ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 12:33:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhựa dây đan mối thâm tình

Báo Cà Mau (CMO) Nhiều năm nay, nghề đan những sản phẩm từ dây nhựa đã phổ biến, không chỉ đơn thuần là một trong những nghề thủ công của các địa phương mà còn là nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ dân. Chị Nguyễn Thị Phượng (xã Trần Thới, huyện Cái Nước), chủ cơ sở Mỹ Phượng, là một điển hình. Chị vừa là giáo viên cộng tác với trung tâm dạy nghề mở nhiều lớp đào tạo nghề, vừa là người truyền cảm hứng trong việc dám nghĩ dám làm, tự thân lập nghiệp từ nghề đan dây nhựa.

Từng làm công nhân nhiều năm ở Bình Dương, vợ chồng chị Phượng hiểu được những khó khăn của người lao động xa quê. Vì vậy, năm 2011, khi bắt đầu lập nghiệp đan các sản phẩm từ dây nhựa, cơ sở đầu tiên của chị tại xã Khánh Hoà, huyện U Minh, nơi đây là vùng đất khó, nhiều người phải đi “tha phương cầu thực” mưu sinh.

Cơ sở đan dây nhựa Mỹ Phượng đã đào tạo nghề và tạo ra cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều phụ nữ nông thôn.

Với bản tính cần cù, chịu khó, chị tiếp tục mày mò sáng tạo ra những sản phẩm mới rất đẹp mắt và phong phú về chủng loại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên được thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua để tiêu thụ. Từ đó, cơ sở của chị Phượng thu hút nhiều người tại địa phương đến đây làm gia công, tạo ra việc làm cho lao động nông thôn. Sau đó, chị Phượng có 7 năm là “cô giáo” gắn bó, tận tuỵ cộng tác với Trung tâm Dạy nghề huyện Cái Nước mở hơn 28 lớp đan giỏ dây nhựa cho hơn 1.000 người theo học, chủ yếu là chị em phụ nữ. Đồng thời, chị Phượng cũng mở thêm cơ sở cung cấp dây nhựa và các sản phẩm từ dây nhựa tại xã Trần Thới. Tại đây, nếu ai có nhu cầu học nghề, chị sẵn sàng dạy miễn phí. Sau đó, mỗi người sẽ mua dây nhựa về nhà tự đan, hoặc đan gia công rồi giao lại cho cơ sở của chị Phượng. Nhờ đó, nhiều phụ nữ có được việc làm, ổn định thu nhập, trang trải cuộc sống. Từ buổi ban đầu chỉ có vài chục người theo học và bắt đầu công việc đan dây nhựa, hiện nay cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, chủ yếu là chị em hội viên phụ nữ các cấp trong và ngoài huyện.

Chị Phượng bộc bạch: “Ban đầu chỉ 1, 2 người đi học nghề, những người này sẽ dạy lại nghề cho các thành viên khác, rồi bà con rủ nhau tham gia người đi trước dạy người đi sau. Hiện tại, cơ sở của mình nhập nguyên vật liệu và đầu ra sản phẩm đã ổn định. Vì vậy, chị em có nhu cầu muốn kiếm thêm thu nhập thì mình sẵn lòng hướng dẫn. Nếu chị em sau khi thành thạo các công đoạn thì có thể mua dây về nhà để làm ra sản phẩm. Tuỳ theo yêu cầu của người đặt mua hoặc sự sáng tạo của mỗi người mà làm ra những kiểu dáng, mẫu mã khác nhau. Mỗi người có thể đan từ 7-10 sản phẩm/ngày, kiếm được từ 50.000-100.000 đồng”.

Trước đây, nguồn sống của gia đình chị Đinh Thị Kẹo (ấp Kinh Tư, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước) chủ yếu dựa vào nuôi tôm quảng canh truyền thống, chồng chị tranh thủ làm công việc phụ hồ kiếm thêm thu nhập. Đầu năm 2020, qua lớp dạy nghề đan giỏ dây nhựa tại huyện Cái Nước do chị Phượng đứng lớp, chị Kẹo đã thành thạo đan các sản phẩm và mạnh dạn mua nguyên liệu về đan tại nhà, tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập trang trải trong gia đình.

Chị Kẹo vui vẻ cho biết: “Từ khi biết nghề đan giỏ dây nhựa, mình đan theo yêu cầu đặt hàng hoặc tự đan theo mẫu có sẵn rồi bán trên mạng. Ngoài thời gian nội trợ, chăm sóc con cái, trung bình mỗi tháng cũng kiếm được hơn 1,5 triệu đồng từ công việc này”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Công Trung, xã Lương Thế Trân Lê Thị Duyên năm nay đã gần 60 tuổi. Được hội phụ nữ xã giới thiệu học lớp dạy nghề đan dây nhựa vào tháng 8/2020, ban đầu tưởng học cho vui, nhưng khi những sản phẩm đầu tiên được hoàn thành, đến nay, bà Duyên đã làm và bán ra hơn 200 sản phẩm. Từ đó, bà Duyên đã mở cơ sở và “rủ” các hội viên cùng làm. Chủ yếu là các loại giỏ xách đi chợ và chiếu hoa.

“Để đan giỏ phải trải qua 7 công đoạn như: cắt dây, gầy đáy, đan, sọt miệng, làm quai, cắt tỉa, chỉnh cân đối. Công việc vừa nhẹ nhàng, vừa có thể làm trong lúc rảnh rỗi, xem ti-vi. Nếu mua 10 kg dây về với giá 50.000 đồng/kg, thì sẽ đan được từ 10-15 cái giỏ tuỳ loại lớn nhỏ, và lời được từ 500.000-1.000.000 đồng”, bà Duyên chia sẻ.

Hơn 11 năm trong nghề, chị Phượng đã vượt qua nhiều khó khăn để tìm tòi, tích luỹ kinh nghiệm, duy trì nghề này và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm đan từ dây nhựa rất tỉ mỉ, đẹp mắt như các loại giỏ xách, lẵng hoa, lồng bàn… có giá từ 40.000-120.000 đồng (tuỳ loại lớn, nhỏ). Còn các sản phẩm khác như chiếu hoa, bàn, ghế có giá hơn 1 triệu đồng. Trung bình, mỗi năm cơ sở làm ra gần 10.000 sản phẩm các loại. Những sản phẩm này được nhiều người lựa chọn để sử dụng, trang trí trong nhà.
Gần Tết, hiện nhu cầu tiêu thụ nguồn hàng này cao hơn những tháng trước đây. Các sản phẩm làm ra có chất lượng cao, cơ sở sản xuất đã tạo được nhiều uy tín trên thị trường, không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được người tiêu dùng các tỉnh ưa chuộng. Vì vậy đã được các cơ sở thu mua xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Malaysia... 

Chị Phượng chia sẻ: “Các đối tác tại Mỹ và Singapore trực tiếp đến cơ sở tìm hiểu và ký kết hợp đồng, nhưng do dịch Covid-19 nên đã tạm hoãn lại. Chỉ mong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hàng hoá được xuất sang các nước thuận lợi, thì sản phẩm của cơ sở sẽ luôn duy trì và phát triển ổn định, giúp chị em yên tâm có công ăn việc làm và thu nhập ổn định”.

Sản phẩm giỏ xách dây nhựa của cơ sở Mỹ Phượng được bình chọn là 1 trong 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Cà Mau năm 2014 và nhiều năm đạt được bình chọn là sản phẩm sáng tạo của phụ nữ trên khắp cả nước. Đây không chỉ là cơ hội mở rộng quảng bá sản phẩm mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân ở địa phương, góp phần giải quyết bài toán dạy nghề, quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.

Thảo Mơ

Xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành

(CMO) Ngày 17/8, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành.

Khởi sắc những tuyến dân cư kiểu mẫu

Những ngày này, xuôi xe về các xóm, ấp trong huyện Cái Nước, lòng bỗng thấy phấn khởi vì làng quê có nhiều thay đổi. Những tuyến dân cư kiểu mẫu hiện ra như khoác lên làng quê chiếc áo mới. Ðó là thành quả từ sự chung tay góp sức của Nhân dân xây dựng quê hương.

Khởi sắc Nguyễn Huân

Địa bàn rộng lại nằm xa trung tâm huyện, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế của người dân trong xã có bước tiến rõ nét, nhiều mô hình kinh tế kết hợp mang lại hiệu quả cao đang mở hướng phát triển mới cho xã trong thời gian tới.

Năm Căn trên đường phát triển

Năm Căn là một huyện được thụ hưởng nhiều công trình của Trung ương, của tỉnh đầu tư về cơ sở hạ tầng để tạo đà phát triển mạnh về kinh tế. Các công trình có tính chiến lược như: sân bay, cảng biển, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh. Ðặc biệt, Năm Căn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Năm Căn với diện tích 11.000 ha, tỉnh Cà Mau phê duyệt Cụm công nghiệp Năm Căn trên 2.000 ha và Năm Căn còn được xác định là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau.

Rộn ràng Xóm Mới

Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bởi cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Xác định được khó khăn này, người dân ấp Xóm Mới, xã Đất Mới, huyện Năm Căn đã tự nguyện góp tiền để xây dựng hơn 1.000 m lộ để đấu nối đến thị trấn Năm Căn và một số xã lân cận. Không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước là việc làm đáng được biểu dương, nhân rộng.

Tạo đà xây dựng nông thôn mới

“Xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Tân Thành đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trương Huỳnh Lãm nhận định.

Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới

Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần bảo vệ an ninh - quốc phòng ngày càng vững chắc. Thời gian qua, bên cạnh tập trung củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, Ðảng uỷ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cái Nước còn triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”.

Điều tra vốn đầu tư làm cơ sở định hướng phát triển

Ông Nguyễn Văn Bé, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Cà Mau, cho biết, điều tra vốn đầu tư phát triển năm 2015 nhằm thu thập thông tin về tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển năm 2014, năng lực vốn tăng của dự án, công trình hoàn thành trong năm 2014 và năng lực sản xuất chủ yếu hiện có của các thành phần kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh.

Niềm vui trên cánh đồng lúa - tôm càng xanh

Tận dụng điều kiện thực tế của địa phương, nhiều năm qua huyện Thới Bình đã phát triển nhiều mô hình kinh tế đa cây, đa con mang lại thu nhập cao. Trong đó, mô hình lúa - tôm càng xanh ngày càng khẳng định được vị thế trên đồng đất Thới Bình.

Hiệu quả từ trồng dây thuốc cá

Năm Căn là vùng đất phèn, mặn, việc trồng cây gì, nuôi con nào cũng cần có thời gian thử nghiệm. Ở xã Đất Mới, bà con đã thêm cây thuốc cá vào “danh sách vàng” những cây hiệu quả.