(CMO) Nhân lực luôn là nguồn quan trọng nhất trong mọi ngành nghề, đặc biệt là đối với ngành y tế với đội ngũ y bác sĩ đảm nhận sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, đảm bảo an toàn nguồn lực con người cho sự phát triển đất nước. Và điều đó càng thấy rõ hơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khốc liệt vừa qua, khi hệ thống y tế cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã căng mình trên tuyến đầu chống dịch. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đã dốc toàn lực, hy sinh những lợi ích cá nhân, gác việc riêng, không màng hiểm nguy lao vào trận chiến với “giặc Covid-19”, góp phần ngăn chặn đại dịch, bảo vệ tính mạng Nhân dân, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường mới.
Song, có một thực tế đáng buồn tại tỉnh Cà Mau là nguồn nhân lực quý giá ấy đang có sự dịch chuyển từ y tế công lập sang y tế tư nhân hoặc chuyển đến các tỉnh, thành phố trung tâm ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động y tế công, cũng như chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Một trong những nguyên nhân chính là bất cập ở chế độ, chính sách. Làm sao để “giữ chân” và “thu hút” đội ngũ này là bài toán đã được đặt ra nhiều năm nay, và giờ đây, qua thực tế 2 năm chống dịch Covid-19 thì vấn đề này càng cần được đặc biệt quan tâm.
Bài 1: Tâm tư người rời đi
Xác định sứ mệnh của ngành y, các y bác sĩ làm việc trong hệ thống y tế công lập luôn hết mình trong công tác, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Cũng như trong bao môi trường làm việc tập thể khác, xung quanh họ có bạn bè, đồng nghiệp, rồi những kỷ niệm khó quên trong nghề, những ca trực với niềm hạnh phúc khi bệnh nhân khoẻ mạnh xuất viện ra về… và họ đã gắn bó với đơn vị từ những điều như thế. Thế nhưng, theo thời gian, áp lực kinh tế cuộc sống với nhiều mối lo toan cho gia đình buộc họ phải suy tính, chọn lựa và trĩu nặng tâm tư khi quyết định rời xa nơi mình gắn bó, cống hiến…
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, lực lượng y tế đã không màng hiểm nguy, vất vả, góp phần quan trọng khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ người dân. |
Nặng lòng… rời xa
Thay đổi nơi làm việc từng gắn bó 13 năm chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng với bác sĩ Hoa(*). Đảm nhiệm qua nhiều vị trí, phần việc trước khi trở thành một phó trưởng trạm y tế thuộc địa bàn TP Cà Mau; từ thuở mới vào nghề y với dăm ba cọc đồng lương, bác sĩ Hoa đã bền bỉ học tập, làm việc, cống hiến. Nhất là khi đại dịch Covid-19 ập đến, chị như bao anh em lực lượng y tế tuyến đầu đã chung lực chống dịch. Những ngày lấy mẫu cộng đồng, thăm khám bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, tiêm chủng cộng đồng, hay tham gia truy vết các F đến nửa đêm mới về với con chưa tròn tuổi… những ký ức đó đối với chị thật khó có thể quên.
Khi dịch vừa tạm lắng, cũng là lúc chị ra quyết định tìm một nơi làm việc khác ở y tế ngoài công lập. Bác sĩ Hoa chia sẻ: “Tôi đã nghỉ việc từ tháng 2/2022. Do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, mẹ già. Tham gia phòng, chống dịch khi con chỉ vừa tròn 6 tháng tuổi, đến nay cháu đã hơn 2 tuổi, phải gửi cho bà giữ hộ. Cũng có ý định chuyển công tác sang y tế tư nhân mấy năm nay rồi, nhưng cứ nấn ná, vì cuộc chiến chống dịch nên ở lại góp sức mình cùng với anh em. Giờ dịch tạm ổn, kinh tế gia đình một mình gánh vác nên khó khăn hơn, đồng lương nhân viên trạm y tế không đủ trang trải nên khi có phòng khám tư đề nghị mức lương ổn thỏa hơn thì mình đi”.
Điều đáng nói, dù chính thức là bác sĩ từ năm 2017 sau khi học thêm 4 năm tại Đại học Y dược Cần Thơ, nhưng đến nay bác sĩ Hoa vẫn hưởng mức lương của một y sĩ.
Cũng quyết định rời xa nơi gắn bó, cống hiến lâu năm tại một bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh gần 1 năm nay, bác sĩ Duy(*) cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhắc lại. Song, cũng vì áp lực kinh tế “cơm áo gạo tiền”, đồng lương eo hẹp nên anh cũng đành ra một phòng khám tư trên địa bàn tỉnh để làm việc. “Tính ra từ khi bước vào nghề đến nay đã 15 năm, tôi từng có thời gian công tác ở đơn vị huyện, rồi gia đình cùng chuyển lên TP Cà Mau sinh sống. Cuộc sống mà, gồng gánh nhiều chi phí từ việc phải lo cho 2 đứa con, một đứa 10 tuổi, một đứa vừa lên 7 tuổi, vợ lại bị bệnh phải nghỉ việc ở nhà, mà đồng lương của tôi đến thời điểm này khoảng 6 triệu đồng/tháng tính luôn tiền trực đêm thì khó mà đảm đương hết được”, anh bộc bạch.
Xuôi dòng suy tư, bác sĩ Duy thở dài: “Thôi thì đã là ngành y, dù có đi đâu cũng là phục vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân thôi. Đi ra làm ở y tế tư nhân vừa có điều kiện lo cho gia đình nhiều hơn cũng là để có thêm cơ hội mở mang kiến thức, nâng cao tay nghề. Vì theo cơ chế cơ quan công lập, muốn đi học nâng cao cũng phải đợi “tới lượt”, dù chi phí tự túc, chỉ được hỗ trợ tiền lương. Mà ngành học này chi phí đâu nhỏ, nên khó có điều kiện để học tập nâng cao tay nghề”.
Bên cạnh vấn đề lương bổng thì vấn đề áp lực công việc cực kỳ lớn cũng khiến một bộ phận y bác sĩ “từ bỏ” nơi mình nhiều năm làm việc, gắn bó. Đã gần 40 tuổi, với 16 năm kinh nghiệm làm việc tại một bệnh viện TP Cà Mau, bác sĩ Lan(*) thẳng thắn: “Đồng ý là công việc nào cũng có áp lực, nhưng ngành y thì vất vả nhiều, song khá bất cập. Chỉ tiêu thì đòi hỏi phải thực hiện đạt, trong khi nhân lực thiếu hụt, mình phải làm thêm việc. Là một bác sĩ đương nhiên phải phục vụ hết mình cho bệnh nhân, nhưng mức thù lao đáp lại để lo cho gia đình không đảm bảo. Nhiều lúc rất mệt mỏi!”.
Đây là 3 trong số nhiều những trường hợp xin nghỉ việc từ hệ y tế công lập sang tư nhân để làm việc trong thời gian qua. Dòng dịch chuyển nhân lực này đã xuất hiện vài năm trở lại đây. Một lẽ đương nhiên là khi mức sống và nhu cầu phát triển ngày càng nâng cao mà các chính sách, chế độ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với công sức lao động bỏ ra, cùng với khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 thì dòng dịch chuyển này sẽ có xu hướng cao hơn nữa.
Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tận tâm, tận lực điều trị cho những bệnh nhi mắc Covid-19. |
Những con số "biết nói"
Giám đốc Sở Y tế tỉnh, ông Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận: “Những chính sách dành cho cán bộ y tế cũng như đồng lương, thu nhập không đảm bảo cuộc sống, trong khi áp lực công việc quá nặng nề. Đó cũng là nguyên nhân căn cơ khiến một bộ phận nguồn nhân lực chuyển công tác từ y tế công sang tư nhân, hoặc từ địa phương chuyển đến các tỉnh, thành phố trung tâm. Điều này chúng ta cũng có thể hiểu và hết sức thông cảm. Mà đây cũng là tình hình chung cả nước. Song, sự dịch chuyển này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa”.
Theo thống kê của Sở Y tế, trong 10 năm trở lại đây, số lượng cán bộ, nhân viên y tế ngành y nghỉ việc chiếm đáng kể, với tổng số 757 người, nhất là từ năm 2018 trở lại đây. Cụ thể năm 2018 có 80 người; năm 2019 có 125 người; năm 2020 có 94 người; năm 2021 có 93 người và những tháng đầu năm 2022 ghi nhận có 41 người đã nghỉ việc.
Điều đáng lo ngại là đội ngũ y bác sĩ có sự dịch chuyển ngày càng nhiều. Nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 77 người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân trở lên đã xin nghỉ việc, chuyển công tác; tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, trong số 250 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc thì có 45 người là thạc sĩ, bác sĩ.
Dòng dịch chuyển này tác động không nhỏ đến cơ quan, đơn vị khi áp lực càng đè nặng lên đôi vai người ở lại, phải san sẻ, kiêm nhiệm công việc với nhau. Bác sĩ Võ Thành Lợi, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi bộc bạch: “Trước đó lực lượng bác sĩ nghỉ nhiều, nhưng gần đây điều dưỡng nghỉ nhiều. Và hệ quả là sẽ không đủ người chăm sóc người bệnh. Một đêm trực 4 người, chỉ cần mất 1 người thì phải gồng gánh với nhau, công việc tăng lên mà tiền lương không tăng. Giảm đi người chăm sóc bệnh nhân, nhất là khu bệnh nặng. Nếu chưa tuyển được thì gần như gánh thêm, khi nào có tuyển được người mới phân bổ về. Đã qua anh em lam việc tại bệnh viện cũng gồng gánh nhau”.
Đành rằng, lực lượng y tế dịch chuyển từ y tế công sang tư cũng làm nhiệm vụ phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nhưng xét về góc độ nào đó, chất lượng y tế công lập sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, niềm tin với bệnh nhân sẽ giảm sút. Và điều quan trọng hơn hết, về lâu về dài, việc không đảm bảo cuộc sống cho cán bộ nhân viên y tế sẽ khó lòng thu hút đội ngũ y tế giỏi, hết lòng, chuyên tâm với người bệnh, với cơ quan y tế.
Được biết, theo quy định, 1 bác sĩ “lành nghề” tiền lương dao động chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng, thậm chí có những bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2 cũng khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể đến bác sĩ trẻ đào tạo chính quy mới ra trường chỉ hưởng 85% lương trong 18 tháng đầu, tương đương gần 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở y tế tư nhân, mức lương thu nhập đối với bác sĩ nội khoa dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng. Bác sĩ nhi cũng gần 10 triệu đồng/tháng, mặc dù thời gian làm việc nhiều hơn.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Bài và ảnh: Hồng Nhung
BÀI 2: CHẾ ĐỘ CHƯA TƯƠNG XỨNG TRÁCH NHIỆM