(CMO) Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc là những yếu tố then chốt giúp tạo ra lượng hàng hoá lớn, tăng giá trị và sức cạnh tranh thương mại… Ðây là hướng đi tất yếu để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bước tiến từ sản xuất
Thời gian qua, đã có hàng loạt các dự án đề tài khoa học được nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng trong thực tế sản xuất. Trong giai đoạn 2001-2021, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tổng số 551 đề tài, dự án, trong đó có 50% thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Bánh phồng tôm là một trong hàng loạt các sản phẩm của tỉnh lập hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở thời gian qua. |
Ông Châu Văn Thọ, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhận định, đa số các đề tài, dự án được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả. Thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án cấp Trung ương và cấp tỉnh, đã hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh như tôm, cua biển, chuối, lúa gạo và gỗ, từng bước giúp người dân chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác, chia sẻ và phát triển.
Các đề tài, dự án triển khai tác động trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) điển hình có thể kể đến như Dự án Xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình và Khánh Thuận, huyện U Minh, với quy mô 100 ha với 74 hộ tham gia. Mô hình đã tổ chức liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Thông qua mô hình đã xây dựng được 3 tổ hợp tác (THT), trong đó có 1 THT đã phát triển nâng lên HTX sau khi kết thúc dự án 1 năm.
Hay như Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình xen canh lúa - tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP vùng Bắc Cà Mau đã và đang triển khai 200 ha với 136 hộ, gồm 1 HTX và 2 THT; Ðề tài và dự án ứng dụng công nghệ Biofloc sản xuất giống tôm sú nhằm nâng cao chất lượng tôm giống tại tỉnh Cà Mau với 10 trại sản xuất tham gia, trong đó có thành viên trại sản xuất giống của HTX Ðồng Khởi….
Ðược thành lập vào giữa năm 2016, ngành nghề chính của HTX Nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước là nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, cung ứng vật tư, thuốc thuỷ sản, con giống và thu mua tôm thẻ.
Từ 19 thành viên, 19 ao ban đầu, đến nay HTX có 36 thành viên, với hơn 45 ao nuôi. Hiện HTX đã liên kết với DNTN Nhật Duy thu mua tôm thịt; về thức ăn, thuốc, sinh phẩm... thì có các công ty: Tân Quang Minh Cà Mau, Trúc Anh, Nam Mỹ, Trường Sinh, Phương Nam... Ðặc biệt, liên kết với công ty Trúc Anh, một số nhà khoa học… để ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên không ngừng được nâng lên, trung bình một năm trên 420 triệu đồng.
Ông Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm, Giám đốc HTX, cho biết, chiến lược phát triển của HTX thời gian tới là tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện khu nuôi tôm thương phẩm với quy mô 45 ao nuôi tôm theo công nghệ UV, Ozone; khu nuôi cua nhị (cua gạch non), cua 2 da, hàu thương phẩm và quy trình chảy tràn tại ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước; tiếp tục hoàn chỉnh các quy trình Biofloc trong ao bạt, ao lưới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm phát huy tối đa sản lượng.
… Đến nhãn hiệu, nguồn gốc hàng hoá
Trên địa bàn tỉnh, đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 2 văn bằng sáng chế, 3 văn bằng giải pháp hữu ích, 24 văn bằng kiểu dáng công nghiệp và 914 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Ông Châu Văn Thọ thông tin thêm, các sản phẩm được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể đã ứng dụng công nghệ sấy năng lượng mặt trời, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hàng hoá được thiết kế chuyên nghiệp, đúng quy định, sản phẩm được phân tích, kiểm nghiệm và công bố chất lượng giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, các sở, ngành còn tiến hành hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho hơn 50 lượt doanh nghiệp, cơ sở với các loại sản phẩm như: mật ong, cà phê rang, cà phê bột, đường thô, tôm thịt luộc chín đông lạnh, tôm tươi đông lạnh, mực tươi…
Tư vấn và lập hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở cho hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở với các loại sản phẩm: trà bắc, trà dứa, tôm sấy, cà phê, ghẹ sấy, bánh phồng tôm, mật ong rừng, mắm cá lóc, dưa bồn bồn...
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ 21 doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Lập hồ sơ đăng ký mã số, mã vạch cho 44 doanh nghiệp với các sản phẩm tôm xuất khẩu, cá khô các loại, cà phê bột, mật ong, tôm khô, chuối sấy, mực nang xuất khẩu, gạo hữu cơ, giống lúa, chế phẩm sinh học EMOZEO...
Theo định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng năm 2045, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục lồng ghép nhiệm vụ và tập trung những nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo, tập huấn HTX nâng cao năng lực quản trị và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp; hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong công tác quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ các dự án triển khai nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá nông sản thực phẩm thông qua nâng cao chất lượng và chuỗi sản phẩm; bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, sáng kiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ; việc xác lập quyền sở hữu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch...
Các tiến bộ khoa học và công nghệ được triển khai trên lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp thời gian qua góp phần đáng kể nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và đa dạng hoá sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Ðặc biệt, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX, THT trên địa bàn tỉnh./.
Nguyễn Phú