(CMO) Trải qua 2 năm ngành y tế tập trung nguồn lực chống dịch Covid-19, nguồn thu từ các đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể là các cơ sở khám chữa bệnh công lập giảm sút đáng kể do lượng bệnh giảm, kéo theo đó chế độ phúc lợi đối với nhân viên y tế hầu như không còn. “Dịch bệnh khiến nguồn thu thấp kéo theo đời sống cán bộ, nhân viên ngành y đã vốn vất vả sau dịch giờ càng khó khăn hơn”, Giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Văn Dũng thừa nhận.
Nguồn thu bệnh viện giảm
Là 1 trong 2 bệnh viện của tỉnh tự chủ hoàn toàn từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nằm trong tình cảnh khó khăn như vừa nêu. Dịch bệnh kéo theo lượng bệnh thông thường giảm trên 50%; từ 1.000 giường bệnh chỉ còn 300-500 giường điều trị nội trú, còn lại dành cho điều trị Covid-19.
Bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: “Trước đây, chưa có dịch, bệnh viện có nguồn thu, mỗi tháng cán bộ, nhân viên y tế được hỗ trợ thêm từ 0,2-0,3 mức lương cơ bản. Song, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, thu nhập tăng thêm của 6 tháng cuối năm 2021 cũng như quý I/2022 đến nay vẫn chưa cân đối được. Trong khi đó, ngoài lương chính tính theo hệ số lương cơ bản mà nhà nước quy định, thì nhân viên y tế của bệnh viện hiện nay không còn được hưởng thêm gì cả ngoài tiền trực đêm”.
Hiện tại, ngoài trả tiền lương thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh không còn chế độ phụ cấp hàng tháng, hỗ trợ nào cho y bác sĩ, do ảnh hưởng dịch bệnh lên nguồn thu của bệnh viện. |
Cũng nằm trong khó khăn tương tự, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã 15 tháng nay không có thu nhập tăng thêm cho nhân viên, cán bộ y tế do dịch bệnh, đơn vị chỉ cố gắng cấp phát đủ tiền lương theo quy định. Bác sĩ Võ Thành Lợi, Giám đốc bệnh viện, trần tình: “Sau đợt dịch, nguồn thu của bệnh viện giảm mạnh, lượng bệnh ít nên nguồn phúc lợi tăng thêm hơn 1 năm nay của bệnh viện không còn. Bệnh viện cũng rất sẻ chia với khó khăn của cán bộ, nhân viên y tế đơn vị”.
Bác sĩ vốn đã chật vật, điều dưỡng càng khó khăn hơn. “Có thể nói, đợt dịch vừa qua, lực lượng điều dưỡng rất vất vả. Bác sĩ phụ trách thăm khám, nhưng điều dưỡng phải luôn túc trực, theo dõi suốt trong khu cách ly. Gần như suốt mùa dịch, anh em trực trong bệnh viện. Trong khi lực lượng này chỉ được hưởng lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, gần như trên 90% điều dưỡng chỉ có mức sống trung bình. Đó là chưa kể anh em ở xa phải thuê nhà trọ”, bác sĩ Võ Thành Lợi cho hay.
Ngoài ra, cũng lực lượng này, ngoài làm việc giờ hành chánh, còn phải tham gia trực đêm ở bệnh viện. Chỉ cần 1 ca bệnh nặng, họ phải thức suốt đêm. Các phòng trực đều có phòng nghỉ nhưng hiếm khi các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế được ngả lưng. Thế mà, mỗi đêm trực, mỗi người cán bộ y tế cần mẫn ấy chỉ nhận về được 90 ngàn đồng và mỗi tháng tối đa phải trực như thế 10 ngày.
“Trực đêm mất sức lắm, nhưng ngành nghề mình đặc thù như vậy, chỉ cần cứu sống được bệnh nhân, thấy bệnh nhân hồi phục là mình cũng vui theo”, bác sĩ D., Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, bộc bạch.
Lực lượng y tế tuyến đầu đã không ngại gian khổ, hiểm nguy, xông pha trên mặt trận chống dịch Covid-19. |
Y tế cơ sở khó khăn bội phần
Chế độ của y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến tỉnh còn chưa tương xứng là vậy, nhìn về tuyến y tế cơ sở, nơi đảm nhận nhiệm vụ không kém phần quan trọng là chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân, giảm áp lực cho y tế tuyến trên, là nền tảng của ngành y tế, thì mức thu nhập của cán bộ, nhân viên nơi đây càng hạn hẹp hơn. Họ cũng vừa căng mình trải qua áp lực chất chồng trong những tháng ngày chống dịch Covid-19 và hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thành tích kiểm soát đại dịch trên địa bàn tỉnh.
Là một bác sĩ gắn bó với nghề 10 năm nay ở một trạm y tế xã thuộc huyện Ngọc Hiển, bác sĩ T. chia sẻ: “Hồi mới vào nghề, tôi chỉ là một y sĩ, đồng lương ít ỏi, điều kiện đi lại rất khó khăn. Ngọc Hiển khi ấy có lúc phải đi đò, qua phà. Đến năm 2015 thì được đi học, suốt 4 năm học lên bác sĩ chỉ hỗ trợ tiền lương hàng tháng, tính ra chi phí học tập đi lại trăm triệu đồng. Mặc dù là bác sĩ đã 3 năm nay, nhưng hiện tại tôi vẫn hưởng mức lương của một y sĩ, cùng với phụ cấp 40%, mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng”.
Trạm y tế xã nhân lực vốn đã ít người, khi dịch bệnh bùng phát, anh em ở trạm rất vất vả. Tất tần tật công việc không tên liên quan dịch bệnh, từ khai báo y tế, truy vết, đến tiêm vắc-xin, tư vấn điều trị F0,... hầu như cán bộ, nhân viên y tế ở đây phải túc trực ngày đêm. “Nhớ lúc trước, có những ngày tiêm vắc-xin lưu động xuống từng hộ dân, phải đi một đoạn xe, qua phà, rồi đi xuồng,… Có những khi trực đêm không về, phải “đèo” cả chồng con theo trực, vất vả lắm”, bác sĩ T. trải lòng.
Lực lượng y tế cơ sở ở vùng nông thôn vất vả chống dịch, nhưng mức hỗ trợ chưa kịp thời và chưa cao. |
Là nữ hộ sinh tại một trạm y tế xã cũng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, có 12 năm gắn bó với địa bàn khó khăn, chị N. đã lắm lúc có suy nghĩ sẽ tìm một nơi khác công tác vì công việc quá khó khăn, áp lực nhưng đồng lương eo hẹp không đủ để trang trải cuộc sống. Chị N. trải lòng: “Lúc dịch bùng phát phải đi ra cửa biển làm công việc khai báo y tế, test nhanh ban đêm ban hôm cực lắm. Có đêm 3 giờ chưa được ngủ, mệt quá ăn cơm không nổi. Có khi, mỗi ngày chạy ra cửa biển mấy bận, đến công trình điện gió làm khai báo y tế, test nhanh, lấy mẫu cho người ngoài tỉnh vào, đi về hơn 30 km. Mấy tháng trời không được gặp con”.
Điều kiện vùng nông thôn đã khó khăn, hiện tại nữ hộ sinh N. chỉ được hưởng lương với hệ số 2.86 cùng 40% phụ cấp, mỗi tháng cũng hơn 5 triệu đồng. Số tiền này chị cũng chật vật trang trải cuộc sống gia đình.
Vốn dĩ dịch bệnh đã trở thành nỗi “ám ảnh” đối với lực lượng y tế hơn 2 năm qua. Song, chính sách, chế độ đãi ngộ với đội ngũ này rất cần nhanh chóng, kịp thời hơn. Làm sao để cán bộ, nhân viên y tế gắn bó lâu dài, làm sao để họ “xốc” lại tinh thần, yên tâm cống hiến bằng cả trái tim, trách nhiệm của người thầy thuốc với Nhân dân, với địa phương còn là câu hỏi để bộ ngành chức năng, địa phương quan tâm!
“Phải nói rằng, 2 năm qua, vai trò, trách nhiệm của lực lượng y tế vô cùng to lớn. Tất cả đã không ngại gian khổ, hiểm nguy, hy sinh quyền lợi, kinh tế, gia đình,… dồn vào mục tiêu chống dịch, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Mặc dù lực lượng y tế rất mỏng, đặc biệt y tế cơ sở 5-6 người/trạm y tế, phòng khám khu vực chỉ 10 người nhưng đảm đương nhiệm vụ y tế hết sức lớn, nặng nề, áp lực kinh khủng. Nhưng mọi người đã luôn cố gắng làm việc không kể ngày đêm, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân được tốt nhất trong điều kiện hết sức khó khăn”
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau
Bài và ảnh: Hồng Nhung
BÀI 3: ĐỂ THẦY THUỐC YÊN TÂM CỐNG HIẾN