(CMO) Từ lâu, vấn đề tìm kiếm, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn luôn là điều không hề dễ dàng, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhiều lao động Cà Mau từ ngoài tỉnh về lại địa phương. Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm việc làm tại chỗ của nhiều chị em phụ nữ, qua tìm tòi, học hỏi, chị Trần Anh Kiều, ấp Tân Quảng Ðông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, đã đứng ra mở tổ hợp tác (THT) may gia công tại xã. Ðược sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, đến nay, THT đi vào hoạt động hiệu quả, tạo được việc làm cho hơn 30 chị em.
Chị Kiều chia sẻ: “Ði họp tổ phụ nữ, nghe mấy chị chia sẻ rằng học nghề từ các lớp dạy nghề xong giờ không có chỗ đi làm, thời gian nông nhàn rảnh rỗi không có thu nhập nên tôi quyết định sang các huyện bạn học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đi đến các tỉnh khác để kết nối. Vì mình thấy nghề may mặc cũng nhẹ nhàng, phù hợp với chị em, nếu làm tại địa phương thì có điều kiện gần gũi, chăm sóc gia đình”.
Thế là THT may gia công công nghiệp Niềm Tin được thành lập vào khoảng tháng 3/2020. Chị Trần Anh Kiều đứng ra vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay tiết kiệm tín dụng của Chi hội Phụ nữ ấp Tân Quảng Ðông. Ðây là nguồn vốn chỉ để phát triển các mô hình kinh tế, với lãi suất 0,5% trong thời gian đáo hạn là 3 tháng.
Tổ hợp tác Niềm Tin đã tạo công việc cho trên 30 chị em, thu nhập từ 3-7 triệu đồng/tháng. |
Chị Ðào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: “THT không có con dấu pháp nhân, với tư cách đại diện cho Hội LHPN xã, tôi đứng ra bảo lãnh với công ty để người ta tin tưởng, giao cho những đơn hàng có giá trị, có đơn 100 triệu đồng. Họ cho biết, nếu THT đáp ứng được tiêu chuẩn đơn hàng, họ sẽ hợp tác lâu dài và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho chị em. Ðây là điều rất đáng mừng nên chị em ai cũng cố gắng”.
Nhiều chị đang may gia công ở Bình Dương khi nghe có tổ may tại địa phương thì chọn về lại quê nhà để làm. Tuy nguồn thu nhập không cao như đi ngoài tỉnh nhưng lại giảm chi phí, gần gia đình và hơn hết là có thể chăm sóc, lo chuyện học hành cho con cái.
Bà Lê Thị Chu, ấp Tân Quảng Ðông, có hơn 10 năm làm nghề may gia công ở Bình Dương. Bà Chu tâm sự: “Làm ở Bình Dương thì thu nhập cao hơn nhưng chi phí tiền trọ, điện, nước, sinh hoạt thì cũng không còn bao nhiêu. Còn ở đây, nhà tôi cách nhà chị Kiều khoảng 3 cây số, làm hết buổi được chị Kiều lo cho bữa cơm trưa, tôi tranh thủ chạy rước cháu đi học về đây ăn cơm. Mấy chị tạo điều kiện dữ lắm, nên tính ra thu nhập cũng không ít hơn ngoài tỉnh là mấy, mà còn gần gũi gia đình, phòng khi ốm đau nữa”.
Hiện tại, THT Niềm Tin có 27 máy may. Với những chị em đã lành nghề nhưng vì điều kiện đi lại, hoàn cảnh gia đình, khó khăn trong việc đến làm tập trung, chị Kiều sẵn sàng cho 7 chị em mượn máy, giao sản phẩm về nhà may. Các chị chưa lành nghề sẽ được chị Kiều tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện cho may thuần thục hơn. Rồi chia khâu cho các chị em may để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Bản thân chị Kiều cũng là thợ may lành nghề, chị Kiều vừa trực tiếp may, vừa giám sát cẩn thận từng công đoạn.
Chị Ký Bé Lài, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân, tâm đắc: “Thành thật mà nói, ở vùng thôn quê xa xôi, không nghĩ các chị có thể làm được tổ may gia công công nghiệp như vậy. Ban đầu từ nguồn quỹ hùn vốn của hội cũng đã hỗ trợ các chị có thêm điều kiện để lập THT. Nhờ sự chịu khó học hỏi, đeo đuổi, các hội viên phụ nữ đã chủ động liên kết được với các công ty, xí nghiệp tìm đơn hàng rồi cùng với vốn của gia đình dần mở rộng quy mô, đầu tư thêm các dàn máy may công nghiệp. Dù thành lập trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 nhưng các chị đã linh động, cố gắng bám trụ để khi dịch tạm lắng hoạt động trở lại. Trong năm, THT đã tạo việc làm cho trên 30 chị em, thu nhập từ 3-7 triệu đồng/tháng”.
Hiện tại, Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái có 2 THT may gia công công nghiệp với tên gọi Ðồng Tiến và Niềm Tin. Có được nơi để làm, kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn là niềm vui của rất nhiều chị em, bởi sự linh động về thời gian giúp chị em vừa có thể gần gũi, chăm sóc gia đình, vừa tạo thêm kinh tế, có điều kiện, niềm tin vươn lên trong cuộc sống./.
Minh Long