(CMO) Thời chiến, họ là những người lính đã không tiếc sinh mạng, máu xương để cùng đồng đội chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thời bình, mang trên mình những vết thương nhưng họ lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới - mặt trận chống đói nghèo và trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Những ngày tháng Bảy, đến thăm cơ ngơi của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lược, ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, mới thấy hết tinh thần xung kích trên mọi mặt trận của người lính Cụ Hồ. Trên vùng đất mặn nhưng mô hình đa cây, đa con với 2 hệ sinh thái mặn - ngọt của ông khiến ai cũng phải trầm trồ.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lược chia sẻ: "Chiến tranh với biết bao khó khăn, gian khổ, cuộc sống chỉ tính bằng giây, bằng phút, vậy mà mình còn thắng được giặc, huống hồ gì những khó khăn ở thời bình. Xuất ngũ trở về địa phương với hai bàn tay trắng nên tôi luôn tâm niệm phải cải tạo đất hoang, nuôi đa con, trồng đa cây để kinh tế ngày càng phát triển. Giặc đói nghèo mới đáng sợ".
Trên diện tích 7 ha, ông Lược phát triển song song mô hình nuôi tôm, cua, cá nước mặn; quanh nhà là những ao cá nước ngọt kết hợp trồng bồn bồn, trên bờ liếp thì trồng dừa, cây ăn trái, rau màu… Mỗi năm, mô hình này đã mang về lợi nhuận cho gia đình ông trên 200 triệu đồng. Không những năng động trong phát triển kinh tế, ông Lược còn tích cực đóng góp, xây dựng các nguồn quỹ phong trào do chính quyền các cấp phát động. Ðặc biệt, ông còn trích tiền trợ cấp thương binh 40 triệu đồng (dành dụm bấy lâu) để hỗ trợ cuộc họp mặt địa phương quân được tổ chức tại huyện Ðầm Dơi thời gian qua.
Với CCB Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Hội Tù chính trị xã Nguyễn Huân, đã là lính Cụ Hồ thì phải học, phải làm và phải suy nghĩ theo tấm gương của Bác. Thời chiến, theo Bác để giành được độc lập, tự do, thời bình làm theo Bác để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Phát huy tinh thần ấy, ông luôn tiên phong thực hiện để làm gương từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Bị cụt 1 chân nên việc đi lại phải có nạng nhưng hàng ngày ông Việt vẫn hăng say lao động, phát triển kinh tế. Với diện tích 9 ha, ông Việt luôn duy trì mô hình nuôi tôm, cua, cá nước mặn, rắn, ba ba… Ðất trống quanh nhà được ông tận dụng trồng dừa, mận, chanh dây… Mùa nào trong vườn nhà ông cũng xanh mát và có thu nhập quanh năm. Ông Việt luôn tâm đắc, làm gì cũng có ý chí và sự sáng tạo. Ý chí để chiến thắng mọi khó khăn, gian khổ, sáng tạo để ngày càng phát triển. Và đây chính là nền tảng vững chắc để thương binh 2/4 Nguyễn Quốc Việt nắm trong tay cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng, đúng với những gì mọi người hay nhắc về “tỷ phú thương binh”.
CCB Nguyễn Quốc Việt (bên phải), Chủ tịch Hội Tù chính trị xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, kiểm tra mô hình nuôi ba ba của gia đình. |
Phó chủ tịch Hội CCB huyện Ðầm Dơi Trần Thanh Hoà chia sẻ, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, những người lính khi rời quân ngũ trở về đời thường, tiếp tục bắt tay vào lao động, sản xuất. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà các CCB còn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong phong trào giúp nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng nhà Ðồng đội.
Từ trong câu chuyện quá khứ đến cuộc sống hiện tại của những người lính, những thương binh, CCB khiến chúng tôi - thế hệ trẻ hôm nay, đầy xúc động. Xúc động bởi những người lính giữa thời bình vẫn tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ để vượt qua nghịch cảnh, trở thành những tấm gương sáng.
Năm 2020, toàn tỉnh có 55 xã, phường, thị trấn và 714 ấp không còn hộ CCB nghèo (tăng 179 ấp so với cuối năm 2019). Cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh tham gia đóng góp Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa” trên 1,1 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” trên 730 triệu đồng, Quỹ xây nhà Ðồng đội trên 1,2 tỷ đồng, Quỹ Nấm mồ đồng đội trên 1,3 tỷ đồng… Các cấp hội CCB trong tỉnh đã xây mới 55 căn nhà Ðồng đội, trị giá hơn 3 tỷ đồng; sửa chữa 16 căn nhà; hỗ trợ sửa chữa và xây mới 534 nấm mộ của liệt sĩ và CCB từ trần; cúng 4.200 mâm cơm tại các nghĩa trang liệt sĩ và mộ lẻ ở các gia đình nhân các ngày lễ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc. |
Phương Lài