(CMO) Nghề báo đến với tôi như một cơ duyên. Hồi còn trên giảng đường đại học, tôi đã may mắn được hoà mình trong không gian báo chí dù học ở Khoa Văn học. Đó là những người thầy của tôi với nghề văn, nghề báo song hành. Những anh chị khoá trên đã ra trường, nhiều người chọn nghề báo để dấn thân. Cũng quãng thời gian ấy, tôi được học môn vỡ lòng về báo chí với PGS. TS Dương Xuân Sơn trong chương trình đại cương. Và cuộc gặp gỡ với người sau này hướng dẫn bậc cao học báo chí cho tôi, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái.
Thú thật, những bài viết liên quan đến báo chí đầu tiên của tôi đến từ sự tò mò, kèm theo đó là hy vọng nho nhỏ về khoản nhuận bút kiếm được để trang trải cho đời sống sinh viên. Ngày đó, gần Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, có một sạp sách báo lớn. Tôi hay lân la đến tìm mua các đầu báo để đọc, riết rồi quen với chị chủ sạp. Về sau, chủ yếu đến đọc ké chớ không cần mua nữa. Trên các tờ báo, đều có chuyên mục để mời cộng tác viên tham gia viết bài, tôi đọc nhừ các đầu báo để quen với cái “gu” của từng nơi, rồi thử sức viết. Viết tay, dán tem, gởi hòm thư và chờ đợi.
Tôi nhớ bài viết đầu tiên được đăng trên tờ Hoa Học Trò, cột báo cỡ lòng bàn tay. Hôm đó, tan giờ học, tôi lại đến sạp báo quen, lật giở thấy bài của mình đăng, tôi nhìn chị chủ sạp cười ngất sung sướng. Sau đó, tôi viết nhiều hơn, chủ yếu cộng tác cho tờ tin của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lần đầu tiên đến trụ sở của Đại học Quốc gia Hà Nội ở đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, nhận hơn 700.000 đồng tiền nhuận bút mà hồi hộp, tự hào.
Những buổi tối, trường tổ chức các lớp văn bằng 2 báo chí, tôi cũng thích thú lẻn vào học “chui” để nghe các thầy cô giảng về báo chí. Nhờ đó mà biết PGS.TS Vũ Quang Hào, với ấn tượng khó phai. Mỗi bận lên lớp, thầy Hào đem dây, kẹp, căng lên giảng đường các ấn phẩm báo chí, cứ thế mà giảng say sưa. Thầy Hào có thói quen không uống nước lọc, chỉ uống nước nấu râu ngô (bắp). Phong cách của thầy bình dân, nói chuyện hào sảng, còn cuốc bộ thì nhanh không thể tả.
Về sau, thấy tôi mê viết báo, anh Mai Đình Khôi, khi ấy là cộng tác viên của tờ Vietnamnet, rủ tôi viết điểm sách. Tôi lại thử sức. Viết điểm sách có nhiều cái lợi, đó là được đọc sách, nhất là những đầu sách mới đang bán chạy trên thị trường, cũng bổ trợ nhiều cho ngành Văn học tôi đang theo đuổi. Thêm nữa, mỗi bài đăng nhuận bút cũng kha khá, tôi nhớ không lầm là 180.000 đồng/bài, một số tiền không hề nhỏ với sinh viên thời đó.
Tôi có người bạn học cùng khoá tên Quách Văn Dương, dân tộc Mường, quê Thanh Hoá. Thằng bạn này coi viết báo là nghề “câu cơm” ngay hồi còn sinh viên. Một khoảng thời gian dài, tôi với Dương ở trọ cùng nhau. Nhà nghèo, Dương cộng tác viết báo để trang trải hầu hết chi phí học tập, sinh hoạt. Thỉnh thoảng về quê, Dương chở xuống bao gạo, ít cá khô, mà hiếm khi xin tiền của ba mẹ. Có lần, Dương nói với tôi: “Viết báo để sau này có mối cộng tác, ra trường dễ xin việc làm. Còn nữa, nhuận bút để tao với mày có gạo ăn lúc cuối tháng”.
Có lần theo Dương đi lấy tin, viết bài. Trước khi đi, 2 thằng lộn ngược túi chỉ còn vài chục ngàn. Đành đi cầm cà vẹt xe để lấy chi phí đổ xăng. Dọc đường, chiếc xe máy cà tàng nổ bánh, năn nỉ mãi chủ tiệm sửa xe mới lấy giá rẻ. Đến nơi thì chính quyền địa phương không tiếp, vì 2 anh cộng tác viên mặt non choẹt, không tờ giấy lộn lưng nào chứng minh thân phận báo chí, đành lủi thủi trở về. Coi như chuyến này lỗ nặng, còn đứt vốn luôn cái cà vẹt cầm cố ở tiệm cầm đồ. Nhưng cũng từ những kỷ niệm ấy, tôi đã nhận ra rằng, nghề báo không hề dễ dàng, không phải là con đường trải hoa hồng, đầy mơ mộng.
Tốt nghiệp xong, tôi may mắn được nhận về làm phóng viên ở báo Cà Mau. Nơi đây tôi học được nhiều, rất nhiều từ nghề báo. Nghề báo cần tính kỷ luật, đó là bài học đầu tiên tôi nhận được. Hôm đó, tôi nhận thư mời dự hoạt động của Tỉnh đoàn, sau khi dự, tôi không viết tin mà bỏ tài liệu ở phòng bảo vệ cơ quan. Nghĩ không có gì gấp gáp, tôi đi Bạc Liêu có việc riêng. Khi lãnh đạo hỏi tin tức đâu, tôi ngớ người báo cáo sự tình. Lần kiểm thảo đó, tôi tự trách mình quá hời hợt với công việc được giao, không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng kể từ thời điểm đó, tôi tự hứa với lòng, với nghề, đã nhận việc thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể.
Nghề báo là nghề sáng tạo, cần phải có cá tính, dám thể hiện cá tính và đi đến cùng của vấn đề. Đó là điều tôi rất tâm đắc khi dần quen với vai trò của một phóng viên. Những bài viết đầu tiên của tôi trên báo Cà Mau nhàn nhạt, thiếu đột phá. Khi đó, chú Ngô Hải (Nhà báo Ngô Hải, nguyên Phó tổng biên tập báo Cà Mau) đã dặn rằng: “Cứ viết, cứ viết hết sức xem sao”. Tác phẩm đầu tiên tôi đạt Giải Báo chí “Chân dung người tốt, việc tốt” là bài “Một đời gieo chữ”, viết về Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Tuyết Hải. Giải Khuyến khích thôi, nhưng tôi vỡ oà mừng vui. Bài viết đó, trước khi đăng báo, chú Ngô Hải đã đọc và nói ngắn gọn là “đọc được”.
Khi được sự hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái về báo chí, nghe cô nói về nghề mà tôi thấm thía: “Nghề báo là nghề có thể học, nhưng rất khó để dạy”. Việc tự học của một người cầm bút, học từ đời sống, từ kiến thức sách vở, từ đồng nghiệp là hết sức quan trọng, nếu không nói là có thể quyết định đến thành tựu, sức đi của một người làm báo trên chặng đường nghề không điểm kết. Chỉ khi một người cầm bút dám dấn thân, dám sống hết lòng với nghề, với cuộc đời thì mới có những tác phẩm báo chí chất lượng, đáng đọc và có sức tác động tích cực trở lại với xã hội. Cô Thái cũng cho rằng: “Nếu tác phẩm báo chí có cũng được, không có cũng không sao, viết vô thưởng, vô phạt hoặc là múa bút, ảo thuật câu chữ, thậm chí bẻ cong ngòi bút thì chẳng có giá trị gì hết, có khi mang lại tác hại lớn”.
Mới đây thôi, anh Mai Đình Khôi có chuyến vào công tác cùng ê-kíp VTC14 để làm phim tài liệu về biến đổi khí hậu tại Cà Mau. Đây là chuyến thứ 3 anh vào, và mỗi lần hội ngộ cùng anh tôi lại học thêm được những điều quý của nghề báo. Anh tâm tình rằng: “Từ ý tưởng đến thực hiện một tác phẩm báo chí, ê-kíp phải bàn rất kỹ, thậm chí cãi nhau, để tìm ra phương án tốt nhất”. Vượt vài ngàn cây số vào làm nhiệm vụ, ê-kíp nâng niu, trân trọng từng khuôn hình, từng nhân vật. Tôi có chút hổ thẹn, tự hỏi, sao mình cũng làm báo, ở ngay tại địa phương, mà không có được sự cẩn trọng và trân trọng nghề nghiệp như các anh. Nghĩ rằng, bản thân còn phải cố gắng nhiều, thật nhiều nữa...
Anh Mai Đình Khôi (người cầm micro), người anh đã dìu dắt tôi khi chập chững làm quen với nghề báo. (Ảnh chụp cùng ê-kíp VTC14 vào làm phim tài liệu tại khu vực cửa Vàm Xoáy, huyện Ngọc Hiển, tháng 5/2022). |
Hơn 2 năm dịch Covid-19, tôi cảm nhận thêm trách nhiệm và tình yêu nghề, trân trọng tấm lòng của đồng nghiệp báo chí vì công việc chung. Có lúc, anh em bị cách ly, nhiễm bệnh, sự đùm bọc, quan tâm và hỗ trợ nhau trong công việc đã góp phần vào việc dòng chảy tin tức của địa phương không gián đoạn, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách của báo chí. Trong khó khăn, thử thách, cái tình, cái tâm, tấm lòng của anh em đồng nghiệp, của cơ quan báo chí càng thêm đượm nồng, bền chặt. Thật may mắn, khi tôi được là một phần nhỏ của nghề báo, nghề mà có học cả đời, có cố gắng cả đời, cũng không bao giờ là đủ...
Phạm Quốc Rin