(CMO) Công tác phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện còn chậm, do phải chờ cấp trên phân bổ chỉ tiêu và thực hiện quy trình trình phê duyệt theo quy định, nhiều địa phương đến tháng 5, tháng 6 năm sau mới được tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của địa phương.
Chậm quy hoạch, phê duyệt
Nguyên nhân chủ quan được các địa phương chỉ rõ là do trình độ, năng lực đội ngũ công chức địa phương về công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, phần lớn thuê đơn vị tư vấn thực hiện, khả năng nghiên cứu, đóng góp quy hoạch chưa được đầy đủ, chặt chẽ. Năng lực chuyên môn của một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Các quy hoạch chuyên ngành (như giao thông, xây dựng, nông nghiệp…) chưa được nghiên cứu xây dựng và thực hiện đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án.
“Tại sao TP Cà Mau lập quy hoạch luôn chậm hơn các huyện? Bởi vì trên địa bàn có rất nhiều dự án, cần có thời gian. Chúng tôi chậm nhưng có lý do chính đáng”, ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, giải thích.
Điển hình cho vấn đề này, ngày 21/4/2022, kế hoạch sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn TP Cà Mau mới được UBND tỉnh phê duyệt, điều này đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính chủ động trong thực hiện các dự án, công trình, nhất là trong thu hút đầu tư của địa phương. “Quy hoạch sử dụng đất chúng ta làm chậm, không kịp thời như mong muốn của Luật Đất đai”, Chủ tịch TP Cà Mau thừa nhận, trong đó có việc phê duyệt quy hoạch của cấp thẩm quyền.
Về quản lý đất công, ông Lê Tuấn Hải cho rằng, thành phố nhận thấy còn nhiều hạn chế. “Đất nông nghiệp giao cho xã quản lý, xã cũng không được cấp giấy chứng nhận, chỉ là bản vẽ trên hồ sơ địa chính. Việc cho thuê thì phải đấu giá, mà vấn đề này là tình hình chung, không riêng gì thành phố".
Giai đoạn 2016-2020, cả tỉnh chỉ tổ chức đấu giá thuê đất đối với 19 lô đất, khu đất, với tổng diện tích 1,64 ha, số tiền thu được chỉ 17,24 tỷ đồng. Một thực tế khác được nêu ra là do lịch sử để lại, như khu “láng cát” của xã Hoà Tân, hay rạp Huê Tinh đang bị lấn chiếm mà chưa có giải pháp tháo gỡ.
Liên quan đến việc khó thực hiện theo chỉ tiêu trên giao cho các địa phương vì không đúng với hiện trạng như đã nêu, ông Phan Vân Minh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho rằng, tỉnh đã có kiến nghị, nhưng xét thấy khó thay đổi vì những con số (chỉ tiêu - PV) đã được Quốc hội thông qua bằng nghị quyết vào cuối năm 2021.
“Kiến nghị chỉ là động thái thôi. Như TP Cà Mau, chúng ta đề nghị chuyển diện tích sang đất trồng cây lâu năm nhằm từng bước đưa vào quy hoạch đầu tư, phát triển đô thị, nhưng trên vẫn khư khư là đất lúa, dù thực tế nhiều khu vực không còn trồng được cây lúa nhiều năm qua”, ông Minh chia sẻ thực tế.
Căn cứ vào tích hợp để quy hoạch
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN&MT, khẳng định, việc lập quy hoạch sử dụng đất hàng năm chậm, kể cả quy hoạch của 2 giai đoạn (2016-2020 và 2021-2030). “Kỳ quy hoạch mới (2021-2030), các huyện phải gửi hồ sơ về sở chậm nhất là ngày 30/9 để thẩm định, kể cả kế hoạch sử dụng đất. Theo thông tư của Bộ TN&MT, chậm nhất phải được phê duyệt trước ngày 31/12 của năm trước, nhưng hầu hết đều lệch khá xa so với quy định”, ông Lên chỉ rõ.
Tới đây, khi phương án khoanh vùng đất đai đã tích hợp vào quy hoạch tỉnh thì kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phải nằm chung trong đó, nghĩa là cụ thể hoá từ quy hoạch mang tính giai đoạn trong tổng chỉ tiêu của giai đoạn, không còn việc phải bổ sung liên tục như trước đây. Thế nên, trong quy hoạch phải có tầm nhìn, có kế hoạch sử dụng đất.
“Cà Mau mong muốn chuyển hết diện tích đất lúa sang đất phi nông nghiệp, chỉ giữ lại 31.000 ha, nhưng Chính phủ phân bổ 95.000 ha, trong khi hiện trạng tỉnh báo ra là 91.000 ha và con số này đã được Bộ TN&MT phê duyệt kết quả kiểm kê đất đai năm 2020 của tỉnh, kể cả lúa - tôm. Chuyên lúa hiện trạng là 38.000 ha, trên phân bổ trên 43.000 ha tính đến năm 2025 và sau đó đến năm 2030 giảm còn hơn 42.000 ha”, ông Trịnh Văn Lên trần tình.
Việc quản lý và sử dụng đất rừng cần nghiêm túc thực hiện, tránh tình trạng chuyển đổi trái phép. |
Về lâm nghiệp, ngành TN&MT kiểm kê theo hiện trạng. Khu vực dân cư xã Đất Mũi khoảng 80 ha, xét thấy không thể tính vào đất rừng vì không còn rừng. “Chúng tôi giải thích rằng đây là đất nằm trong quy hoạch đất rừng, nhưng ngành nông nghiệp thì tính đó là đất rừng, kể cả đất trồng lúa trong khu vực rừng vẫn tính là đất lâm nghiệp. Khổ nỗi, khi thành lập Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Quyết định 142 của Thủ tướng, năm 2005), khoanh một vùng 42.000 ha (trên bờ là 16.000 ha và dưới biển gần 26.000 ha thuộc khu bảo tồn biển). Như vậy, toàn khu vực Rạch Tàu (trung tâm xã Đất Mũi) bỗng dưng trở thành khu bảo tồn nghiêm ngặt. Giờ, nếu đưa ra thì phải sửa quyết định của Thủ tướng, mà để làm được việc này phải giải trình trước Quốc hội, rất khó”, ông Trịnh Văn Lên giải thích.
Ngày càng nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang nuôi thuỷ sản, cùng với tác động của biến đổi gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng; phát triển hạ tầng, dân cư… thì thực tế diện tích rừng sẽ bị giảm là điều khó tránh khỏi. (Ảnh chụp ở huyện Ngọc Hiển, năm 2021). |
Một thực trạng được ông Lên cho biết là hiện trên địa bàn còn khoảng trên 100.000 ha đất lúa, nhưng hầu hết đã chuyển sang đất nuôi thuỷ sản (xã Lợi An, Phong Lạc, Phong Điền của huyện Trần Văn Thời và một số xã của huyện Cái Nước). Giấy là đất trồng lúa, nhưng hiện trạng nuôi thuỷ sản, thế nên khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất thì chính quyền địa phương phải hướng dẫn để hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích, không phải tốn tiền, thẩm quyền thuộc về cấp huyện. Nhưng cái khó hiện tại là hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân đều nằm trong ngân hàng, muốn chỉnh lý cũng không phải dễ, dù gần đây đã thực hiện thí điểm ở xã Lý Văn Lâm, Phường 8 và Phường 4 của TP Cà Mau.
“Chính phủ cho tỉnh chuyển từ 4.000-5.000 ha đất lúa sang đất khác, nhưng cuối kỳ quy hoạch không chuyển được là bao. Đây là trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, thành phố trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm”, ông Trịnh Văn Lên nhấn mạnh.
Ông Lên thừa nhận việc khó đáp ứng giữa cơ quan quản lý Nhà nước với mong muốn của nhà đầu tư trong quy hoạch sử dụng đất. “Ở các tỉnh phát triển, người ta quy hoạch thành một khu để mời gọi, tất cả phải tập trung vào. Về lâu dài, tỉnh ta cũng phải đi theo xu hướng thống nhất này. Theo đó, cần có định hướng mời gọi đầu tư, lập kế hoạch sử dụng đất hợp lý”.
Câu chuyện liên quan trên lĩnh vực đất đai có thể kể hoài không hết, vì luôn có phát sinh mới, còn “việc cũ để lại” thì mãi vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, bởi liên quan đến nhiều vấn đề, kể cả chồng chéo giữa các luật trên cùng mảnh đất. Để giải quyết những vướng mắc một cách căn cơ, bên cạnh tăng cường công tác quản lý, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân trong sử dụng đất đai đúng mục đích. Vấn đề này rất cần có sự vào cuộc từ nhiều phía, các cấp để cộng đồng trách nhiệm, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, từ quy hoạch đến sử dụng đất đai, tạo động lực và điều kiện để tỉnh nhà có thêm nhiều cơ hội phát triển mang tính ổn định, bền vững./.
Trần Nguyên