ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 1-6-24 09:43:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ở đâu có người khuyết tật, ở đó có trợ giúp viên pháp lý

Báo Cà Mau Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho người khuyết tật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, phát huy vai trò của họ trong xã hội. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tạo việc làm, sinh kế thì trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật cũng được chú trọng.

Vừa qua, Toà án Nhân dân huyện U Minh tiến hành phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Việt Trung, sinh năm 1979, ngụ Khóm 4, thị trấn U Minh, huyện U Minh về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Sau khi bị tai nạn, bị cáo Trung trở thành người khuyết tật và được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau hỗ trợ trong vụ kiện hình sự.

 Ông Ngô Đức Bính hướng dẫn cho bà Sơn Hồng Nhiên (bên phải), người giám hộ của bị cáo Trần Việt Trung, về các quy định của pháp luật xung quanh phiên toà xét xử sơ thẩm.

Theo cáo trạng, sau khi nhậu xong, đến khoảng 16 giờ 30 phút ngày 25/1/2023, bị cáo Trần Việt Trung điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 94F3 - 4094 đi từ Lung Ngang về hướng cầu thu phí xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Đến đoạn đường Xã Thìn thuộc Ấp 2, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, Trung điều khiển xe chạy lấn sang phần đường bên trái, theo hướng di chuyển dẫn đến va chạm vào xe mô tô biển kiểm soát 69H1 - 054.76 do chị Võ Thị Huệ, sinh năm 1980, điều khiển.

Lúc này, xe chị Huệ đang chở chị Võ Thị Chuông, sinh năm 1971 ngồi giữa, chị Đặng Thị Kiều, sinh năm 1980, cùng ngụ tại Ấp 2, xã Khánh Hòa ngồi sau, đi theo hướng ngược lại.

Tai nạn xảy ra khiến 4 người tham gia giao thông bị thương. Trong đó, bị cáo Trung và chị Huệ bị thương nặng. Do chấn thương quá nặng nên chị Huệ không qua khỏi. Riêng Trần Việt Trung, sau khi xuất viện, có biểu hiện tâm thần, không biết ai và không nhớ vụ việc đã xảy ra như thế nào. Ngày 12/5/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện U Minh  ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo Trần Việt Trung.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, đại diện hợp pháp của bị hại Võ Thị Huệ yêu cầu bị cáo Trung bồi thường tổng số tiền là 320 triệu đồng; đối với bị hại Đặng Thị Kiều, yêu cầu bồi thường số tiền gần 53 triệu đồng.

Sau khi nghe bản cáo trạng của viện kiểm sát, chị Sơn Hồng Nhiên, người giám hộ và cũng là vợ của bị cáo Trung không cầm được nước mắt. Cảnh nhà khó khăn, con của chị đứa lớn mới vừa hoàn thành xong chương trình học lớp 9 đã phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ bán đồ ăn sáng, trông em và chăm sóc cho cha mỗi khi chị Nhiên đi làm thêm. Số tiền phải bồi thường 373 triệu đồng là quá lớn với gia đình của chị Nhiên.

Chị Nhiên bộc bạch: “Sau tai nạn, anh Trung điều trị trên Sài Gòn gần 3 tháng mới được như ngày hôm nay. Dù đi lại bình thường nhưng thần trí không ổn định, cũng không tự chăm sóc bản thân được. Có khi không nhận ra người thân, không nói chuyện với ai. Muốn đi đâu là đi nên nhà sợ lắm, sợ ảnh đi rồi gặp tai nạn nữa nên canh chừng suốt”.

Ông Ngô Đức Bính đưa ra những bằng chứng, dẫn chứng thuyết phục tại phiên toà.

Ông Ngô Đức Bính, Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm trợ giúp Nhà nước tỉnh Cà Mau, bào chữa cho bị cáo Trần Việt Trung, chia sẻ: “Đối tượng khuyết tật, khó khăn trong nhận thức thường phải thông qua người giám hộ nên công tác TGPL gặp rất nhiều khó khăn, phải tìm hiểu thông tin vụ việc, những vấn đề có tính quyết định, quá trình thoả thuận để đưa ra cho cơ quan chức năng giải quyết thấu tình đạt lý.

Trước khi vụ việc xảy ra, ông Trung là người bình thường, nhưng sau khi xảy ra vụ án ông Trung hạn chế về năng lực, hành vi nên một số tình tiết trong vụ án khó làm sáng tỏ, chủ yếu thông qua người giám hộ. Thế nhưng, người giám hộ lại nắm không rõ nội dung vụ việc nên việc thoả thuận trong vấn đề bồi thường gặp khó khăn”.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc và đưa ra hướng bào chữa, trợ giúp viên pháp lý gặp không ít khó khăn. Sau tai nạn, chị chị Huệ đã ra đi mãi mãi, để lại đàn con thơ không ai chăm sóc, hoàn cảnh của chị rất đáng thương. Bị cáo Trung dù còn sống nhưng sống nửa người nửa dại, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Và “pháp luật vẫn không qua tình người”, bằng những bằng chứng thuyết phục và chứng minh cụ thể phần nào “chạm” đến trái tim của những người có mặt tại phiên toà xét xử hôm ấy. Dù không bị giam giữ trong tù nhưng có lẽ phần đời còn lại của bị cáo Trung vẫn bị sự quản thúc của gia đình và xã hội, những đứa con của bị cáo Trung cũng bỏ học vì gia cảnh khó khăn và phải “gánh” khoản nợ khổng lồ do bị cáo gây ra. Đây cũng là hình phạt dành cho vi phạm của bị cáo.

So với đề nghị áp dụng mức án từ 3-10 năm tù giam theo Điểm b, Khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự, trợ giúp viên pháp lý Ngô Đức Bính đã bào chữa cho bị cáo Trung được hưởng án treo; số tiền mà gia đình ông Trung phải bồi hoàn cho gia đình bà Huệ và bà Kiều từ 373 triệu đồng giảm xuống còn 250 triệu đồng.

Đây không phải là vụ án hình sự đầu tiên mà trợ giúp viên của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau đảm nhận mà chính sách TGPL cho người khuyết tật khó khăn theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau triển khai nhiều năm qua. Đây là chính sách nhân văn nhằm giúp người khuyết tật tiếp cận với các chính sách về pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân của họ.

Vai trò của trợ giúp pháp lý là hỗ trợ người yếu thế công bằng trước pháp luật. (Ảnh chụp tại phiên toà sơ thẩm)

Vừa là trợ giúp viên pháp lý trong những vụ “phức tạp”, vừa là Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau, ông Ngô Đức Bính đề nghị: “Để công tác TGPL được nâng cao hiệu quả, thời gian tới kỹ năng của người TGPL cần được quan tâm. Đặc biệt là cử những luật sư ký hợp đồng TGPL với Trung tâm TGPL tham gia những vụ án hình sự có những kinh nghiệm về mặt chuyên môn, kinh nghiệm về tâm lý tư vấn, hướng dẫn cho người giám hộ hiểu để đồng thuận và chia sẻ”.

Những vụ việc trợ giúp pháp lý thành công thời gian qua đã tạo được niềm tin cho người khuyết tật, từ đó kịp thời cung cấp thông tin về các quy định cho người thuộc diện được TGPL, để khi cần thiết họ sẽ chủ động yêu cầu TGPL. Đồng thời, tạo được sự lan toả, sự đồng thuận của các cấp, các ngành, giúp cộng đồng người khuyết tật không mặc cảm, cố gắng vượt lên chính mình.


Trợ giúp pháp lý là điểm tựa cho những người yếu thế. Khi có vướng mắc về pháp luật, hãy liên hệ đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau để được hỗ trợ miễn phí.

 

Kim Cương - Hoàng Vũ

 

 

 

Ở đâu có người khuyết tật, ở đó có trợ giúp viên pháp lý

Vừa qua, Toà án Nhân dân huyện U Minh tiến hành phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Việt Trung, sinh năm 1979, ngụ Khóm 4, thị trấn U Minh, huyện U Minh về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Sau khi bị tai nạn, bị cáo Trung trở thành người khuyết tật và được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau hỗ trợ trong vụ kiện hình sự.

Quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý tại toà

Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng chất công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng. Trong đó, chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh về người thực hiện TGPL trực tại toà, là giải pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả.

Hiệu quả từ trợ giúp pháp lý ở cơ sở

Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tham mưu Sở Tư pháp thành lập Tổ đánh giá chất lượng hoàn thành vụ việc TGPL hằng năm, cũng như phân công, bố trí viên chức làm việc phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn... Qua đó đã nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL ở cơ sở, trong đó có huyện U Minh.

Trợ giúp pháp lý hiện thực hoá đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người có công với cách mạng là một chính sách nhân văn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thấm nhuần đạo lý này, những năm qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau đã làm tốt công tác tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… nhằm giúp đỡ đối tượng người có công đòi lại công bằng trước pháp luật.