(CMO) Là địa phương ven biển, diện tích đất chủ yếu là đất lâm nghiệp, với tốc độ phát triển nhanh của xã hội, nhất là áp lực dân cư, chuyển đổi sản xuất, cũng như chịu tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đã làm thay đổi nhanh hiện trạng đất đai. Việc giao chỉ tiêu thực hiện, cùng với chậm cập nhật về biến động đất đai để điều chỉnh cho phù hợp so với thực tế xã hội không những làm mất cơ hội phát triển, mà còn ảnh hưởng đến chiến lược quy hoạch và sử dụng đất…
Không còn rừng nhưng vẫn là đất rừng
“Từ cầu Năm Căn, đi qua xã Viên An Đông, trải dài xuống Viên An (ven sông Năm Căn), đất không còn rừng, trên thực tế cũng đã hình thành nhiều cụm, tuyến dân cư, nhưng việc kiểm kê, đánh giá hàng năm vẫn xác định đây là đất rừng, ảnh hưởng đến quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dân cư của địa phương”, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, chia sẻ.
Ông Lạc cho biết thêm, hiện trên địa bàn có tới 8 khu dân cư nằm trong khu vực quản lý của Vườn Quốc gia, họ ở trước khi thành lập vườn. Trên giấy tờ là đất rừng, nhưng thật tế đã là khu dân cư. Không thể khôi phục rừng tại những vị trí này, nhưng muốn phát triển dân cư, đô thị, nhất là việc xây dựng kiến trúc nhà cửa gặp rất nhiều khó khăn. Lùi không được mà tiến cũng không xong, đây là nguyên nhân trong nhiều lý do dẫn đến hạ tầng đô thị tại xứ rừng Ngọc Hiển chậm phát triển.
Ven sông Năm Căn, đoạn từ cầu Năm Căn qua xã Viên An Đông đến Viên An hiện có nhiều vị trí không còn rừng, hình thành nhiều khu dân cư nhưng trên giấy tờ vẫn là đất rừng. |
Thực tế này đồng nghĩa toàn khu trung tâm dân cư xã Đất Mũi, nơi vừa được công nhận là đô thị loại V, trong đó có rất nhiều công trình công lập được xây dựng trên đất rừng của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ngay như tuyến đường Hồ Chí Minh với đoạn cuối trên 7 km, cũng như diện tích xây dựng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, hiện cũng là đất rừng, dù đã đưa vào vận hành cách đây khá lâu, nhưng chưa được chuyển mục đích sử dụng đất.
Khu dân cư xã Đất Mũi vừa được công nhận là Đô thị loại V, nhưng thực chất vẫn là đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. |
Theo con số mà phóng viên có được, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 300 ha đất lâm nghiệp đã hình thành khu hành chính, khu dân cư từ rất lâu, được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng qua nhiều thời kỳ chưa thực hiện thủ tục trình cấp thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tỉnh đã nhiều lần đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp, nhưng chưa được Trung ương chấp thuận điều chỉnh diện tích này. Một thực tế nữa, theo quy định thì người dân không được xây cất nhà trên phần đất lâm nghiệp nhận giao khoán, nhưng trên địa bàn tỉnh có khoảng 60% hộ dân sinh sống trên đất lâm nghiệp. Từ đây, các hộ dân sống trong lâm phần đều không được xây dựng nhà kiên cố, chỉ cất lán trại, gây khó khăn trong cuộc sống của họ, nhất là về tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới.
Trong diễn biến liên quan, ông Trần Hoàng Lạc liên hệ đến việc trước đây thành lập khu tái định cư cho người dân vùng ven biển với 59 hộ trên phần diện tích 159 ha ở xã Tân Ân vốn là rừng sản xuất, người dân được cấp sổ đỏ.
“Nay diện tích rừng ven biển bị sạt lở nhiều, nơi đây bỗng dưng trở thành đất rừng phòng hộ. Để họ ở lại thì không đúng với hiện trạng về rừng, nhất là đảm bảo đời sống, an toàn, mà dời đi thì địa phương không có quỹ đất để có thể đáp ứng với lượng dân cư đông như vậy. Thật khó trăm bề!”, ông Lạc trăn trở.
Khu tái định cư cho người dân vùng ven biển với 59 hộ trên phần diện tích 159 ha ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển vốn là rừng sản xuất. Nay, diện tích rừng ven biển bị sạt lở nhiều, nơi đây “bỗng dưng” trở thành đất rừng phòng hộ. Việc sử dụng đất rừng để nuôi tôm bỗng nhiên sai quy định, dù người dân đã được chính quyền cấp “sổ đỏ”. |
Lần theo con đường nhỏ đi về phía bờ biển, gặp ông Danh Ri, người dân tộc Khmer, 1 trong 59 hộ về khu tái định cư thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. “Bên Kinh 5, Đường Đào (xã Viên An) sạt lở quá, họ dời chúng tôi về đây. Sau bao năm gầy dựng, giờ nơi đây lại tiếp tục nằm sát biển, vô cùng âu lo vì không biết sẽ phải dời đi đâu”, giọng ông Danh Ri chùng xuống.
Hướng nhìn dòng Xẻo Mắm chảy ra cửa Vàm Lũng, ông Danh Ri cho biết, khi về đây hơn 10 năm trước, biển còn xa lắm nơi bờ rừng ngoài kia nhiều cây số, mà giờ nằm nhà đã nghe tiếng sóng.
Cùng tâm trạng, các ông Nguyễn Văn Thanh (Sáu Thanh), Nguyễn Văn Đa (Năm Đa), mong muốn Nhà nước sớm có chủ trương để chủ động thực hiện di dời, còn không thì cũng phải kịp thời có giải pháp chống sạt lở bờ biển để ổn định cuộc sống, không phải lúc nào cũng sống trong phập phồng, nhiều âu lo.
Đất rừng ở ngoài… biển
Thực tế gây khó cho địa phương hiện nay là một số chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho địa phương cao hơn đề xuất, nhất là khi tỉnh phân bổ về cho tuyến huyện. Điển hình là diện tích đất chuyên trồng lúa nước, theo hiện trạng là 38.782 ha, phân bổ là 41.383 ha, chênh lệch 2.601 ha. Trong đó, riêng huyện Trần Văn Thời được phân bổ chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa cao hơn hiện trạng 1.526,53 ha. Tại huyện Ngọc Hiển, hiện có 8.199 ha đất rừng đặc dụng, trong khi đó chỉ tiêu cao hơn thực tế rất nhiều lần.
Theo thống kê chỉ từ năm 2015 đến nay, Cà Mau đã mất đi 2.100 ha rừng phòng hộ ven biển và con số này vẫn đang tiếp tục tăng cao khi mà các dự án khẩn cấp chưa được triển khai kịp thời, đồng bộ. |
Cụ thể, theo Quyết định 74/QĐ-UBND, ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh Cà Mau về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, địa phương này có diện tích đất rừng phòng hộ cao hơn hiện trạng trên 1.000 ha, đất rừng sản xuất cao hơn hiện trạng trên 1.800 ha. Đặc biệt, đất rừng đặc dụng được điều chỉnh quy hoạch cao hơn so với hiện trạng trên 11.396 ha.
“Tôi có hỏi về con số chênh lệch này, cơ quan chuyên môn (Sở Tài nguyên và Môi trường - PV) nói ghi vậy chỉ là trên giấy tờ, trên phân bổ xuống, chứ thực tế diện tích này nằm ngoài biển”, ông Trần Hoàng Lạc cho rằng đây là chuyện có thật.
Theo báo cáo mới đây của Sở NN&PTNT (Báo cáo số 1479, ngày 8/11/2021), diện tích đất có rừng đến năm 2020 trên địa bàn là 105.000 ha. Tuy nhiên, căn cứ theo Quyết định số 2357, ngày 1/11/2021 của UBND tỉnh về công nhận số liệu rừng và đất lâm nghiệp năm 2020 là 94.091,11 ha, đồng nghĩa chỉ đạt 89,6% so với kế hoạch. Lý do không đạt được, sở chuyên ngành này cho biết, là do diện tích sạt lở ven biển giai đoạn 2011-2020 gần 5.000 ha; cùng với đó là diện tích khai thác rừng năm 2020 chưa khôi phục rừng vào năm 2021 trên 4.000 ha; còn lại 1.867 ha là diện tích đất sản xuất kết hợp vượt quy hoạch trong hộ dân được giao khoán rừng và đất lâm nghiệp chưa khôi phục lại rừng. Cũng theo Sở NN&PTNT, dự kiến quy hoạch đất lâm nghiệp 2021-2030 có tăng hơn khi ở con số 127.809 ha, tuy nhiên diện tích có rừng đến năm 2030 được ngành dự kiến đưa ra cũng chỉ đạt ở con số 97.091 ha (đã tính đưa vào kế hoạch trồng rừng giai đoạn này là 3.000 ha./.
Trần Nguyên
BÀI 3: HỤT HƠI CHẠY THEO QUY HOẠCH