoại có bao nhiêu con trâu, nhưng nhiều lắm. Phía sau nhà ngoại cất hẳn hai dãy chuồng lớn; tối trâu về, cả nhà ôm hàng chục con cúi bện bằng rơm ra un muỗi cho bầy trâu. Khói toả mù mịt cả một vùng. Sáng hừng đông là cậu và các con đã dẫn trâu đi đâu mất.

Nhờ đàn trâu, cộng thêm tính chí thú làm ăn mà kinh tế gia đình cậu rất khá giả, tới mùa là việc không ngơi tay. Theo thời gian, ông bà ngoại và cậu lần lượt qua đời; Mười Hai - con trai cậu, ở nhà gốc vẫn duy trì đàn trâu, nhưng theo thời gian thì ít dần đi, cho đến khi chỉ còn ba con trâu mộng. Mười Hai quyết giữ bầy trâu vì từ nó có thể hái ra tiền.

Một đêm tối trời chừng ba năm trước, người giữ trâu mướn hớt hải báo với Mười Hai là mất trâu. Cả nhà túa ra tìm, sáng đêm đó rồi đến cả ngày hôm sau mà lũ trâu vẫn bặt tăm. Bọn trộm chuyên nghiệp đã lùa trâu đến một chỗ vắng vẻ, xẻ thịt rồi quăng xuống vỏ lãi chở đi. Lúc bọn trộm mang thịt trâu xuống vỏ có người nhìn thấy. Họ hô hoán, đuổi theo, nhưng mấy tay trộm xài máy công suất lớn, thoắt một cái ra sông rồi mất hút. Từ đó, nhà Mười Hai không còn nuôi trâu nữa. Hôm Tết, về thắp nhang cho ngoại, hỏi chuyện bầy trâu ai cũng buồn, cũng tiếc.

“Xứ trâu” An Xuyên xưa giờ cũng không mấy người nuôi trâu, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài con gặm cỏ bên vệ đường. Vùng này xưa chuyên trồng lúa, nay nhiều khu vực đã chuyển sang nuôi tôm, đất đai mặn - ngọt da beo nham nhở. Có lẽ vì thế người ta không còn tha thiết với việc giữ lại đàn trâu. Ngay cả vùng đất cầm trâu mênh mông hồi xưa, giờ cũng không còn mấy dấu tích cho thấy nơi đây từng là … thiên đường của trâu nữa.

Tối nọ, lên mạng thấy một người chia sẻ hình ảnh con trâu bằng đất sét, bao ký ức đẹp đẽ xưa lại hiện về. Có lẽ, cái máu nông dân và hình ảnh con trâu đã ăn sâu vào tâm trí bao lớp người, từ ngấp nghé bước vào tuổi trung niên như tôi trở lên. Nhớ hồi nhỏ, hễ tìm được ít đất sét là anh chị em, bạn bè lại kéo nhau ra nặn đồ chơi. Con gái thì nặn nồi niêu, xoong chảo, dụng cụ làm bếp; con trai thì nặn trâu. Mà lạ, nông thôn có biết bao con vật, mà tụi con nít như tôi chỉ nặn mỗi con trâu mà thôi.

Nhớ trâu, tôi lôi đất nặn đồ chơi của mấy đứa con ra nặn. Cũng thành trâu, nhưng nhìn không được đẹp như hồi xưa. Mấy đứa con lại ngắm nghía tác phẩm. Tôi vừa nặn, vừa kể cho chúng về một thời huy hoàng của con trâu trên đồng đất Cà Mau. “Vậy bây giờ sao đi về nội, về cố, hổng thấy trâu nữa ba?”, tụi nhỏ thắc mắc. “Làm ruộng thời hiện đại, có máy móc hết rồi, người ta không cần trâu nữa”, tôi đáp lửng lơ. “Vậy mấy con trâu đi đâu?”, tụi nhỏ tiếp tục hỏi khó. “Nó đi đến chỗ người ta còn cần nó”, tôi trả lời ậm ờ cho qua quận.

Bất giác, trong tâm trí tôi lại hiện ra cái cảnh bọn trộm xẻ thịt ba con trâu mộng của Mười Hai; tai như nghe văng vẳng những tiếng “dzô dzô…” trong mấy quán đặc sản đông nghẹt người, nói cười ngả nghiêng trong ánh đèn vàng vọt.

Một tối đoàn viên đầu xuân Tân Sửu, những ký ức đẹp về con trâu đã được tôi kể gần như trọn vẹn cho hai đứa con. Tôi chỉ “để dành” lại hai câu chuyện, là tình nghĩa và sự trung thành của con trâu. Ðó là chuyện về những con trâu bị chủ bán đi, bỗng một ngày thấy nó lù lù xuất hiện. Có lẽ, vì nhớ chủ cũ mà nó tìm cách quay về, dù cho hai nơi cũ và mới có một khoảng cách rất xa. Hay, khi người chủ hoặc người chăn quen thuộc của trâu qua đời, nó sa sút, bỏ ăn rồi chết theo.

Và, câu chuyện thứ hai là “nước mắt của trâu”. Nhiều người kể rằng, trước hôm bị bán đi hoặc bị giết thịt, con trâu trông buồn rười rượi. Dường như, trâu biết trước số phận của nó. Rồi, ngay trước giây phút biệt ly, người ta thấy nó nước mắt lưng tròng. Ðiều này đã được nhiều bậc trưởng bối xác tín.

Những câu chuyện ấy thật đẹp và giàu tính giáo dục, nhưng tôi sẽ để dành kể cho các con nghe vào một dịp khác, thích hợp hơn./.

(Vì lý do tế nhị, tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

 

Tuấn Ngọc

Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Về đâu những hạt phù sa...

Dòng Mê Kông chảy vào đất Việt, từ bao đời nay gom góp phù sa hình thành nên đồng bằng châu thổ an lành, với cộng đồng dân cư mang dáng nét “văn hoá miệt vườn”, “văn hoá sông nước” hào sảng xứ này. Cà Mau - “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - (Nguyễn Tuân) là miền đất tận cùng của đồng bằng châu thổ, được tạo nên bởi những hạt phù sa màu mỡ ấy.

Tản mạn về rồng

Rồng (âm Hán Việt gọi là long) là loài vật chỉ có trong huyền thoại được dân gian khắc hoạ hình tượng đầu sư tử, mình rắn, chân cọp, móng vuốt của chim ưng để biểu hiện sự dũng mãnh, uy lực.

Nhớ Tết quê

Bắt cá mùa nước rọt

Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có ao, đìa, có đất nuôi tôm, chí ít cũng được vài ba công, lúc tôm thất cũng có cá lóc, cá phi, cá bống ăn qua bữa. Riêng nhà tôi chỉ mấy mét đất ven sông để cất nhà ở.

Xuân gần lại - Nhớ Tết xưa

Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tết Nguyên đán gắn liền với phong tục của người Việt Nam từ rất lâu đời, thế nhưng cái Tết ngày nay ít nhiều biến đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: “Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu”. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp “bần cố nông” sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Tản mạn về ảnh báo chí

Dù hơn 10 năm làm phóng viên nhưng chưa bao giờ tôi được đánh giá cao về kỹ năng hình ảnh, tự mình nhận thấy đó cũng là nhược điểm cần cải thiện nhiều thêm. Dự nhiều lớp tập huấn về ảnh báo chí, song, trong đầu cũng còn nhiều băn khoăn, chưa thông suốt. Ảnh báo chí là một yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí, thậm chí, trong một số trường hợp sẽ quyết định đến giá trị, sức sống, sự lan toả của tác phẩm báo chí. Hiểu điều ấy là một việc, song thực tế tác nghiệp, tôi và không ít đồng nghiệp đều loay hoay khổ sở với khâu hình ảnh.

Còn thương tre trúc sau vườn...

Theo dấu chân của những lớp người tiền nhân, nghề đan đát về với Cà Mau, cây tre, cây trúc cũng thành khoảnh, thành vườn, thân thuộc và đắc dụng chớ không còn mọc hoang tạp, vô năng. Nếu tính thời gian cũng đã hơn trăm năm. Ðiểm độc đáo của nghề đan đát ở Cà Mau là theo vùng, theo xóm, theo sự trao truyền, mỗi nơi có những sản phẩm đặc trưng, nổi danh riêng biệt. Như bên Thới Bình, nức tiếng nhất là mặt hàng mê bồ, cần xé; trong khi đó, miệt U Minh lại vang danh với những mặt hàng tinh xảo gia dụng như rổ, nia, sịa, sàng, thúng...