Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Ðầm Dơi là huyện trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, với diện tích nuôi tôm 65.560 ha, năm 2015 sản lượng thuỷ sản ước đạt 105.000 tấn, trong đó tôm trên 51.000 tấn.
Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Ðầm Dơi là huyện trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, với diện tích nuôi tôm 65.560 ha, năm 2015 sản lượng thuỷ sản ước đạt 105.000 tấn, trong đó tôm trên 51.000 tấn.
Trong những năm qua, kinh tế thuỷ sản của huyện tiếp tục phát triển; nông dân luôn tìm tòi, sáng tạo và có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến mới, tạo ra nhiều mô hình sản xuất đa canh, thâm canh, nuôi tôm kết hợp với nuôi cá, nuôi cua, nuôi tôm công nghiệp đem lại hiệu quả khá cao, góp phần quan trọng vào nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu của tỉnh. Ðặc biệt, nuôi tôm công nghiệp là mô hình sản xuất có hiệu quả, lợi nhuận cao; đối với Ðầm Dơi, loại hình sản xuất này phát triển nhanh trong những năm gần đây (năm 2010 có khoảng 800 ha, nay tăng lên gần 2.900 ha, chiếm gần 1/3 diện tích nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh).
Qua theo dõi, đúc kết kinh nghiệm nhiều năm về nuôi trồng thuỷ sản, chúng tôi nhận thấy để nâng cao hiệu quả, tạo sự đột phá trong sản xuất; điều nhất thiết là phải phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến. Trong sản xuất hiện nay và sắp tới chỉ có thực hiện 2 mô hình này mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng ta đều biết nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm công nghiệp nói riêng lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng không nhỏ; đồng thời chịu sự tác động, ảnh hưởng nhiều yếu tố như: thời tiết, môi trường, dịch bệnh, con giống, kỹ thuật quản lý, cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, điện, giao thông, phân thuốc, thức ăn, giá cả thị trường khi thu hoạch sản phẩm… Mặt khác, nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi người nuôi phải bỏ ra nguồn vốn ban đầu khá lớn, phải cơ bản nắm được kỹ thuật quản lý, chăm sóc; quy trình nuôi tôm công nghiệp khá công phu, chặt chẽ, có tính chất khép kín. Ðây là vấn đề phức tạp mà trong hướng dẫn kỹ thuật, so với thực tế trong sản xuất cũng như trong hiểu biết của nông dân còn nhiều bất cập.
Nuôi tôm nói chung và nuôi tôm công nghiệp nói riêng, môi trường được xem là yếu tố có tác động trực tiếp đến hiệu quả; có thể khẳng định môi trường xấu, không thể nuôi tôm thành công. Vì vậy, trong nuôi tôm phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường, cần tuyên truyền, giáo dục mọi người có ý thức tự bảo vệ môi trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện và tuân thủ đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Nhà nước có chế tài và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường; ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, thông báo, cảnh báo điều kiện thuận lợi, khó khăn về môi trường đến với người sản xuất; người nuôi tôm phải thực hiện đúng các quy định về xử lý môi trường như: lắng nước, lọc nước, gây màu nước, xác định độ mặn, độ kềm, độ pH… đảm bảo phù hợp. Khi môi trường diễn biến bất lợi cho tôm nuôi, phải biết cách xử lý; khi xảy ra dịch bệnh phải xử lý đúng quy định.
Ðể nuôi tôm hiệu quả, điều quan trọng tiếp là phải chọn con giống tốt. Việc chọn con giống phải được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn; nhất thiết phải xét nghiệm, chọn tôm giống sạch bệnh. Ðối với tỉnh ta, nguồn sản xuất tôm giống cung ứng chưa đủ cho yêu cầu của người nuôi tôm, chủ yếu sản xuất giống tôm sú, giống tôm thẻ rất ít, trong khi người nuôi tôm công nghiệp cần lượng tôm giống rất nhiều; đây là yếu tố trở ngại lớn cho người nuôi tôm. Vấn đề đặt ra là, phải nâng cao số lượng, chất lượng sản xuất tôm giống tại tỉnh và có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng con giống nhập ngoài tỉnh; nếu không, việc nuôi tôm không những không có hiệu quả mà còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Một khâu quan trọng nữa là công tác tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn, tiếp thu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật phải luôn được chú trọng và tăng cường; ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tìm biện pháp hữu hiệu triển khai, chuyển giao các giải pháp ứng dụng khoa học - kỹ thuật đến người nuôi tôm; cần quan tâm tổ chức “các lớp học tại hiện trường”, có mô hình cụ thể, người nuôi tôm công nghiệp phải nắm vững và tuân thủ những khâu kỹ thuật trong sản xuất. Cần tổ chức, hình thành, các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nuôi tôm công nghiệp, để có điều kiện thuận lợi trong chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ bảo vệ và liên kết một số khâu trong sản xuất, cũng như trao đổi đúc kết, áp dụng những kinh nghiệm từ thực tiễn trong quản lý, chăm sóc tôm nuôi.
Một kinh nghiệm quý báu trong nuôi tôm công nghiệp là người nuôi tôm phải có vốn ban đầu, phải có kiến thức tiếp thu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật; không nên chạy theo phong trào; tuân thủ đúng lịch thời vụ, nuôi tôm phải có thời gian cho ao nghỉ, để cải tạo môi trường; nuôi tôm với mật độ hợp lý, không vì lợi nhuận, nuôi tôm công nghiệp với mật độ quá dày, dễ phát sinh dịch bệnh; khuyến khích, động viên những người ít vốn, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, làm bước đệm trước khi đi đến nuôi tôm công nghiệp.
Bên cạnh đó, khuyến khích và có cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết cùng với các hộ dân nuôi tôm công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; giúp những hộ nuôi tôm công nghiệp có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, cũng như tạo điều kiện ứng dụng quy trình nuôi tôm công nghiệp với công nghệ cao; bảo quản tốt sản phẩm sau khi thu hoạch. Có như vậy mới gắn kết chặt chẽ từ sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, nâng cao được hiệu quả trong sản xuất.
Khâu quan trọng nữa là trong cơ chế thị trường, người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến thuỷ sản phải tìm mọi biện pháp để giảm chi phí đầu vào. Nhà nước cần chỉ đạo quản lý chặt chẽ về giá con giống, vật tư, phân, thuốc, thức ăn, phục vụ nuôi tôm công nghiệp; doanh nghiệp chế biến giảm chi phí trung gian khi chế biến sản phẩm, nông dân thực hiện tiết kiệm trong khâu quản lý, chăm sóc tôm nuôi, làm cho chi phí sản xuất thấp… đảm bảo sau khi thu hoạch tôm có chất lượng sạch, không có dư lượng kháng sinh, hoá chất; đủ sức cạnh tranh trên thị trường, người nuôi tôm có lãi. Có như thế, con tôm của Cà Mau mới có ưu thế, uy tín xuất khẩu ở các nước trong khu vực và trên thị trường thế giới, sản xuất thuỷ sản của Cà Mau phát triển bền vững hơn.
Nhà nước cần có quy hoạch, xây dựng đề án, định hướng nuôi tôm công nghiệp cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực; xác định những nơi có điều kiện, ưu thế để khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp; tạo ra hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Ðồng thời có kế hoạch, chương trình, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như thuỷ lợi, điện, lộ giao thông… cho các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung; các ngân hàng quan tâm đầu tư cho người nuôi tôm vay vốn nhằm tạo động lực cho nuôi tôm công nghiệp phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Những giải pháp nêu trên có thể chưa đủ, nhưng nhận thấy đây là những giải pháp khá quan trọng, thực hiện tốt, đồng bộ những giải pháp đó sẽ góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng, hiệu quả nuôi tôm công nghiệp. Huyện Ðầm Dơi sẽ nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt cao nhất chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện đề ra từ nay đến năm 2020; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới./.
Trích tham luận của Ðoàn đại biểu huyện Ðầm Dơi