(CMO) LTS: Nâng cao giá trị sản phẩm nông sản thông qua phát triển ngành chế biến, tạo ra sự đa dạng sản phẩm là giải pháp căn cơ để không còn tình trạng “được mùa, mất giá”, “trồng - chặt” như đã qua. Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 là cơ hội lớn để Cà Mau tận dụng được nguồn vốn, chính sách đầu tư cho ngành chế biến nông sản của tỉnh phát triển. Đề án đặt mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến rau quả phải dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ gắn với khả năng cung cấp nguyên liệu; tập trung khai thác và tận dụng các lợi thế sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Thu hút các nguồn lực của xã hội để phục vụ phát triển ngành chế biến rau quả phù hợp với đặc thù của từng địa phương thông qua các định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển…
Bài 1: Chưa thể làm giàu từ nông sản
Cà Mau có diện tích trồng rau màu lớn, tập trung ở các huyện vùng ngọt hoá như Trần Văn Thời, U Minh. Thế nhưng, giá trị nông sản của tỉnh chủ yếu là bán sản phẩm thô cho thương lái, chỉ một số rất ít sản phẩm được đầu tư đạt các chuẩn như VietGAP, OCOP... Điều này dẫn đến đầu ra không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngoài tỉnh.
Long đong rau màu
Với diện tích trồng màu lên đến hàng ngàn héc-ta mỗi năm, Cà Mau có điều kiện thuận lợi để quy hoạch, phát triển những vùng nguyên liệu với các loại nông sản như rau màu, cây ăn trái. Thế nhưng hiện nay, phần lớn phát triển mang tính rời rạc, thiếu tập trung, nông dân thường chưa chủ động trồng những loại nông sản nào phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số loại nông sản khi được hộ dân trồng lúc đầu có giá cao, sau đó được bà con nhân rộng với diện tích ngày càng lớn và sau một vài năm thì lâm vào tình trạng rớt giá do khủng hoảng thừa. Đây là thực tế không chỉ ở lỗ hổng quy hoạch của ngành chức năng, chính quyền địa phương, mà bắt nguồn từ nông dân khi họ không chủ động được đầu ra.
Tại huyện Trần Văn Thời, huyện có diện tích trồng màu lớn của tỉnh, thế nhưng nhiều năm qua tình trạng được mùa, mất giá vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí cây đậu xanh một thời đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, gần đây diện tích gieo trồng ngày một ít đi vì nhiều lý do.
Ông Kim Huôl, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời với mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả. |
Ông Lý Hoàng Anh, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, chia sẻ: “Nông dân ở đây ngoài trồng lúa hàng năm vẫn trồng xen đậu xanh và nhiều loại rau màu khác. Lúc trước đậu xanh có giá, bà con tập trung trồng nhiều, nhưng vài năm gần đây do thời tiết không thuận lợi nên đậu xanh bị thiệt hại nhiều; hơn nữa giá cũng sụt giảm, không còn được như những năm đầu, nên bà con dần bỏ đậu xanh. Nhiều người chuyển qua lên liếp trồng chuối vì loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây từ trước tới nay”.
Việc người dân liên tục chuyển qua lại giữa các loại cây trồng nhưng không loại rau màu, cây ăn trái nào thực sự mang tính bền vững diễn ra thường xuyên. Chỉ có một số ít nông dân chịu khó nghiên cứu, chuyển đổi sang những mô hình kinh tế mới, mang lại thu nhập cao khi mạnh dạn đi ngược lại với xu hướng chung là phát triển ồ ạt các loại rau màu đang giá cao, nhưng sau đó người dân đổ xô cùng nhau trồng, mở rộng mô hình, một thời gian dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu, rớt giá trầm trọng.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Huyện có diện tích trồng màu lớn với khoảng 3.000 ha, tập trung ở các xã: Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Đông. Đây là loại hình kinh tế hiệu quả của nông dân vùng ngọt. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết không thuận lợi nên một số loại nông sản bị thiệt hại cũng như đầu ra thiếu ổn định, giá dao động lớn hàng năm. Năm nay mô hình trồng bí rợ của một số hộ dân ở xã Trần Hợi mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi đang có hướng khuyến khích nhân rộng mô hình này”.
Thực tế, khi một số hộ dân ở xã Trần Hợi chuyển sang trồng bí rợ đã cho thu nhập cao, một phần nguyên nhân là do nguồn cung ít trong khi nhu cầu của một số thị trường ngoài tỉnh tăng cao nên loại nông sản này trở nên hút hàng so với những loại rau màu được bà con trồng đồng loạt khác. Anh Nguyễn Văn Hải, thương lái từ Cần Thơ, cho biết: “Năm nay tôi thu mua chủ yếu là bí rợ, một số ít nông sản khác do nhu cầu tiêu thụ hiện nay đối với bí rợ cao, giá mỗi ký bí rợ từ 7.000-8.000 đồng, thậm chí hơn chút ít tuỳ loại, chất lượng”.
Nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời thu hoạch bí rợ. Ảnh: HUỲNH LÂM |
Chưa quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu
Giá cả các loại nông sản của tỉnh từ trước đến nay luôn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường ngoài tỉnh, khi nông dân chỉ trồng theo phong trào, loại nông sản nào năm nay được giá thì gần như ngay lập tức năm sau diện tích sẽ tăng lên. Điều này không chỉ dẫn đến rủi ro khi lượng cung quá lớn, là điều kiện để thương lái ép giá, mà còn chỉ ra một thực trạng, đó là chúng ta chưa có quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu cho từng loại nông sản ở vùng ngọt hoá. Hoạt động trồng rau màu trở nên manh mún và hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của nông dân, qua đó không thể nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng ấp 4, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết: “Ngoài diện tích rừng, bà con chủ yếu trồng chuối và một số loại cây ăn trái khác, nhưng giá cả luôn không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái”. Gia đình ông Thắng có 4 ha trồng chuối, nhưng thu hoạch giảm theo từng năm. Theo ông tính, từ năm 2020 về trước giá 1 kg chuối từ 2.000-2.300 đồng, hiện nay chỉ còn 1.700 đồng/kg, điều này dẫn đến thu nhập từ 4 ha chuối hiện tại chỉ được khoảng 50 triệu đồng mỗi năm, trong khi trước đây trên 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Việt Thắng, Ấp 4, xã Khánh Thuận, huyện U Minh trồng chuối hơn 10 năm nhưng thu nhập không ổn định.
“Sản phẩm chuối chủ yếu là do thương lái ngoài tỉnh thu mua, chỉ một số lượng rất ít là được bán trong tỉnh, do đó đầu ra và giá cả đều phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Trên địa bàn huyện không có một cơ sở chế biến nào thu mua nông sản của người dân, nên việc phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngoài tỉnh không thể tránh khỏi. Nông dân trồng chuối không thể chủ động được đầu ra”, ông Thắng chia sẻ.
Huyện U Minh có 229 ha trồng màu truyền thống, trong đó có 5 ha trồng rau màu an toàn. Một số loại cây công nghiệp như dừa có 935 ha, hơn 2.680 ha trồng chuối; bên cạnh đó, khoảng 475 ha các loại cây ăn trái như cam, quýt, mận, xoài, táo… Điều này cho thấy, U Minh là huyện có diện tích trồng các loại nông sản lớn, nếu được quy hoạch và có chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân xứ rừng.
Tuy nhiên, bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết: “Hầu hết rau màu, cây ăn trái đều phát triển rời rạc, không tập trung, bà con chủ yếu lấy ngắn nuôi dài. Chưa có quy hoạch về vùng nguyên liệu cụ thể, mà chủ yếu phát triển nhỏ lẻ các vùng cây ăn trái ở đất lâm phần”.
Việc chưa có định hướng phát triển rõ ràng, hiệu quả đã dẫn đến giá trị kinh tế nông sản của tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của những vùng ngọt hoá mang lại. Chúng ta khuyến khích nhưng chưa có những chủ trương cụ thể cũng như sự đồng hành của ngành chức năng trong hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật sản xuất, định hướng loại rau màu, cây trồng phù hợp, nhất là chưa đảm bảo được đầu ra cho nông sản bởi những hoạt động liên kết còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, tỉnh chưa khuyến khích được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến để giải quyết đầu ra cho nguyên liệu tại chỗ. Việc hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường ngoài tỉnh sẽ không thể nào giải quyết được tình trạng được mùa, mất giá dai dẳng, ám ảnh nông dân Cà Mau./.
Đặng Duẩn
BÀI 2: VÙNG NGUYÊN LIỆU CHƯA PHÁT HUY GIÁ TRỊ