Người bình thường học đàn đã khó, đối với người khiếm thị thì càng khó hơn. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và niềm đam mê, ông Thái Minh Hùng, ngụ ấp Ðồng Tâm, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước đã làm được điều mình mong muốn.
Người bình thường học đàn đã khó, đối với người khiếm thị thì càng khó hơn. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và niềm đam mê, ông Thái Minh Hùng, ngụ ấp Ðồng Tâm, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước đã làm được điều mình mong muốn.
Lúc mới sinh ra, ông Hùng cũng có cơ thể bình thường như bao đứa trẻ khác. Ðến năm 3 tuổi, ông bị mắc bệnh, gia đình chạy chữa khắp nơi, đến khi chữa được bệnh thì mắt ông đã bị mù. Kể từ đó, ông bắt đầu cuộc sống không có ánh sáng.
![]() |
Nghệ sĩ mù Thái Minh Hùng. |
Lúc ban đầu cuộc sống rất khó khăn, mọi sinh hoạt đều nhờ vào những người thân. Dần dần ông đã tự mình học hỏi tất cả mọi việc để không trở thành gánh nặng cho người thân. Rồi một hôm, có người bà con gần nhà mời thầy đờn về dạy, ông bị cuốn hút bởi tiếng đàn và bày tỏ mong muốn được học đàn. Thương con, mẹ ông cũng mua cho cây đàn, từ đó ông bắt đầu kiên trì học tập.
Ðiều trùng hợp ngẫu nhiên là người thầy dạy đàn cũng bị mù giống như ông, nên họ có được sự cảm thông, chia sẻ. Với sự thông minh, nhanh nhẹn và lòng say mê tìm tòi, học hỏi nên chỉ trong thời gian ngắn ông đã đàn thành thạo.
Tính ra đến nay, ông đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề đàn vọng cổ. Ban đầu, ông chỉ đàn cho vui tại những buổi đám tiệc gần nhà, sau thấy ông đàn khéo nên mỗi khi cần người đàn cổ thì người ta lại nhớ đến ông. “Thường thì bà con cô bác thương tình cho bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu. Nhiều thì vài trăm ngàn, ít thì vài chục. Nhưng vui nhất là bản thân mình có thể làm được một việc gì đó, để thấy mình không phải là người vô dụng”, ông Thái Minh Hùng chia sẻ.
Giờ đây tuổi cũng đã cao, nên việc đi lại của ông cũng khó khăn hơn trước. Tuy vậy, tiếng đàn của ông vẫn mượt mà và ngọt ngào như ngày nào. Mọi người vẫn rất say mê và yêu mến tiếng đàn của người nghệ sĩ mù này./.
Bài và ảnh: Kim Thanh