(CMO) Tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ” dẫn đến nhiều hộ gia đình đã nghèo còn đông con, việc học hành nâng cao dân trí khó khăn nên cái nghèo cứ đeo bám từ đời này sang đời khác.
> Bài 2: Khi người nghèo không sợ… nghèo
Đông con không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, kinh tế gia đình mà còn gây áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kéo theo nhiều hệ luỵ về lâu về dài đối với nền kinh tế của địa phương, đất nước.
Ở Cà Mau, đặc biệt là các khu vực nông thôn, các vùng khó khăn, DTTS, tình trạng sinh con đông khi người mẹ còn quá trẻ vẫn đang diễn ra. Thậm chí, nhiều gia đình còn có tư tưởng đông con, nhiều cháu sẽ có thêm sức lao động để tăng thu nhập.
Mô hình trồng màu ở ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều hộ dân tộc Khmer. |
Tại một số khu vực nông thôn, không hiếm gặp những trường hợp gia đình có đông con, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Ðông con không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, mà còn tác động không nhỏ đến người mẹ cũng như việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Tại các địa phương, Hội Phụ nữ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ sau sinh và nuôi con đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo được chuyện học hành. Thế nhưng, vẫn còn vài hộ có tư tưởng trời sinh voi, sinh cỏ. Ðiển hình như hộ chị H.T.L.H (25 tuổi), Ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời. Chỉ mới 25 tuổi mà chị đã có 4 đứa con, lớn nhất học lớp 1, nhỏ nhất còn trong... bụng.
Thực tế cho thấy, phần lớn các gia đình đông con thường là hộ nghèo. Vì nghèo nên không có điều kiện nuôi dạy con cái đầy đủ. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tại nhiều địa phương gây áp lực lớn đối với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và nhiều hệ luỵ khác.
Ông Nguyễn Việt Trường, Trưởng Ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, trần tình: “Các cấp hội cũng tổ chức tuyên truyền, vận động về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, tuy nhiên vẫn còn một số hộ gia đình chấp hành chưa tốt, có hộ có tới 8-9 người con nheo nhóc”.
Qua khảo sát thực tế từ nhiều địa phương, các hộ DTTS nghèo đa phần không có đất sản xuất, không có chỗ ở ổn định, kiến thức hạn chế, công việc chủ yếu là dựa vào sức lao động làm mướn để sinh sống qua ngày, chuyện tương lai hầu như chưa được tính tới.
Thiết nghĩ, muốn giảm nghèo nói chung, trong đồng bào DTTS nói riêng, không chỉ giúp họ an cư lạc nghiệp, mà cần thực hiện hiệu quả các chính sách về dân số. Trong đó, việc quan trọng cần làm là tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân, nhất là những hộ nghèo về thực hiện kế hoạch hoá gia đình theo đúng chính sách dân số. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ông Nguyễn Thành Niệm, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Việc thực hiện chương trình ÐCÐC, dự án xen ghép cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối đồng bộ, giúp hàng trăm hộ nghèo có đất ở, đất sản xuất, an cư. Ban đầu, khi lập dự án, ngoài hỗ trợ đất ở, đất sản xuất có kèm theo các hạng mục công trình như trường học, trạm cấp nước, cùng phương thức sinh kế cho người dân như xây dựng chợ tập trung. Song, khi đưa vào hoạt động không hiệu quả, không có tính khả thi. Mặt khác, khi bà con vào các khu này sinh sống thì phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, một phần là do các khu ÐCÐC ở xa trung tâm huyện, xã nên điều kiện sinh hoạt gặp khó, chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng cao hơn so với các nơi khác; một phần bà con không có tư liệu sản xuất, thời gian nhàn rỗi nhiều, không có việc làm ổn định nên sinh kế không ổn định.
Căn cứ Quyết định số 4/2023/QÐ-TTg, ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau tham mưu UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát tình trạng thiếu đất cần được hỗ trợ trong đồng bào DTTS. Trong đó, sẽ tập trung tháo gỡ việc hỗ trợ nhà, đất ở và nước sinh hoạt từ các chương trình, đề án trước đó chưa thực hiện được. Hoàn thành công tác ÐCÐC; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào”.
Tuyết Mỉnh - Kim Cương