ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 14:10:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những chuyến thư “đại hoả tốc”

Báo Cà Mau (CMO) Làm sao có thể nhớ hết những gì đã diễn ra trong những ngày chiến tranh khói lửa, khi mình là người trực tiếp làm giao liên, công việc vô cùng nguy hiểm và gian khổ.

Năm 1964, tôi thoát ly gia đình, vào đơn vị F704, trực thuộc ngành Giao - Bưu - Vận tỉnh Cà Mau (tức Hai Hoả). Cơ quan đóng tại ấp Mũi Tràm, xã Chín Hòn (nay là Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).

Ba ngày sau khi vào cơ quan, tôi được phân công đi công tác cùng với ông Sáu Chung. Khoảng 3 giờ khuya, hai anh em cùng xuống một chiếc xuồng be tám. Xuồng chở đầy tài liệu, tôi ngồi bơi trước mũi, anh Sáu chèo phía sau. Đi khoảng 10 km, tôi nghe anh Sáu nói:

- Em lại chèo, cho anh nghỉ tay một lát.

Tôi nghe tắt nghẹn trong lòng. Hồi nào tới giờ bơi, chống còn chưa rành, có biết cầm chèo lần nào đâu. Nhưng làm sao có thể nói không biết chèo cho được lúc này? Vì vậy, dù tay chân run như bị rét, tôi vẫn bước ra sạp lái.

Thấy người ta chèo mình cứ tưởng không có gì khó khăn. Ai ngờ, vừa mới cầm chèo đẩy tới, không giữ thăng bằng, xuồng bị lật nghiêng, nước vô ào ạt, tài liệu nổi lều bều.

- Trời ơi! Em không biết chèo sao?

Anh phóng xuống kênh, kè chiếc xuồng vào bờ, hốt tài liệu quăng lên đám cỏ rồi chụp bẹ chuối tát nước xành xạch.

Khi xuồng hết nước, anh chất tài liệu xuống rồi tiếp tục chèo. Tôi ngồi chết lặng chẳng nói một lời. Quãng đường dài hơn 30 cây số chỉ còn mình anh chèo, vậy mà lâu lâu anh lại nói:

- Em nghỉ bơi đi, để anh chèo từ từ cũng tới chỗ thôi.

Hơn ba mươi năm trôi qua, câu nói của anh vẫn còn đọng lại trong tôi. Anh không chút giận tôi, đứa con gái ốm yếu, nhút nhát, khờ khạo…

Cách văn phòng Thường trực Đảng uỷ hơn một trăm mét, anh gởi tôi ở nhà đồng bào, rồi chống xuồng vào một con kênh nhỏ.

Ngồi chờ một mình, tôi bắt đầu lo âu, hồi hộp. Nếu anh ấy đi luôn làm sao mình biết đường trở lại? Rừng bui mênh mông, sông rạch chằng chịt, đêm tối âm u làm sao nhớ nổi đường về?

Hơn 2 giờ ngồi trong căn nhà nhỏ, tôi như kẻ mất trí. Vừa trông thấy anh, tôi khóc oà như đứa trẻ. Anh nói:

- Vì có tài tiệu quan trọng, mấy chú kêu chờ một chút. Về dọc đường khi mặt trời đứng bóng, anh mới ghé xuồng dưới tàng cây ven sông, dỡ sạp lấy cơm ra ăn. Bụng đói cồn cào, chỉ có cơm nguội với muối hột, mà sao ngon như đang ăn tiệc.

Bộ phận điện đài của Tỉnh uỷ Cà Mau phục vụ cho cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân (1968). Ảnh tư liệu

Từ đó tôi bắt đầu ý thức được công việc của mình, biết tự tìm việc làm lặt vặt trong lúc rảnh rỗi, biết chịu đựng gian khổ, khó khăn trong mọi hoàn cảnh công tác.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch phản kích dữ dội, chúng quyết cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Lúc này, tôi được điều qua trạm Cái Tàu. Tên đơn vị là 75917, đóng tại Rạch Ổ Ó, Trạm trưởng là chị Bảy Thanh, Uỷ viên Ban Giao - Bưu - Vận tỉnh. Nơi đây là đầu mối giữa Cà Mau Bắc và Cà Mau Nam, giữa Sông Đốc lên Cái Tàu, nối liền tỉnh với khu.

Công văn, thư từ đều có chữ: “Hoả tốc”, “Đại hoả tốc”, “Thượng khẩn”, “Tối mật”… mà vẫn nằm ứ đọng, không lưu thông được. Cả trạm ngồi đứng không yên. Đồng chí Trạm trưởng quyết định phải mở đường dây bằng mọi giá. Tất cả lực lượng đều bung ra hết, kể cả đồng chí trạm trưởng.

Nhớ có lần, trực cơ quan chỉ còn tôi và chị Trương Thị Tám (tức Chín Tấn, hiện nay chị Tấn đang công tác tại Long Xuyên). Vào khoảng tháng 11/1969, địch cho 6 phi đội B52 rải thảm dọc theo sông Cái Tàu rồi cho trực thăng đổ quân càn quét. Suốt cả ngày đêm, chúng tôi nằm ngoài rừng, không liên lạc được với ai hết.

Trời gần chạng vạng, tôi bàn với chị Chín Tấn cứ bò đại vô nhà, nếu địch có bắt, thì nói hồi sáng má mua trầu, thấy máy bay ném bom nên chạy lạc. Nếu cứ ở đây hoài, nhịn đói riết cũng chết.

Chị Chín Tấn xung phong bò trước. Khi vào sát vách nhà, chị nghe tiếng xì xào, nhưng nghe kỹ, biết không phải địch, chỉ trở lại kêu tôi cùng vô. Thì ra các anh địa phương quân đang trụ lại đây, chuẩn bị chống càn. Các anh cho biết, hiện nay địch đang nằm từ rạch Bà Thầy đến rạch Giồng Ông, bà con đã tản hết vào rừng, bây giờ phải đi ngay, không thể ở lâu được.

Lúc này đã hơn 7 giờ tối, chúng tôi chạy vào rừng. Gặp mấy chiếc xuồng của bà con, chúng tôi giúp họ lúc chống, lúc đẩy vào những căn chòi bà con đã cất không biết tự lúc nào. Địch liên tiếp nã pháo vào các vàm kênh, con rạch. Tiếng nổ đinh tai, nhức óc, hoà lẫn tiếng khóc kể của những gia đình có người thân bị tử nạn vì B52, tạo thành một âm thanh thê thảm, khủng khiếp. Gần 12 giờ đêm chúng tôi mới xin được vài nắm cơm nguội của bà con lót dạ. Suốt 13 ngày đêm, trong mình chỉ một bộ đồ ướt sũng, đầu trần, chân đất, chúng tôi bám theo đồng bào để tìm đơn vị. Đến ngày thứ sáu chúng tôi mới gặp nhau nhưng lạc 2 người, là Tám Tiệp và Hai Thái. Gần nửa tháng sau, được tin địch rút quân, chị Bảy Thanh ra lệnh cho chúng tôi trở về cơ quan, chuẩn bị mở đường vào sáng mai. Về đến nơi, cơ quan bị địch đốt rụi, đồ đạc bị chúng dọn sạch. Chúng tôi lấy vải ni lông che làm nhà, lấy gạo lức nấu cơm, mò cá sặt kho quẹt.

Ngỡ tưởng chiến dịch càn quét vào U Minh của địch đã yên, anh em họp mặt còn chưa đầy đủ thì 11 giờ đêm hôm ấy, địch cho bắn pháo liên tục cặp theo sông Cái Tàu, từ Rạch Tền lên Rạch Tắc, rồi cho bọn biệt kích đánh ngược trở lại. Sáng sớm hôm sau, tôi và thằng Út được phân công đi chuyến công tác đầu tiên. Vừa ra khỏi vàm rạch Ổ Ó thì nghe tiếng súng nổ chặng Rạch Tền. Tôi kêu Út cứ đâm thẳng qua sông, ghé nhà má Tư (má Tư là mẹ vợ đồng chí Tam Nghị, báo Cà Mau thời chống Mỹ). Hai chị em vừa ôm súng và tài liệu nhảy lên bờ thì một chiếc trực thăng bay tới. Má Tư hối chị Sáu Nhanh, con gái của má, cùng hai chị em tôi chạy ra vườn.

Địch đã đến gần, không thể chạy xa hơn được, chúng tôi ém dưới bờ đìa. Thằng Út ém một chỗ, tôi và chị Sáu Nhanh ém một chỗ. Nhưng thật quái ác, con chó của chị Sáu Nhanh cứ chạy theo chị. Nó cứ theo hoài, xô đuổi cách gì cũng không được. Bọn lính đến càng gần, con chó càng đeo sát chúng tôi, kêu la như cầu cứu. Chị Sáu nói:

- Không được em ơi, để con chó ở đây, lính tới thế nào cũng bị lộ. Phải giết nó mới được.

Tôi thấy thương con chó quá, làm sao giết nó cho đành, chắc nó cũng sợ giặc như mình!

Nghe bọn lính tràn qua, la hét inh ỏi. Hai chị em nằm sát mé đìa, tim như đứng chết lại. Rất may, con chó đã chạy đi nơi khác. Gần 12 giờ trưa chúng mới rút quân. Hai, ba ngày sau anh em cơ quan mới trở về đủ mặt. Qua một trận mưa bom bão đạn gian nan, vất vả mà không ai hy sinh, niềm vui như tràn lên khoé mắt mọi người.

Chiều hôm đó, ngồi quây quần bên mâm cơm, dù chỉ cá kho chấm rau luộc, tôi vẫn không quên cái ngày chạy lạc vào rừng. Lúc đó bụng đói như dao cắt, chân nhấc không lên, mắt mờ, trời sắp tối mà không ai còn một hột gạo, hoặc bất cứ thức ăn gì. Tôi đang lê những bước nặng nề thì bỗng thấy trên mô dớn ai đổ một mớ cơm. Nhưng hỡi ơi, cơm đã thiu đến có nhớt hết rồi. Tôi lấy tay bụm mớ cơm đem xuống nước, dạo cho sạch nhớt rồi chia cho mỗi người một ít. Nắm cơm thiu giúp chúng tôi tiếp tục vượt khỏi cánh rừng!

Một lần khác, vào năm 1971, trong lần chuyển thư đại hoả tốc của Tỉnh uỷ về văn phòng Khu uỷ đóng ở kênh Năm Đất Sét, thuộc tỉnh Kiên Giang. Tôi và chị Chín Tấn đi từ Khánh Bình Đông qua kênh Cây Bàng lên sông Cái Tàu để qua sông Trẹm đến Thứ Mười Một. Chúng tôi còn dẫn theo một đoàn khách. Thời điểm này địch tập trung đánh phá các tuyến hành lang của ta hết sức ác liệt. Từ con đê ven rừng Khánh Bình Đông đến sông Cái Tàu chỉ hơn 10 cây số, đoàn chúng tôi phải đi mất 1 ngày. Cứ hơn nửa giờ có một lượt “đầm già” đến quần đảo và phóng pháo. Chúng tôi bẻ nhánh tràm và lá choại nguỵ trang kín hết các xuồng. Mặc dù vậy, có lẽ chúng vẫn phát hiện được đoàn xuồng đang di chuyển. Chỉ 1 ngày, phải chịu 5, 6 trận phóng pháo của địch, ai nấy đều bơ phờ, rã rượi.

Trời sắp chạng vạng chúng tôi mới đến mé sông Cái Tàu. Bà con nghe được hoàn cảnh chúng tôi hôm đó đều hết sức thông cảm. Gia đình má Năm nấu cơm cho chúng tôi ăn. Chỉ có cá khô nấu canh với bầu khô, vậy mà ngon ngọt làm sao!

Đến tối chúng tôi lại lên đường. Pháo địch lại bắn tứ tung. Tiếng máy bay vang dội khắp cả bầu trời. Đèn pha từ các tàu tuần tiễu của địch thỉnh thoảng quét lên không trung và pháo sáng từ các đồn bót liên tiếp bập bùng suốt cả đêm dài.

Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được Lệ, Nguyên và nhiều đồng chí khác đã anh dũng hy sinh. Họ vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất lạnh để chúng ta có được ngày hôm nay. Giờ đây, càng sung sướng và tự hào bao nhiêu, tôi càng nhớ đến những ngày xưa bấy nhiêu. Bởi vì nếu không có những giây phút đầy gian nan, thử thách ấy, chắc chắn không thể có được niềm vui và hạnh phúc như bây giờ./.

Trường Sơn Đông (ghi theo lời kể của bà Lê Thị Phương, cán bộ giao liên Khu Tây Nam Bộ)

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.