(CMO) “Ðại lộ - đại phú, trung lộ - trung phú, tiểu lộ - tiểu phú, vô lộ - vô phú”, không có đường chẳng những là rào cản cho kinh tế phát triển mà còn hạn chế về giao lưu, hiểu biết. Có đường rồi thì mọi thứ đều có điều kiện phát triển. Trước hết là kết nối ánh sáng văn minh, mở rộng giao lưu, tiếp cận các dịch vụ kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế... Và hơn thế nữa, không chỉ việc đi lại thuận tiện mà còn gắn kết xóm làng.
Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng ông Năm Hiếu (Trần Văn Hiếu, ấp Ðất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) cũng quyết định "hạ" cái hàng rào dâm bụt trước nhà. Cái hàng rào trồng hơn 5 năm đã dày cộm, bông nở đỏ tươi, tỉa tót thẳng băng. Thực ra, nó còn là sự “hãnh diện”, làm đẹp cho ngôi nhà, nhưng phải bỏ vì mục tiêu lớn hơn, đó là con lộ. Hồi trước lộ nhỏ, mình trồng sát lộ. Bây giờ, Nhà nước mở rộng lộ lớn hơn nên phải bỏ. Thì làm lại từ đầu, nhưng lần này thì trồng bông trang cho nó mới, vài năm nữa cũng có hàng rào mới thôi.
Ông Hiếu cặm cụi trồng lại hàng bông trang đỏ và trong lòng rất vui, bởi con lộ mới rộng rãi, khang trang trước nhà đã hoàn thành, xe cộ đi lại nườm nượp; tuyến lộ bê-tông từ Ðất Sét đến Giáp Nước (xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) đã hoàn thành, mở ra một con đường mới cho sự phát triển.
Lộ nông thôn phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Phú Tân gắn với cảnh quan xanh - sạch - đẹp. |
Chỉ 5 năm trước đây, từ Quốc lộ 1 về huyện Phú Tân, xe ô-tô chỉ đi được duy nhất trên con đường tỉnh lộ liên huyện Cái Nước - Cái Ðôi Vàm. Bây giờ, ô-tô thoải mái đi từ nhiều hướng. Nếu từ Cà Mau, ta có thể rẽ phải từ Cống Ðá - Kênh Tư đến Giáp Nước trên con đường nhựa về Khu căn cứ Tỉnh uỷ; rồi thong dong trên con lộ bê-tông rộng 4 m, uốn mình đi qua những làng quê yên bình trù phú đến Mây Dốc - Vàm Ðình. Nếu từ hướng Năm Căn, qua cầu Ðầm Cùng, thì rẽ trái qua cống Bào Chấu, men theo tuyến lộ bê-tông cặp sông Mang Rỗ đến Cái Bát, Tân Hưng Tây, rồi rẽ qua lộ nhựa đến Kinh Mới... Vừa đi, vừa thư thái thưởng thức khung cảnh làng quê yên bình. Hai bên đường, không ít những hàng rào hoa nở rộ, phía sau là những ngôi nhà khang trang, vườn cây ăn trái, đầm tôm rộng rãi... Một bức tranh đa sắc màu do chính người dân tạo ra.
Những cung đường này tạo nên một vành đai xương sống kết nối đồng bộ với hơn 800 km lộ bê-tông cùng 600 cây cầu lớn, nhỏ liền lạc và thông suốt, tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ kết nối thành thị với nông thôn, đến tận vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Phú Tân. Bây giờ, xe ô-tô không chỉ đến được trung tâm tất cả các xã, thị trấn trong huyện Phú Tân mà còn len lỏi đến tận các ấp, khóm, khu dân cư xa xôi.
Ông Ba Nở (Phạm Văn Nở, ấp Trống Vàm, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) chia sẻ: "Sáng nay, vừa đi tái khám về. Bây giờ khoẻ thiệt, chỉ cần một cuộc gọi điện, xe tắc-xi tới nơi rước luôn, có khác gì ở chợ. Bởi vậy, già như tôi, có bệnh kêu xe ngoài Vàm Ðình vô cũng mau lẹ".
Bà Huỳnh Thị Tổng, ấp Cống Ðá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, là một trong những người dân trồng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái. Con lộ qua nhà tạo điều kiện rất tốt để hàng ngày gia đình bà chở nông sản ra chợ bán. Những món lặt vặt như vài trái cà, mấy trái ổi, trái ớt, vài chục bắp... cũng có thể để trước nhà bán cho người đi đường.
“Bây giờ, lộ nông thôn là nhu cầu bức thiết của cuộc sống người dân. Có lộ, nhiều bà con mới dựa vào đó “quy hoạch” lại nhà ở. Nơi nào làm hàng rào, nơi nào cất nhà, làm sân chơi kiểng, trồng cây ăn trái, trồng rau, nuôi cá...”, ông Lê Văn Bắc, ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, chia sẻ.
Từ đó, người dân có điều kiện làm đẹp khuôn viên nhà ở, tích cực sản xuất, xây dựng quê hương.
Lộ là con đường kết nối giao lưu, giúp nông thôn và thành thị gần nhau hơn. Cây cầu bắc qua ngã ba sông Vàm Ðình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, chính thức thông xe trong những ngày đầu năm mới, kết nối đôi bờ kênh xáng Thọ Mai, tạo thêm một hướng mới từ xã Phú Thuận đến xã Phú Tân.
Hàng ngàn học sinh, cán bộ, Nhân dân nơi đây không còn phải đi phà. Ðặc biệt, việc đi lại từ xã Phú Thuận đến Phú Mỹ rút ngắn hơn trên con đường phía Tây kênh xáng Thọ Mai. Con đường này sẽ được mở rộng từ 3-4 m trong năm 2021, mở ra một tuyến vành đai quan trọng, kết nối với lộ nhựa về trung tâm xã Phú Mỹ. Như vậy, sẽ có thêm một tuyến ô-tô từ Kênh Tư - Cống Ðá về Khu căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Ðước, đến xã Phú Mỹ và về Vàm Ðình, xã Phú Thuận. Ðây là những kết nối tích cực thúc đẩy kinh tế và đời sống người dân đi lên.
Thế mới thấy, lộ giao thông đáp ứng rất nhiều nhu cầu của cuộc sống, từ việc sản xuất, mua bán, đi lại, học hành. Những con lộ ở Phú Tân có thể coi là “Tiểu lộ”, nhưng đó lại là bức thiết cho nhu cầu cuộc sống của người dân, là nền tảng cho sự phát triển "đại phú" về sau./.
Quốc Hiệp