(CMO) LTS: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã được triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020-2021; lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022; sắp tới là lớp 3, 7 và 10 vào năm học 2022-2023. Sau gần 2 năm thực hiện chương trình, nhiều nhà chuyên môn, quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, kể cả phụ huynh đã có cái nhìn bước đầu, khách quan và toàn diện hơn không những về chương trình, sách giáo khoa (SGK), mà còn về khả năng tổ chức quản lý, triển khai các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá và chất lượng giáo dục. Có thể thấy, thay đổi tích cực của chương trình GDPT mới là đổi mới tư duy giáo dục, thực sự “lấy người học làm trung tâm”, tạo sự hứng thú, môi trường học tập, rèn luyện giúp người học tích luỹ được kiến thức và vận dụng vào đời sống, phát triển toàn diện năng lực của học sinh... Song, thực tế triển khai vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, nhất là khi điều kiện cụ thể của từng đơn vị trường học, từng địa phương vẫn còn khác biệt.
Bài 1: Cái nhìn toàn cục
Bước ngoặt đổi mới
Cà Mau triển khai Chương trình GDPT 2018 trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và điều kiện khách quan còn nhiều khó khăn: cơ sở vật chất (CSVC) thiếu thốn, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu đối với thiết bị dạy học các cấp học chưa cao. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, sáp nhập trường, điểm trường gặp khó khăn do trên địa bàn tỉnh còn nhiều địa phương giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất hạn hẹp, số điểm trường lẻ nhiều.
Song, được sự quan tâm sâu sát của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố; tâm thế chuẩn bị trước của ngành và các lực lượng quản lý, giáo viên; sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan, nên việc tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 thuận lợi và hiệu quả.
Đơn cử tại huyện Phú Tân, bà Nguyễn Thị Thuý Chiều, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: “Các trường học đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nhận thức cho đội ngũ giáo viên về việc thực hiện chương trình GDPT 2018 từ những năm trước; CSVC được đầu tư cơ bản, đảm bảo cho việc thực hiện chương trình; trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên khá đồng đều, cơ bản đáp ứng nội dung chương trình mới và 100% được tập huấn, bồi dưỡng trước khi thực hiện”.
“Qua kiểm tra thực tế việc dạy học chương trình mới tại một số trường tiểu học và THCS, Phòng GD&ĐT nhận thấy các phản hồi tích cực từ giáo viên, học sinh. Đa số các em hào hứng với việc tiếp thu bài học, tiếp cận tốt với SGK mới. Khi đi học trực tiếp, các em hoạt động sôi nổi, tích cực trong các tiết học và bước đầu hình thành các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của môn học. Về phía giáo viên, thầy cô hài lòng với chương trình và SGK mới, bởi tính gần gũi, thiết thực trong các nội dung dạy học”, bà Thuý Chiều cho biết thêm.
Hiện nay, 100% lớp 1, 2 ở Trường Tiểu học Phú Tân (xã Phú Tân, huyện Phú Tân) đều được trang bị smart tivi.
Ghi nhận một tiết Tiếng Việt của học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Phú Tân (xã Phú Tân, huyện Phú Tân), mặc dù trải qua một thời gian dài phải học trực tuyến do dịch bệnh bùng phát, nhưng hầu hết các em đều đọc trôi chảy những bài đã được học. Học sinh tự tin và tích cực tham gia các hoạt động học tập giáo viên đề ra. “Chương trình, SGK mới có nội dung kiến thức gần gũi với đời sống thực tế, có nhiều hoạt động giáo dục hấp dẫn, giúp khơi gợi hứng thú học tập cho các em. Học sinh lớp 1, lớp 2 mạnh dạn, tự tin hơn so với những năm học trước. Các em thích học, thích đến trường hơn”, thầy Trịnh Hoàng Ba, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Tân, phấn khởi.
Đối với cấp THCS, thầy Nguyễn Quốc Cuộc, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Tân (xã Phú Tân), tâm đắc: “Ngày xưa thường ví thầy cô giáo như người chèo đò, học sinh chỉ có thể đi trên con đò của người thầy. Còn giờ thì không phù hợp nữa, vì học chương trình GDPT mới, thầy cô là người chỉ đường, còn đi như thế nào các em tự chọn. Cũng nhờ vậy, các em học sinh lớp 6 tự chủ, tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô”.
Tại huyện vùng sâu Đầm Dơi - nơi có mạng lưới trường lớp dày đặc, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện đã nỗ lực xoá dần điểm lẻ để từng bước rút ngắn “khoảng cách giáo dục”. Hiện huyện Đầm Dơi còn 49 điểm lẻ của 30 trường tiểu học; THCS có 17 trường, không còn điểm lẻ. Ông Võ Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi, cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng GDPT, triển khai chương trình GDPT 2018, ngành giáo dục huyện đã chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, 2 đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tham gia tập huấn… đảm bảo tốt. Ngành đã rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; ưu tiên phòng học đối với cấp tiểu học nhằm đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, đồng thời chỉ đạo các trường tiến hành rà soát, sắp xếp, điều chỉnh danh mục đầu tư để sử dụng hiệu quả CSVC, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư CSVC, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình”.
Khi được thực hành, trải nghiệm, các em học sinh sẽ hứng thú hơn và tiết học sẽ đạt hiệu quả cao hơn. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Trần Văn Phán, huyện Đầm Dơi). |
Nhận diện khó khăn
Huyện Ngọc Hiển từng được coi là “vũng trũng” của giáo dục, tuy nhiên hiện nay đã vươn lên trở thành điểm sáng về sự phát triển đồng bộ. Ông Trần Văn Út, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Dù đã triển khai chương trình GDPT mới nhưng trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho học sinh lớp 2, lớp 6 vẫn chưa có. Đây cũng là tình trạng chung của các đơn vị trường học trong toàn tỉnh Cà Mau. Một nỗi lo chung, nói như ông Út: “Năm học tới, lớp 3 phải bắt buộc học môn tiếng Anh, Tin học, nhưng tìm nguồn tuyển giáo viên không có. Không có giáo viên thì không cách nào triển khai được. Đây là vấn đề mà Ngọc Hiển đang đau đầu tìm cách khắc phục ngay”. Dù còn khá ít điểm lẻ (8 điểm), nhưng với tình hình hiện tại, việc triển khai chương trình GDPT mới ở những điểm này sẽ khó mà đạt chất lượng như mong muốn vì trang thiết bị, điều kiện CSVC thiếu thốn.
Thầy Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Ân Tây, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, cho rằng: “Việc học các môn tích hợp gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học sinh”. Theo quy định, các môn tích hợp ở bậc THCS theo chương trình mới gồm 3 nhóm là “Sử - Địa”, “Lý - Hoá - Sinh” và “Âm nhạc - Mỹ thuật”, trong khi đó, chuẩn giáo viên của bậc học này là trình độ đại học, nghĩa là mỗi giáo viên chỉ có thể giảng dạy ở 1 phân môn chuyên biệt. Quy định này khiến Trường THCS Tân Ân Tây và hầu hết các trường học bậc THCS của tỉnh Cà Mau phải ứng biến bằng cách chia giáo viên giảng dạy theo đúng chuyên ngành đào tạo, kiểm tra, đánh giá điểm thành phần và tổng hợp chung thành kết quả học tập của học sinh ở môn tích hợp.
Do chưa định hình được các hoạt động trải nghiệm, nên giờ ngoại khoá tại Trường THCS Tân Ân Tây (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) chủ yếu cho học sinh đọc thêm sách ở thư viện trường.
Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin về chương trình GDPT mới ở lớp 10 vẫn là điều gì đó khá mơ hồ đối với hầu hết phụ huynh, học sinh dù đầu năm học tới sẽ triển khai. Ngoài 7 môn học bắt buộc, học sinh sẽ tự chọn các tổ hợp môn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) gồm: nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Theo lý thuyết, học sinh có thể có đến 108 cách chọn tổ hợp môn.
Trao đổi với 2 học sinh lớp 9 của Trường THCS Phú Tân, em Lương Lê Minh Hiển và em Phạm Ngọc Trân, 2 em cho biết, thông tin các em nắm được là qua người thân và nhờ theo dõi thời sự. Cả 2 cùng thẳng thắn rằng: “Bản thân sẽ theo hướng tự nhiên, nhưng còn khá mơ hồ, chưa biết cách học mới, cách đánh giá mới thế nào, khả năng học đại học có chắc hay không. Và sợ mới quá, theo học không nổi”.
Vừa mới đây, Quốc hội đã thảo luận về một vấn đề được cả nước quan tâm, đó là việc môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn hay bắt buộc ở chương trình GDPT lớp 10 mới. Theo thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, nhiều khả năng sẽ có điều chỉnh, thay đổi và sẽ càng tạo áp lực để tổ chức lại nội dung, chương trình giảng dạy ở các nhóm tổ hợp. Cũng theo thầy Hưng, đó là chưa kể việc học sinh sẽ có tâm lý “né môn” khó. Qua khảo sát bước đầu các trường THCS tại huyện Đầm Dơi, thầy Hưng cho biết: “Khả năng cao môn Lịch sử, Hoá học sẽ có rất ít học sinh đăng ký, vậy thì lại rất khó cho nhà trường trong việc sử dụng đội ngũ nhân lực, nguy cơ thừa, thiếu cục bộ hiển hiện”.
Các trường THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang đối diện với nỗi lo lớn là đội ngũ giáo viên dạy ở phân môn nghệ thuật là âm nhạc, mỹ thuật. Đơn cử như Trường THPT Đầm Dơi, một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc THPT, việc đáp ứng nhân sự giảng dạy ở các phân môn này là bất khả thi.
Nhưng chưa hết, chương trình GDPT mới còn có một nội dung khác, khiến các đơn vị trường học chưa tìm được lời giải thoả đáng, đó là các hoạt động trải nghiệm. Nói như ông Trần Văn Út: “Ở huyện vùng sâu như Ngọc Hiển, các hoạt động trải nghiệm chưa nói về hiệu quả ra sao, chỉ riêng vấn đề tổ chức thế nào, kinh phí ở đâu để làm, trải nghiệm nội dung gì, thì đã là áp lực, nỗi lo của các đơn vị trường học rồi”./.
Hải Nguyên - Băng Thanh
BÀI 2: NHIỀU BỀ LO LẮNG