(CMO) Vấn đề quan trọng nhất khi quy hoạch vùng nguyên liệu chính là phải giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm. Thực tế, sản phẩm nông sản được tiêu thụ trong tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường ngoài tỉnh. Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá diễn ra thường xuyên. Nông sản Cà Mau hiện đang thua ngay trên sân nhà khi rất ít sản phẩm vào được các siêu thị lớn. Các sản phẩm như nước ép, sấy khô được chế biến từ các loại nông sản phần lớn đều của các thương hiệu ngoài tỉnh. Gần như chúng ta đang bỏ quên việc tự tiêu thụ được nông sản cho nông dân trong tỉnh, mà chỉ tập trung tăng diện tích, sau đó là bán sản phẩm thô.
Khi ngành chế biến bị bỏ ngỏ
Thực tế khảo sát cho thấy, hiện toàn tỉnh hầu như không thu hút được các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản. Chỉ có một vài cơ sở chế biến nhỏ, tiêu thụ một lượng rất ít nguyên liệu tại chỗ. Công ty TNHH Đại Đô, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời là một trong những cơ sở chế biến hiếm hoi đầu tư nhà máy và mua nguyên liệu chuối của địa phương để sản xuất, tạo được việc làm và góp phần nâng cao giá trị cũng như giải quyết một phần đầu ra của cây chuối ở một trong những xã có nguồn nguyên liệu chuối lớn nhất tỉnh.
Ông Cao Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Đại Đô, cho biết: “Cơ sở thu mua chuối nguyên liệu tại chỗ của địa phương nên có điều kiện trả giá cao hơn cho bà con do giảm được chi phí. Bên cạnh đó, cơ sở đảm bảo được đầu vào, do đây là địa phương có diện tích trồng chuối lớn và ổn định từ trước đến nay”.
Đây là tín hiệu vui cho người trồng chuối, thế nhưng chỉ là trường hợp hiếm hoi, sự đầu tư cũng xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết của một vài cá nhân. Để ngành nông sản của tỉnh thực sự mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như có sự đóng góp tương xứng vào ngân sách Nhà nước thì việc khuyến khích ngành chế biến nông sản trong tỉnh phát triển là hướng đi cần thiết trong thời gian tới.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Bên cạnh các loại rau màu, cây ăn trái thì chuối là loại cây đã phát triển từ lâu, được người dân trồng với diện tích lớn. Tuy nhiên, việc chế biến sản phẩm này tại địa phương còn rất hạn chế, ngoài một số cơ sở thu mua làm chuối khô thì hiện chỉ có 1 cơ sở chế biến sản phẩm này ở xã Khánh Bình Tây Bắc là Công ty TNHH Đại Đô. Điều này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu thụ, còn lại đều bán sản phẩm thô cho thương lái thu mua. Vấn đề này cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến đầu ra cây chuối không ổn định như nhiều loại nông sản, rau màu, cây ăn trái khác”.
Rau màu là thế mạnh của sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hoá. (Trong ảnh: Thu hoạch bí rợ ở huyện Trần Văn Thời). Ảnh: HUỲNH LÂM
Tương tự huyện Trần Văn Thời, với diện tích rau màu, cây ăn trái rất lớn nhưng huyện U Minh không có một cơ sở chế biến nông sản nào. Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết: “Nếu có được đơn vị đầu tư cơ sở chế biến tại địa phương thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong phát triển diện tích rau màu, cây ăn trái của địa phương. Tuy nhiên đến nay chưa thấy có những chương trình, chính sách nào để hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành chế biến trên địa bàn huyện”.
Cần tận dụng cơ hội
Hiện nay, hướng đi mới được khuyến khích cũng như nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người nông dân là đầu tư phát triển nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Qua đó, nông dân, doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm của mình vào tiêu thụ ở các siêu thị lớn, những thị trường khó tính cũng như đạt chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm đạt chứng chỉ VietGAP, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… đang được ngành chức năng khuyến khích. Ngoài việc nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, vấn đề cần được quan tâm là phát triển mạnh mẽ ngành chế biến rau quả trong tỉnh, qua đó giúp chúng ta có thể tiêu thụ được sản phẩm của chính nông dân vùng nguyên liệu làm ra.
Mô hình trồng nhãn của nông dân xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ảnh: Huỳnh Lâm
Một cơ hội lớn là ngày 22/3/2021, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể. Đề án đặt mục tiêu phát triển ngành chế biến rau quả trở thành ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là yêu cầu phát triển bền vững ngành chế biến rau quả phải dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ gắn với khả năng cung cấp nguyên liệu; tập trung khai thác và tận dụng các lợi thế sản xuất của từng vùng, từng địa phương.
Để thực hiện mục tiêu đó, rõ ràng chúng ra phải có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và năng lực cạnh tranh quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư phát triển các doanh nghiệp chế biến, bảo quản rau quả hiện đại. Tỉnh Cà Mau cần có chính sách thu hút các nguồn lực của xã hội để phục vụ phát triển ngành chế biến rau quả phù hợp với đặc thù của từng địa phương thông qua định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Ông Duy Quốc Tuấn nêu quan điểm: “Nếu có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư để phát triển được ngành chế biến rau quả, giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thì đây là cơ hội tốt để ngành trồng trọt trong tỉnh nói chung và của địa phương nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn. Nông dân sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn từ sản phẩm mình làm ra, tránh tình trạng thương lái ép giá như thời gian qua”.
Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tập trung thu hút đầu tư mới 20-25 cơ sở chế biến quy mô lớn và vừa tại các vùng sản xuất rau quả tập trung; dự án đầu tư mang tính liên tỉnh, liên vùng, có đủ năng lực dẫn dắt thị trường, tạo ra nhóm sản phẩm rau quả xuất khẩu chủ lực, đồng thời là trung tâm kết nối chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Phát triển mạnh các cơ sở chế biến rau quả quy mô nhỏ có công suất và công nghệ phù hợp với đặc thù, khả năng sản xuất nguyên liệu tại tất cả các địa phương không có thế mạnh về sản xuất nhằm đa dạng hoá chủng loại sản phẩm rau quả chế biến.
Rau màu là thế mạnh của sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hoá. Ảnh: Huỳnh Lâm
Bên cạnh đó, đề án cũng tiến tới xây dựng các cụm liên kết gắn chế biến, tiêu thụ với sản xuất rau quả tại các địa phương, các vùng có sản lượng rau quả lớn (đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long); thu hút mạnh đầu tư để đến năm 2030, đảm bảo tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy móc, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ.
Về tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến, sẽ xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả đảm bảo nguyên liệu được cung cấp có chất lượng và an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến. Đề án định hướng phát triển sản xuất rau quả trên phạm vi toàn quốc, mỗi địa phương lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại rau quả chủ lực mà địa phương có lợi thế sản xuất, mang tính đặc sản vùng miền và có khả năng liên kết với các địa phương xung quanh để tạo ra vùng rau quả tập trung.
Điểm thuận lợi, khuyến khích nhà đầu tư đó là tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách đã có để tạo thuận lợi, đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến hỗ trợ phát triển ngành chế biến, bảo quản rau quả. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào chế biến, bảo quản rau quả; lồng ghép các nội dung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả vào các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng, miền và địa phương. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao, giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch; đồng thời có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả. Bên cạnh đó, có rất nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp chế biến rau quả đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Nguồn kinh phí thực hiện đề án, cùng với các bộ, ngành liên quan thì các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện các hoạt động phát triển ngành chế biến, bảo quản rau quả tại địa phương theo quy định.
Có thể nói, ngoài đưa ra chủ trương quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể, nhất là những loại rau màu đặc trưng, có giá trị kinh tế của tỉnh, thì việc ngành chức năng sớm vận dụng, tận dụng những chính sách mà đề án đưa ra sẽ là cơ hội lớn để ngành trồng trọt, chế biến rau quả của tỉnh phát triển và phát huy tiềm năng to lớn của tỉnh trong thời gian tới./.
Đặng Duẩn
BÀI CUỐI: THU HÚT CÁC NGUỒN LỰC