(CMO) Họ không đơn thuần là thầy, cô giáo mà còn là người thấu hiểu và khơi dậy tiềm năng ở trẻ, dạy trẻ sống tự lập, tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đặc biệt, những thầy, cô giáo ấy như “hình tam giác” tạo sự kết nối trẻ với gia đình và thế giới xung quanh, giúp các con hiểu được giá trị của cuộc sống, tình yêu thương.
Hiểu để đồng hành
Anh Nguyễn Việt Linh, giáo viên Trung tâm Superbrain Cà Mau (TP Cà Mau), chia sẻ: “Mình cũng từng là đứa trẻ, hãy sống như mình những năm về trước để hiểu các con. Thực ra, tâm lý con trẻ rất đơn giản. Mình hiểu mình, mình sẽ hiểu được các con và sẽ kết nối với các con tốt hơn. Hãy dành ít nhất 10-15 phút mỗi ngày để chơi với con. Điều này quan trọng và ý nghĩa hơn là việc cho con xem tivi hay điện thoại”.
Anh nhớ về những ngày đầu làm việc tại trung tâm, mặc dù đã được đào tạo nhiều kỹ năng, nhưng khi tiếp cận với các bé, anh khá lúng túng. Bằng sự hồn nhiên, yêu quý trẻ con, đơn giản, chân thật nhất, anh đã có thể làm bạn với các con một cách nhanh chóng... “Trẻ con sống rất thật, do vậy, chúng ta hãy sống thật với trẻ. Điều quan trọng nhất là các con cảm thấy an toàn, vui vẻ và thân thiện”, anh Linh tâm tình.
Anh kể về một kỷ niệm vui, đó là lần một bạn nhỏ không chịu vào học ở trung tâm. Hôm đó, bà nội đưa hai anh em đến. Trời mưa lạnh, nhưng cậu bé một mực không vào. Anh Linh bắt chuyện, hỏi gì cậu bé cũng không thích, cũng lắc đầu. Đặt những câu hỏi ngược, bạn cũng nói là không. Thế là anh gọi một bạn nhỏ khác ở tuổi mầm non đến, đọc bài toán và ngay lập tức cho ra kết quả, trong khi cậu bé vẫn cứ loay hoay. Lúc này, Tuấn (đã chịu cho biết tên) tò mò hỏi anh vì sao em nhỏ có thể tính nhanh như vậy, anh Linh cười: “Con muốn biết thì đến đây, thầy bật mí cho”. Và Tuấn vui vẻ gật đầu. Đến nay đã 2 năm, Tuấn là một trong những học trò thông minh, nhanh nhẹn và kết nối tốt tại trung tâm.
“Nhắc đến học, trẻ con sẽ đóng mọi giác quan, vì sợ. Ở độ tuổi “vàng” từ 4-12 tuổi, đặc biệt là cấp tiểu học, con trẻ luôn áp lực với học tập và những điểm số. Chơi lại thích thú. Do đó, để hiểu con trẻ, chúng ta hãy dành nhiều thời gian chơi với con. Chơi cũng là học. Ngay cả việc nhờ con giúp đỡ mình việc nhà như: rửa chén, quét nhà hay cùng con trồng hoa, cây xanh, đi bộ... cũng là cách dạy con học hiệu quả”, anh Nguyễn Việt Linh cho biết thêm.
Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, “đầu quân” cho Trung tâm Superbrain Cà Mau từ những ngày đầu, hiện là giáo viên của Superbrain Năm Căn, huyện Năm Căn, chị Huỳnh Chúc Ly cho biết: “Trẻ con thời nào cũng cần sự thấu hiểu, quan tâm và chia sẻ từ người lớn. Đừng quên rằng, con trẻ cũng có quyền lựa chọn. Hãy giúp con có được sự lựa chọn đúng nhất. Tôn trọng lựa chọn của con. Đừng ép con làm theo suy nghĩ của người lớn. Đó mới là cách làm bạn với con tốt nhất”.
Theo anh Nguyễn Việt Linh, ba mẹ nên dành nhiều thời gian làm bạn cùng con. |
Chị Ly cho hay, trong rất nhiều câu chuyện kể về gia đình mà học trò tâm sự khi đến học ở trung tâm, có những nỗi buồn đơn giản đến mức phụ huynh xem đó là chuyện vặt, chẳng đáng quan tâm. Song, với các con là chuyện rất lớn, lớn đến nỗi các con chẳng muốn làm gì, chẳng còn năng lượng cho mọi hoạt động. Ví như câu chuyện về cô bé lớp 6 hay buồn vì thiếu bữa cơm gia đình. Khi làm bạn với em, em chia sẻ rằng ba em luôn bận việc, say xỉn vì tiếp khách nên bữa cơm lúc nào cũng chỉ có 3 mẹ con. Hay chuyện về cậu bạn không bao giờ chịu ngủ trưa hay ngủ sớm vào buổi tối mà chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại, cũng bởi “ba đang bấm điện thoại, tại sao cấm con?”. Thế là, chỉ vì chiếc điện thoại, không khí gia đình trở nên căng thẳng. Ba cậu bé bỏ ra ngoài, đóng sầm cửa, còn em thì uất ức đi ngủ.
“Thực ra, người lớn chính là tấm gương phản chiếu của con trẻ. Các con chỉ là người quan sát, bắt chước và làm theo. Do đó, thay vì ép các con đến mức phải cấm, thì hãy dành nhiều thời gian lắng nghe mong muốn của con. Cùng con xem một chương trình, tương tác với con, và thay vì đổ lỗi, chúng ta hãy là người chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Hãy dạy con sự lựa chọn đúng và chịu trách nhiệm với nó”, chị Chúc Ly đưa ra lời khuyên.
Người truyền cảm hứng
Theo anh Nguyễn Việt Linh, giáo viên chính là sợi dây gắn kết yêu thương và là người truyền cảm hứng cho các con trong mọi hoạt động. Truyền cảm hứng là sự lồng ghép giữa thói quen và kỹ năng của giáo viên. Chẳng hạn, trong một đội nhóm thì người leader phải là người làm gương, giáo viên chính là leader để con quan sát và học tập. Hình ảnh giáo viên rất quan trọng, từ chỉn chu ngoại hình đến ngôn từ sử dụng cho trẻ cũng rất quan trọng. Phải rèn luyện hàng ngày từ việc biết nói lời biết ơn, tập thể dục mỗi ngày, chủ động lên kế hoạch làm việc mỗi ngày...
Trẻ con có rất nhiều vấn đề khác nhau, không bé nào giống bé nào. Mỗi giáo viên phải biết cách truyền được lửa cho những đứa bé đó. Và thực sự không phải thầy cô giáo làm được 100%. Có những trường hợp cần thời gian, nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu để đồng hành. Do đó, giáo viên luôn có những luật chơi, những quy tắc phải tuân thủ. Khen thưởng kịp thời, động viên và khích lệ cũng là cách giúp các con và chính giáo viên làm tốt hơn nữa. Bởi, thay vì tập trung vào những cái yếu thì rất khó để tiến bộ, mà hãy tập trung vào những điểm mạnh, khi bé phát triển được thì quay lại những điểm yếu, sẽ chấp nhận và dễ thay đổi hơn.
Hoạt động ngoại khoá là cơ hội kết nối ba mẹ và con trẻ. |
“Lời khuyên tốt nhất là phụ huynh phải cân bằng tốt công việc và thời gian cho con trẻ. Bởi mục đích kiếm tiền cũng chính là lo cho con và gia đình tốt hơn. Trung tâm hay trường học chỉ là môi trường để tiếp cho các con động lực, cho con công cụ để rèn luyện, còn 80% giúp con trưởng thành và phát triển tốt vẫn là ở gia đình. Hãy thử dành cho con ít nhất 15 phút mỗi ngày, làm bạn với con, phụ huynh sẽ cảm nhận được hạnh phúc của con”, anh Linh chia sẻ.
Có trường hợp ở trung tâm nhận được lời đề nghị hỗ trợ một bạn đã 21 tuổi. Tuổi và nhận thức không hề tương đồng. Điều này báo động rằng, phụ huynh đang dần quên mất những người bạn nhỏ của mình. Đến khi giật mình đã không thể nào làm bạn với con mới phó thác cho các trung tâm dạy kỹ năng. Bản thân những giáo viên như anh Linh, chị Ly cũng không thể đảm trách việc này. Bởi, họ chỉ có thể ở vai trò kết nối, tìm hiểu khả năng để giúp bạn trẻ ấy hiểu bản thân mình và làm được điều mình muốn.
Anh Nguyễn Việt Linh bày tỏ, nhiều người dùng hai chữ “nghề giáo” vô hình tạo áp lực đối với những người đang đứng trên bục giảng. Thực sự những người dạy con nhiều nhất chính là ba mẹ. “Chúng tôi luôn xem mình là huấn luyện viên, người đồng hành với sự phát triển của con và là người bạn. Còn người đồng hành với các con trên suốt chặng đường dài vẫn là ba mẹ và gia đình các con. Thế nên, để sợi dây gắn kết chặt hơn, chúng tôi luôn cần sự quan tâm của phụ huynh, rộng hơn là của cả xã hội”, anh Linh bộc bạch.
Chị Phan Thị Trang Phượng, là phụ huynh và cũng là người kết nối để Superbrain Cà Mau mở chi nhánh tại huyện Năm Căn, chia sẻ, môi trường giáo dục kỹ năng và nâng cao trí tuệ toàn diện là điều tất cả phụ huynh đều cần cho con trẻ. Với chị, sau hơn 2 năm con gái được học ở Superbrain Cà Mau (từ vượt hơn 50 km đến Superbrain Cà Mau và nay gần hơn là ở Superbrain Năm Căn), được các thầy cô dạy dỗ, con gái học được rất nhiều điều. Chị Phượng cảm thấy con mình tự tin hơn, tư duy hơn, biết quan tâm đến những người bên cạnh mình nhiều hơn. Đặc biệt là bản thân con học được rất nhiều kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh./.
Băng Thanh