(CMO) Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã tạo ra môi trường chủ động, rộng mở để từng địa phương, từng đơn vị trường học có thể áp dụng với sự sáng tạo, linh động, bám sát và phù hợp với điều kiện thực tế. Tại Cà Mau, tâm thế của ngành giáo dục là vừa làm, vừa tháo gỡ khó khăn, từ đó đúc rút những bài học kinh nghiệm, giúp chương trình GDPT mới thật sự mới, mang lại hiệu quả thực chất.
Tâm thế sẵn sàng
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, cho biết, Sở GD&ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ đến các cơ sở giáo dục nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình GDPT 2018. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị phục vụ dạy và học, đặc biệt là đáp ứng chương trình GDPT mới, hiện nay, Sở GD&ĐT đang triển khai thực hiện sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh.
“Cụ thể, đang triển khai thực hiện Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2089/QĐ-UBND, ngày 30/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau”, ông Dự cho biết thêm.
Về đầu tư mua sắm trang thiết bị, Cà Mau đang triển khai thực hiện Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí khoảng 1.167 tỷ đồng. Dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2020 đã thực hiện hoàn thành và thanh toán, quyết toán với tổng kinh phí 141.207.681.423 đồng. Đang triển khai thực hiện dự án mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2021, thuộc Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025, kinh phí thực hiện 292 tỷ đồng (trong đó có mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của đơn vị và thiết bị lớp 2, lớp 6). Ngành cũng đang trình phê duyệt dự án mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2022, thuộc Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025, kinh phí thực hiện 246 tỷ đồng; trong đó mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của đơn vị và thiết bị lớp 3, lớp 7, lớp 10 và lớp 1 (bổ sung).
Về đầu tư CSVC trường học, ngành giáo dục Cà Mau đang tiếp tục hoàn chỉnh và trình phê duyệt Đề án Nâng cấp, sửa chữa trường học giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu về CSVC cho trường học, UBND tỉnh đã cho chủ trương và cấp kinh phí thực hiện năm 2021 và năm 2022. Cụ thể đang triển khai thực hiện Dự án nâng cấp sửa chữa trường học năm 2021, kinh phí thực hiện 11,2 tỷ đồng; đang trình phê duyệt Dự án nâng cấp, sửa chữa trường học năm 2022, kinh phí thực hiện 11,4 tỷ đồng.
Cà Mau đang triển khai thực hiện đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Phòng máy học tiếng Anh tại Trường THCS Phú Tân, huyện Phú Tân.
Theo lộ trình, năm học 2022-2023, chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 3, 7 và lớp 10. Sở GD&ĐT đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục, UBND huyện, thành phố, các cơ quan có liên quan về chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022-2023, như chuẩn bị CSVC, giáo viên, thiết bị dạy học, chọn SGK… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK lớp 3, 7, 10 cho tất cả quản lý, giáo viên đảm bảo kịp thời, chất lượng, giúp đội ngũ quản lý, giáo viên có đủ năng lực triển khai thành công chương trình SGK lớp 3, 7 và 10 của năm học 2022-2023; đồng thời phối hợp với các nhà xuất bản cung ứng kịp thời, đầy đủ SGK cho học sinh trước khi bước vào năm học mới, không để bất kỳ trường hợp nào không có SGK khi đến lớp.
Trăn trở lớn của ông Dự là về vấn đề nguồn lực con người có thể đáp ứng tối ưu chương trình GDPT mới. Theo đó, nếu các đơn vị đào tạo giáo viên không đổi mới, không gắn chặt với các yêu cầu đầu ra, đáp ứng việc giảng dạy ở chương trình GDPT mới thì sẽ dễ tạo độ vênh, khó có thể đạt được chất lượng giáo dục đề ra. Các chuẩn quy định giáo viên, nếu không có sự phù hợp để áp dụng thực tế cho các cấp học, cũng là vướng mắc khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên ở các tổ hợp môn năng khiếu đang rất thiếu, nếu không có sự bổ sung thì về lâu dài, các đơn vị trường học, ngành giáo dục địa phương sẽ không thể tự mình tháo gỡ.
Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cấp thiết
Quan điểm của ngành giáo dục Cà Mau là giải quyết ngay các khó khăn cấp thiết khi tiếp tục triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình. Ông Dự chia sẻ: “Để giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên, ngành giáo dục Cà Mau sẽ tuyển mới, đào tạo lại, đặc biệt chú ý tuyển nguồn lực giáo viên dạy môn Tin học và tiếng Anh cấp tiểu học, môn Mỹ thuật và Âm nhạc cấp THPT. Để chuẩn bị điều kiện cho việc triển khai chương trình năm học tới, với việc giao quyền tự chủ, nhiều đơn vị trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục cho trường mình".
Ông Võ Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi, cho rằng, khó khăn nhất là đối với các điểm lẻ, do đó, thời gian tới phòng sẽ rà soát từng điểm, không hợp lý sẽ xoá điểm lẻ ngay để dồn sức đầu tư cho điểm chính, như việc xây mới Trường Tiểu học Trần Phán để sáp nhập 2 điểm về 1. “Đơn cử như, thiếu phòng học ở các điểm lẻ thì Trường Tiểu học Trần Phán sẽ chia nhỏ 1 phòng thành 2 lớp học, bởi điểm lẻ sĩ số học sinh chỉ từ 20-30 em/lớp hoặc ít hơn. Thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học thì hợp đồng giáo viên cấp THCS. Xoá điểm chưa được thì xoá lớp, từ lớp 1 rồi dần tới 2, 3… Hoặc sáp nhập các điểm lẻ thành 1 điểm lẻ nhiều lớp. Nếu 1 điểm lẻ có quy mô chục lớp thì việc đầu tư phòng máy tính cũng sẽ dễ thực hiện hơn, hoặc cũng có thể xã hội hoá giáo dục”, ông Võ Lợi đưa ra các giải pháp.
Chật hẹp do thiếu diện tích đất, Trường Tiểu học Trần Văn Phán (huyện Đầm Dơi) đang được đầu tư xây mới tại địa điểm khác để tiến tới sáp nhập điểm chính hiện tại và 1 điểm lẻ. |
Suy cho cùng, mọi sự đổi mới bắt đầu từ nhận thức. Như cách Trường THCS Phú Tân đang triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy không chỉ cho lớp 6, 7 mà còn mở rộng lớp 8, 9 để chuẩn bị dần tâm lý thích nghi. Riêng đối với công tác tuyển sinh lớp 5 lên lớp 6 thì không thi tuyển, nhưng nhà trường sẽ tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phụ đạo cho học sinh bằng cách kết hợp sử dụng nền tảng K12 Online và dạy trực tiếp để bổ túc kiến thức lại cho học sinh khi bắt đầu chương trình GDPT mới lớp 6.
Năm học 2022-2023, chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 10. Thời điểm này, Trường THPT Đầm Dơi, ngôi trường tốp đầu chất lượng phổ thông của tỉnh, đã có bước chuẩn bị rốt ráo. Là 1 trong 5 giáo viên của tỉnh được trực tiếp tập huấn phương án, thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ kinh nghiệm, dù là xây dựng phương án gì đi nữa thì học sinh cũng phải có 2 hướng rõ, một là nghiêng về tự nhiên, hai là xã hội.
Hiện tại, Trường THPT Đầm Dơi đã chuẩn bị 7 phương án để sắp xếp học sinh vào lớp 10; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ các trường THCS trên địa bàn huyện để có kế hoạch, chỉ tiêu, đi đến các trường, vào tận lớp tư vấn các em học sinh lớp 9. Về chuẩn bị CSVC giảng dạy, nhà trường sẽ số hoá các thiết bị dạy học. Nhà trường trang bị mỗi lớp 1 đường dẫn wifi, ti-vi thông minh, đảm bảo 50 thiết bị vào cùng một lúc. Riêng về hoạt động trải nghiệm, hướng tới sẽ kết nối với các công ty du lịch lữ hành tổ chức những chuyến đi cho các em theo hình thức xã hội hoá…
Trong thời gian chờ xây mới và đầu tư trang thiết bị, học sinh lớp 1, 2, sắp tới là lớp 3, Trường Tiểu học Tân Xuyên (TP Cà Mau) mong muốn có được chiếc smart tivi để học chương trình GDPT mới hiệu quả hơn.
Dẫu còn nhiều trăn trở, nhưng chương trình GDPT mới tại Cà Mau đang tạo ra không khí tích cực, là cơ hội chuyển mình của ngành giáo dục từ mô hình truyền thống sang đổi mới, hiện đại, bắt kịp với xu thế giáo dục chung của thời đại. Ở đó, mỗi học sinh, mỗi thầy cô, mỗi đơn vị trường học và toàn ngành giáo dục đều chung sức, tận tâm để hình ảnh vùng đất hiếu học Cà Mau ngày càng toả rạng tiếng thơm./.
Hải Nguyên - Băng Thanh