ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 05:26:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nặng gánh mưu sinh

Báo Cà Mau (CMO) Trời dần sáng. Một góc đèn đường vẫn còn sáng rực. Dọc theo mé sông, khung cảnh người mua kẻ bán ồn ào, nhộn nhịp. Những tiểu thương tất bật lựa cho được những món hàng ưng ý, được giá để kịp cho buổi chợ sáng, bắt đầu một ngày mưu sinh tần tảo.

Vì cuộc sống

Mười mấy năm nay, khi mọi người vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ, trên chiếc xe máy cà tàng, chị Dương Thị Diễm (Khóm 6, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) đã bắt đầu hành trình buôn gánh bán bưng. Dáng người trông nhỏ nhắn, ốm yếu nhưng nói về sự chịu khó chưa hẳn có ai qua chị. Làm ruộng, làm rẫy cho đến tần tảo sớm hôm nơi chợ búa, cái gì chị cũng biết và nhiều kinh nghiệm. Sáng bán ở chợ mà người dân quen gọi là chợ đồng, thuộc chợ Nông sản, chiều lại bày hàng trước vỉa hè nhà người quen để bán. Mặt hàng chủ yếu là các món rau đồng theo mùa quen thuộc như rau nhút, rau đắng, rau muống, bông súng, mướp, bầu, bí…  Rau thì cỡ nào cũng phải bán cho hết trong ngày, còn nếu củ, quả bán không hết thì để lại cho buổi chợ hôm sau. Rau cải tuy lời lãi không bao nhiêu nhưng cũng giúp chị có đồng ra đồng vô.

Chị Diễm nói như trút bầu tâm sự: “Hồi đó, lộ Khóm 6 nhỏ, ổ gà, ổ voi nhiều, cực nhất là những khi mưa tầm tã, 6-7 giờ tối chạy xe một mình, chở đồ nặng, đường trơn trượt, tối thui. Mới có được con lộ mới 3 m nên bớt vất vả phần nào”.

Cũng một thân một mình chợ sớm nhưng hoàn cảnh của chị Dương Thị Út (Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) nghe mà không khỏi chạnh lòng. Không cục đất cắm dùi, nhưng chị từng có một gia đình thật đầm ấm, trọn vẹn. Người chồng chí thú làm ăn và 2 đứa con ngoan ngoãn. Hàng ngày, chồng chị đi mua dừa bán lại, còn chị thì lo vun vén gia đình. Thế nhưng, bất hạnh ập đến cuộc đời chị, trong một lần leo dừa, chồng chị bị tai nạn và nằm một chỗ, mọi gánh nặng trong gia đình đổ lên đôi vai vốn đã gầy guộc của chị. Chị bôn ba lên đất thành thị kiếm sống.

Những ngày tháng lao động cực nhọc xứ người đã bào mòn sức khoẻ người phụ nữ ngoài 30 tuổi. Vậy là, từ trước tết tới giờ chị lại về quê chọn nghề buôn gánh bán bưng để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống gia đình cho đến cái chữ của các con đều dựa vào mớ tép, mớ rau, vài con cá mà hàng ngày chị bán được. Bởi vậy, dù ngày nắng hay mưa, kể cả những khi trời nổi cơn dông bão, chị vẫn không dám bỏ buổi chợ.

Hỏi chị một ngày vất vả như thế lời được bao nhiêu, chị cười mà trông thật buồn: “Bữa nào trời thương, bán chạy thì lời cũng được trăm ngoài, trừ tiền xe ôm còn được vài chục ngàn”. Hoàn cảnh khốn khó là thế, nên chị Út luôn trân quý từng đồng tiền lẻ kiếm được. Buổi sáng lót dạ chỉ vài miếng bánh chợ qua loa, còn buổi trưa ôm bụng đói để buổi chiều về nhà ăn cơm cho đỡ tốn tiền.
Cực nhọc đã đành vì để kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi, công sức nhưng nghề buôn gánh bán bưng cũng mang nhiều nỗi niềm. Gặp khách hào sảng thì coi như may mắn, nhưng tình trạng kỳ kèo giá cả không còn là chuyện lạ và cũng có khi một ngày phí công.

Chị Thái Thị Diệp (ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Có những khi khách mua hàng rồi, lợi dụng lúc buôn bán lu bu nên đi luôn, không trả tiền. Coi như ngày đó không còn lời đồng nào”.

Người ta thường bảo, nghề buôn bán là của phụ nữ nhưng ngày nay thật không khó bắt gặp cánh mày râu cũng giỏi buôn gánh bán bưng. Như anh Phan Văn Tuấn, chồng chị Diệp theo nghề đã chục năm. Nhà cũng có vài công đất nuôi tôm, cua thiên nhiên, thời gian rảnh rỗi nhiều, thấy vợ buôn bán ở chợ cực nhọc sớm hôm, mấy năm nay, anh Tuấn đi theo đỡ đần. Sáng sớm, chị đèo anh trên chiếc xe máy, chiều chiều tan chợ hai vợ chồng cùng về, rồi cùng nhau nấu bữa cơm chiều.

Anh Tuấn chia sẻ: “Nhiều người thấy ngại vì buôn bán ở chợ nhưng tôi thì nghĩ khác. Nghề mình là nghề lương thiện, đồng tiền mình kiếm được là đồng tiền chân chính thì chẳng có gì phải ngại, phải xấu hổ cả”.

Anh Dương Hoàng Tư (ấp Trảng Cò, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) đã quen với việc chạy chợ nhiều năm nay.

Yên vui cuộc sống

Ở ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, mười mấy năm nay, cứ mỗi buổi chợ sáng, chị Trương Huỳnh Thu lại chạy xuồng máy đến chợ huyện bày bán những mặt hàng đánh bắt được như tôm, tép, cá, cua. Tuỳ theo con nước mà bữa hàng nhiều, bữa hàng ít, nhưng là đồ thiên nhiên nên khách hàng rất ưa chuộng, ngày nào chị Thu cũng bán hết hàng. Bữa trúng đậm thì 500-700 ngàn đồng, còn ít thì vài trăm ngàn đồng.

Thu nhập có đều nhưng để có được ngần ấy tiền những người buôn bán như chị phải vất vả biết bao. Ngón tay ngón chân thường xuyên đau buốt, mùi đặc trưng của cá, tôm bám trên thân thể. Thế nhưng, chị Thu vẫn thầm cảm ơn nghề hàng tôm hàng cá này, vì nó đã đem lại miếng cơm manh áo cho gia đình chị, nhất là đem lại con chữ cho 2 đứa con của chị.

Chị Thu tâm tình: “Người ta có vốn nhiều thì kinh doanh này nọ, mình vốn ít thì chọn nghề này kiếm sống. Tuy vất vả, dãi nắng dầm mưa nhưng có thu nhập xoay xở hàng ngày, lo cho con cái. Con lớn của tôi giờ đang học đại học năm thứ 4, con út học lớp 4”.

Không ruộng đất, nghề buôn gánh bán bưng đã theo vợ chồng anh Dương Hoàng Tư và chị Trần Thanh Hoa (ấp Trảng Cò, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) trong suốt hành trình mưu sinh. Cũng như bao người khác, vợ chồng chị Hoa phải chịu cảnh chạy chợ. Và giấc ngủ trưa đỡ mệt mỏi cũng là trên cái võng dựng tạm ven đường. Vất vả là thế nhưng vợ chồng chị vui vì đồng cam cộng khổ.
Anh Tư bộc bạch: “Trước đây, cả chục năm tôi chạy ghe lấy đồ rẫy ở Vĩnh Thuận về bán lại ở chợ Cái Nước, còn vợ thì bán ở đây. Giờ bệnh nên về đây bán chung cho có vợ có chồng. Nghề này tuy lam lũ nhưng dễ sống”.

18 năm chọn vùng đất Trần Văn Thời để an cư lạc nghiệp là bao nhiêu năm vợ chồng bà Văn Thị Tia (Khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời) gắn bó với nghề buôn ở chợ. 60 tuổi đời, hàng ngày, đôi vợ chồng già gánh hàng trên đôi gánh xứ Bến Tre, mời gọi khách qua đường mua ủng hộ mớ khô, củ tỏi, bọc tiêu.     

Đặt đôi quang gánh chỗ ngồi quen thuộc, bà Tia mở lòng: Mới chừng 2, 3 năm trước thôi, mỗi gánh bà gánh hàng nặng gần hai giạ lúa là bình thường, còn giờ chưa tới phân nửa đã nghe đuối chân. Bao nhiêu năm tháng gánh hàng kẽo kẹt trên vai nên giờ đôi vai, sức khoẻ bà không còn dẻo dai như trước.

Không phải buôn bán những mặt hàng thiết yếu nên không phải ngày nào vợ chồng bà cũng kiếm được đồng lời. Chỗ che mưa che nắng vẫn là căn phòng trọ nhỏ gắn bó bao năm, vậy nên, theo lời bà kể, chưa ngày nào vợ chồng bà biết ngồi quán ăn sáng hay uống ly cà phê.

Có người hỏi sao không về quê bán cho khoẻ, ở đó có nhà cửa yên ấm nữa. "Nhưng ở đây bao nhiêu năm gắn bó, có bạn bè, tình thương nên cứ ở, cứ bán. Lâu lâu thì về quê, tết về sum họp con cháu rồi lại xuống dưới này bán khô, tỏi”, bà cười.

Ra đi khi ánh mặt trời chưa thức và lúc về hoàng hôn đã buông xuống từ lâu. Bữa cơm chiều muộn cũng chỉ là món rau, cá đạm bạc, mộc mạc nhưng những người buôn gánh bán bưng như chị Diễm, chị Út, chị Hoa, bà Tia…, cuộc sống bình dị nhưng êm đềm, yên vui. Họ chỉ hy vọng mỗi ngày buôn may bán đắt để tương lai tươi sáng hơn./.

Ngọc Minh

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.