ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 11:53:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhịp cầu quê hương

Báo Cà Mau (CMO) Sống ở vùng quê sông nước, mấy ai còn lạ với những nhịp cầu, đủ loại, từ cầu dừa bắc qua mương liếp; cầu khỉ, cầu ván bắc qua kênh, rạch; cầu lớn bắc qua sông… Những cây cầu theo năm tháng chứng kiến bao bận đổi thay ở những miền quê. Ngoài gắn kết đôi bờ trong hiện tại, nhịp cầu còn “bắc” qua được tới một vùng nhớ thương, với nhiều mảnh ghép kỷ niệm, ký ức vui buồn… trên vùng quê cách mạng, nơi có Di tích lịch sử quốc gia đình Tân Hưng (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau).

Nhờ những cây cầu khang trang, vững chắc nối mạch giao thông đã mở ra cơ hội phát triển cho nhiều địa phương. Cũng từ vô số nhịp cầu mà hình thành nên nét văn hoá đẹp của người dân vùng sông nước, đặc biệt là ở vùng quê: mỗi khi có xuồng ghe qua cầu ở bên dưới, người đi trên cầu thường lịch sự dừng lại, đứng chờ ở mé nhịp giữa, đợi cho bà con bên dưới ghe, xuồng qua khỏi cầu thì người trên cầu mới đi tiếp. Vì thường cũng là làng trên xóm dưới quen biết nhau, bên trên chào xuống, bên dưới cũng í ới vọng lên hỏi thăm mùa màng, ruộng rẫy…

Rồi tỉnh có thêm “Nhịp cầu mơ ước”, từ đề án xây dựng 1.588 cây cầu nông thôn ở Cà Mau, bà con đỡ phải chịu cảnh đò giang cách trở, bớt đi cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo; học sinh đến trường thuận tiện hơn.

Cầu đình Tân Hưng được xây mới rộng rãi, khang trang, bắc qua sông nối liền với Khu di tích lịch sử quốc gia đình Tân Hưng. (Ảnh chụp năm 2021).

Trên dòng kênh Rạch Rập, đoạn chảy qua xã Lý Văn Lâm, người dân bên này sông muốn ra Quốc lộ 1 đều phải qua cầu. Cầu đình Tân Hưng, bắc qua di tích lịch sử, nối nhịp cho giao thương, đón các đoàn về nguồn thăm di tích cách mạng; người dân lân cận về dự lễ Kỳ yên hàng năm tại đình, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà… Trai gái trong xóm làng qua cầu ra thành phố học hành, làm việc, rồi cưới vợ, lấy chồng… Cây cầu lại chứng kiến ngày vui đón đưa dâu.

Hiện nay, đình Tân Hưng - di tích lịch sử cấp quốc gia, được trùng tu, có thêm nhiều công trình phụ rất khang trang; cầu bắc qua sông cũng được xây mới rộng rãi, xe 4 bánh bon bon qua lại. Diện mạo vùng quê cách mạng bừng sáng. Ðứng trên cầu, đón cơn gió thổi lồng lộng, mát lành, lòng người cũng phấn khởi.

Ba tôi 85 tuổi, gắn bó máu thịt với vùng đất này. Nghe di tích được sửa sang, nâng cấp, cầu đình đã thông xe, rất quan tâm theo dõi, muốn tận mắt nhìn thấy quê hương khởi sắc. Nhưng tuổi già, chân yếu vì di chứng bệnh tai biến, nên chỉ hỏi thăm qua con cháu. Ngày cuối tuần, mở Zalo nhóm gia đình, thấy ông anh đăng hình mà tôi mừng rơi nước mắt. Lộ làng lởm chởm, anh để ba lên xe lăn, đẩy ra đầu kênh, cho ba ngắm sông, coi người ta trồng dưa hấu, đẩy tuốt tới đằng đình… Bên những luống dưa hấu xanh mướt; bên di tích mới sửa sang, thấy cầu đình rộng rãi, mới tinh… ánh mắt ba rạng rỡ, vui sướng.

Một cây cầu nữa, với tôi cũng lưu dấu nhiều kỷ niệm vui buồn - cầu đình Thạnh Phú, người dân trong vùng còn gọi là đình Ông Cọp. Khi cây cầu “anh em” ở gần đó (ngay trước trụ sở UBND xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), đang được tháo dỡ để xây mới; cầu đình Thạnh Phú hiện đã cũ, xuống cấp phải gánh thêm lượng người qua lại nhiều hơn. Trụ nhịp giữa sứt sẹo, trơ lõi sắt, cầu vẫn ngày ngày nối nhịp cho xe cộ qua lại. Cây cầu trước đình Ông Cọp này dốc cao, cua quẹo lên cầu rất gắt, luôn là thử thách cho các tay lái chưa thạo địa hình.

Anh chị Hai tôi lập nghiệp ở Năm Căn, gởi con gái lên Cà Mau đi học. Cũng tại dốc cầu Thạnh Phú này, nhỏ cháu chở tôi đi họp phụ huynh, xuống dốc, hai cô cháu té lăn phía bên đình. Tôi nhìn ống quần tét chỉ từ lai lên quá gối mà ngao ngán đường qua cầu quay về nhà, đành đi tiếp, ghé nhà người chị ở Phường 4 nhờ may lại để kịp giờ họp. Bà chị tủm tỉm: “Sáng sớm ghé vá quần!”.

Nhớ lúc tập tành đi viết bài về các cô nữ tù chính trị, mãi theo câu chuyện khơi gợi ký ức thời kháng chiến, lúc từ giã ra về đã tối mịt. Nhà xa, ban đêm lộ quê nhỏ, không đèn đường, vắng tanh, anh xế cận nhà tôi đưa về giúp, vừa qua cầu, quẹo gắt, chỏi hụt chân, té xuống mé sông, nằm trên mấy bó sậy phập phều lót làm bờ kè, xâm xấp nước mặn. Lồm cồm bò dậy, tôi coi liền… “cái máy ghi âm có bị sao không!”. Lúc đó chỉ lo bao nhiêu tư liệu cho bài viết trong đó, rồi cái máy là đồ mượn…

Gần đây, được chiêm ngưỡng bộ ảnh đẹp lung linh của một tay nhiếp ảnh trẻ măng ở Ðồng Tháp, về 5 cây cầu dây văng đẹp nổi tiếng ở ÐBSCL (Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Cao Lãnh, Vàm Cống), một cảm giác thú vị ùa về. Bạn bè trên mạng xã hội thích thú với bộ ảnh và gọi vui tác giả là “thánh cầu”. Các tay máy bạn bè nhiếp ảnh khác cũng góp vui, đăng thêm nhiều ảnh cầu đẹp ở khắp mọi miền đất nước.

Thế mới thấy, mấy nhịp cầu quen thuộc, gắn bó thân thương thế nào trong đời sống và các tác giả cũng phải có tình yêu đủ lớn để bỏ công sức tìm tòi, canh chờ, khai thác mọi góc độ để có bức ảnh đẹp về vô số những cây cầu bắc qua vùng miền nơi mình sinh ra và lớn lên./.

 

Tâm Hảo

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.