(CMO) TP Cà Mau hiện có 156 km mương cống thoát nước; 383 km đường ống cấp nước, tổng công suất 39.000 m3/ngày; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt trên 99,98%. Hệ thống chiếu sáng công cộng được lắp đặt ở 157 tuyến đường, 18 khu công viên, trụ sở cơ quan, 51 tuyến hẻm, tổng chiều dài hơn 164 km, cây xanh đô thị toàn thành phố 199,82 ha, đạt 11,25 m2/người.
Tuy vậy, về tiêu chí đô thị loại I thì thành phố mới đạt 70,32/75 điểm. Trong đó tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số, trình độ phát triển kết cấu hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị là những khó khăn lớn của thành phố.
Thành phố có 218 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 154 km, tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đạt 15% và bình quân đạt 15 m2/người, có 154 km đường được trải nhựa và bê-tông nhựa nóng, các trục đường chính đã và đang tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Song, hiện còn nhiều tuyến đường nội ô thành phố vì ảnh hưởng của nguồn vốn đầu tư phải chịu cảnh thi công ì ạch, phân đoạn, ưu tiên khu vực hư hỏng nặng, ngập nhiều… gây bức xúc và cản trở đi lại, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Trọng Hà, Phó chủ tịch HÐQT Tập đoàn Camimex Group, bức xúc: “Đoạn đường từ Lê Hồng Phong, Khóm 7, Phường 8 đến Công ty Camimex phục vụ lưu thông hàng chục ngàn công nhân và vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hoá xuất khẩu cũng như vận chuyển nguyên liệu sản xuất của công ty mỗi ngày. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm, mặt đường hư hỏng nặng nhưng chưa được đầu tư. Đây còn là tuyến đường, là bộ mặt để tiếp đón nhiều lượt khách, doanh nghiệp trong hợp tác đầu tư của đơn vị. Có lúc bức bách quá, chúng tôi đã kiến nghị được chi kinh phí trước để giải quyết bức xúc nhưng chưa được chấp thuận”.
Tuyến đường Cao Thắng, đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến Công ty Camimex, UBND TP Cà Mau đã có chủ trương nâng cấp, duy tu với tổng mức đầu tư 3,2 tỷ đồng. Dự kiến trong quý IV năm 2022 sẽ triển khai thi công công trình. |
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo TP Cà Mau cho biết: “Hiện nay, nhu cầu nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường trên địa bàn thành phố rất lớn. Tuy nhiên, do còn khó khăn về kinh phí nên việc nâng cấp, sửa chữa phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên những tuyến, đoạn bức xúc hơn. UBND thành phố ghi nhận, rất mong bà con chia sẻ, khi cân đối được nguồn vốn sẽ thực hiện nâng cấp ngay”.
Cũng theo thông tin từ UBND thành phố, để đáp ứng các yêu cầu phát triển của địa phương, Sở Xây dựng phối hợp với UBND thành phố triển khai thực hiện điều chỉnh chương trình phát triển đô thị TP Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu rà soát việc quy hoạch xây dựng đô thị, xác định nhu cầu cần đầu tư tăng thêm để thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I.
Để xây dựng TP Cà Mau đồng bộ về hạ tầng, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã phê duyệt hoặc triển khai lập các quy hoạch, đề án, như quy hoạch thoát nước của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; đề án ngầm hoá các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ năm 2021-2025, định hướng phát triển đến năm 2030; kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Cà Mau; đề án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị chuyển vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020-2030; đề án thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ năm 2021 đến năm 2030... Đây là nền tảng cơ bản, khung pháp lý để định hướng sự phát triển của TP Cà Mau.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh của các dự án triển khai trên địa bàn thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng; trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phân bổ hơn 15.000 tỷ đồng để đầu tư các công trình trên địa bàn thành phố hoặc kết nối với thành phố, chiếm 70% tổng vốn được phân bổ là động lực quan trọng để hoàn thiện hạ tầng theo các tiêu chí của đô thị loại I.
Song song đó, thành phố tranh thủ các dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương triển khai thi công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, với tổng vốn đầu tư 4.549 tỷ đồng, như dự án xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn đi qua thành phố, với tổng vốn đầu tư 1.725 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang triển khai thi công, sẽ kết nối với đường Vành đai 3, đường Hành lang ven biển phía Nam tạo thành một trục giao thông bao quanh thành phố. Xây dựng các tuyến kè trong nội ô với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng, chiều dài hơn 9 km theo quy hoạch, bao gồm các đoạn từ cầu Phan Ngọc Hiển đến cống Cà Mau; từ Công viên tiểu cảnh Phường 2 đến giáp Phường 1 và đoạn từ kênh Rạch Rập, Phường 8, đến cầu Tạ Uyên. Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam được đấu nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đình Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, kết nối Quốc lộ 1, với chiều dài 9,4 km, tổng mức đầu tư 1.324 tỷ đồng…
TP Cà Mau tranh thủ các dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương triển khai thi công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn với tổng vốn đầu tư 4.549 tỷ đồng. (Trong ảnh: Công trình Dự án xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn đi qua TP Cà Mau, tổng vốn đầu tư hơn 1.725 tỷ đồng). |
Theo kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Cà Mau, đến năm 2025 thành phố sẽ triển khai thêm 16 dự án xây dựng khu đô thị mới với tổng diện tích sàn 2.542 m2. Đây là nguồn lực đầu tư hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện hạ tầng của thành phố.
Trong các tiêu chí chưa đạt, tiêu chí phát triển hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị, cần phải sử dụng nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn. Việc triển khai, huy động nguồn đầu tư từ nhiều nguồn khác là một trong những giải pháp để hoàn thiện hạ tầng TP Cà Mau.
Mục tiêu xây dựng TP Cà Mau trở thành đô thị loại I cần sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Cà Mau. TP Cà Mau xác định nhiệm vụ xây dựng trở thành đô thị loại I vào năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm. Để tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phát triển trong tương lai của thành phố, cần sự hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện khung pháp lý của Trương ương, tỉnh Cà Mau để thực hiện. Và nỗi lo khát vốn cho những công trình quan trọng là không thể tránh khỏi./.
Phong Phú