(CMO) Phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, thuỷ sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau nói riêng, của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản của Cà Mau thời gian qua (đặc biệt là chế biến xuất khẩu tôm) đạt kết quả rất khả quan. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt bình quân 1 tỷ USD. Hiện nay, nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương còn hạn chế, tập trung ưu tiên cho các hạ tầng kết nối vùng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển để thu hút các nguồn lực xã hội. Trong đó, ngành chế biến nông sản cần được quan tâm, tạo điều kiện phát triển nhiều hơn nhằm khai thác hết thế mạnh ngành sản xuất nông sản của tỉnh.
Tận dụng tốt chủ trương
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022. Trong đó, xác định công nghiệp vùng phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hoá chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thuỷ sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hoá nông sản tại các trung tâm đầu mối.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhất định trong việc tiêu thụ nông sản hàng hoá. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Cà Mau tham gia diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp lớn trong nước, góp phần để các hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất trong tỉnh liên hệ hợp tác tiêu thụ tốt lượng hàng hoá nông sản của tỉnh. Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản ổn định, hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, các sản phẩm, hàng hoá nông sản tiêu thụ khá ổn định, đảm bảo cân đối cán cân cung - cầu hàng hoá; ngành NN&PTNT đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị các ngành hàng chủ lực nhằm chia sẻ hài hoà lợi ích, đảm bảo tiêu thụ nông sản hàng hoá của tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả.
Việc phát triển ngành chế biến nông sản, Cà Mau bắt đầu hình thành một số cơ sở chế biến, đây có thể là tiền đề quan trọng để khuyến khích nhiều cá nhân, doanh nghiệp… đầu tư vào lĩnh vực này khi nhận được những chính sách ưu đãi hợp lý. Hiện tỉnh có 2 nhà máy xay xát lúa gạo lớn với công suất 180.000 tấn/năm; 1 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo hữu cơ chủ yếu tiêu thụ nội địa và 3 nhà máy sản xuất, sơ chế sản phẩm chuối, gồm Công ty TNHH Đại Đô Cà Mau, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (công suất 500 tấn/năm); hộ kinh doanh Hai Bảo, cơ sở Bảy Hoàng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Việc triển khai đề án khuyến công hàng năm của Sở Công thương đã hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ chế biến nông sản thực phẩm, gồm máy sấy, kho trữ lạnh bảo quản sản phẩm, máy đóng gói… cho một số cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp như Công ty TNHH Đại Đô Cà Mau, cơ sở Bảy Hoàng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm…
Công ty TNHH Đại Đô Cà Mau, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời chế biến sản phẩm sấy khô với công suất 500 tấn/năm, trong đó sử dụng nguyên liệu chuối tại huyện Trần Văn Thời. |
Ngành nông nghiệp có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp cũng như các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư cho lĩnh vực chế biến nông sản. Tỉnh Cà Mau đã cụ thể hoá các cơ chế chính sách của Trung ương bằng việc ban hành các nghị quyết quan trọng, bao gồm chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đưa ra chính sách phù hợp
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản - thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030, dự kiến tổng quy mô đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng với các danh mục dự án, chương trình ưu tiên đầu tư cho công nghiệp chế biến nông - lâm sản - thuỷ sản”.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long nêu, tỉnh sẽ xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh, đồng thời xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Văn Quân cho biết thêm: “Ngành chức năng tham mưu, kiến nghị với Trung ương có những chính sách mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến nói riêng. Đây là hành lang pháp lý để các địa phương làm cơ sở để xây dựng các chương trình, dự án về phát triển công nghiệp”.
Để chủ động và định hướng sản xuất nông sản phù hợp, đảm bảo nông sản Cà Mau cũng như các loại rau màu, cây ăn trái có đầu ra ổn định, ngành nông nghiệp khuyến khích sản xuất dưới các hình thức liên kết chuỗi giá trị; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, trong đó tổ hợp tác, hợp tác xã hợp đồng với nông dân tổ chức sản xuất và làm đầu mối bao tiêu, thu mua sản phẩm nông sản cung cấp cho doanh nghiệp, hoặc các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, cần nắm bắt thông tin thị trường để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất phù hợp, nhằm đảm bảo cân đối cán cân cung - cầu hàng hoá nông sản, thực phẩm.
Ngành chế biến nông sản cần được khuyến khích đầu tư nhằm tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tại địa phương, giúp nông sản nâng cao giá trị, có đầu ra ổn định. |
Đối với người nông dân, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, người sản xuất cần tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ… đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Nguyễn Văn Quân cho biết: “Cà Mau tập trung hướng dẫn, khuyến khích phát triển các sản phẩm nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực thành các sản phẩm OCOP. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nông sản của tỉnh”.
Có thể nói, khi đề án phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản - thuỷ sản trên địa bàn tỉnh được triển khai sẽ là điều kiện thuận lợi giúp nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời các tổ chức, doanh nghiệp… sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất. Ngành công nghiệp chế biến của tỉnh có cơ hội phát triển nếu đề án được triển khai đồng bộ, hiệu quả./.
Đặng Duẩn