(CMO) Điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, cấu tạo vùng bờ, chế độ khí tượng, thuỷ văn, dòng chảy, mưa, tác động của con người, tập quán sinh hoạt, mật độ giao thông thuỷ, nhu cầu cấp thoát nước phục vụ sản xuất…, những yếu tố từ tự nhiên cho đến xã hội này đang khiến tình trạng sạt lở ven biển ngày càng nghiêm trọng.
“Do phải chịu tác động của cả 2 chế độ thuỷ triều: nhật triều và bán nhật triều không đều; phần bên trong lại được chia cắt bởi hệ thống sông rạch, kinh mương có tổng chiều dài gần 10.000 km cùng hơn 87 cửa sông lớn nhỏ thông ra biển. Từ đó, Cà Mau là tỉnh dễ tổn thương nhất trước diễn biến cực đoan của thời tiết, nhất là hiện tượng sạt lở bờ biển thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất nặng nề”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi, nhận định.
Nguy cơ mất hoàn toàn đai rừng phòng hộ
Từ đầu năm đến nay, trên khu vực biển Tây, tình trạng sạt lở diễn ra nhanh, nhiều đoạn đặt vào mức độ nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê. Ông Tùng thông tin thêm, tổng chiều dài sạt lở bờ biển Tây hiện nay trên 57 km, đặc biệt có 3 vị trí sạt lở rất nguy hiểm khoảng 4 km tỉnh đang triển khai các phương án công trình hộ đê khẩn cấp.
Theo thống kê của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, tại khu vực Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, khu vực ven biển thuộc địa bàn huyện Đầm Dơi, trong 16 năm (1984-2000), sạt lở đã lấn vào 340 m rừng, từ năm 2000-2011 lấn sâu thêm 400-440 m, từ năm 2011-2017 lại mất thêm 400 m. Như vậy, từ năm 1984 đến nay bình quân khu vực này biển đã lở vào 1.200 m rừng phòng hộ.
Cửa biển Giá Lồng Đèn, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi là một trong những điểm có tốc độ sạt lở khá nhanh hiện nay ở khu vực biển Đông. |
Theo Tiến sĩ Trần Văn Thái, Phó viện trưởng Viện Thuỷ công, bờ biển Đông, từ Gành Hào đến Mũi Cà Mau, mất khoảng 100 km2; biển Tây, đoạn từ Sông Đốc đến Tiểu Dừa, mất khoảng 22 km2. Như vậy, trong vòng 33 năm qua (1984 đến nay), tình trạng sạt lở bờ biển từ Đông sang Tây của tỉnh đã làm mất khoảng 122 km2.
Không chỉ vậy, hiện nay, qua kiểm tra khảo sát mới nhất trên toàn tuyến, đã phát hiện một số vị trí đang trong tình trạng sạt lở cực kỳ nguy hiểm, đai rừng chỉ còn khoảng 15-20 m. Cụ thể, đoạn cách cống Kinh Mới về hướng Bắc khoảng 300 m có khoảng 50 m sạt lở, chiều rộng đai rừng bị mất trên 60 m, chỉ còn 15 m là đến thân đê; điểm cách cống Kinh Mới về hướng Bắc khoảng 500 m xuất hiện đoạn sạt lở khoảng 60 m, đai rừng bị mất khoảng 50 m, hay như đoạn từ Kinh 8 hướng về Kinh Mới, chiều dài sạt lở khoảng 30 m đai rừng, chỉ còn 15 m là đến thân đê. Ngoài ra, còn một số điểm sạt lở khác đai rừng cách chân đê chỉ còn từ 20-30 m.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Huấn, Viện Kỹ thuật Biển, nhận định, hiện tượng sạt lở bờ sông, ven biển ở ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng thực sự là lực cản lớn đối với tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá vùng đất phương Nam. Những tổn thất do xói lở bờ sông, bờ biển diễn ra trong thập niên qua hết sức nặng nề. Hàng chục người thiệt mạng và mất tích; nhiều dãy phố đổ xuống sông; nhiều xóm dân cư bị xoá sổ; nhiều cầu, cống, đường sá, trụ sở cơ quan, trường học… bị cuốn theo dòng nước.
Cùng chung nhận định trên, Tiến sĩ Trần Văn Thái nhận định, dưới tác động của biến đổi khí hậu, rừng phòng hộ đê biển Tây có nguy cơ biến mất hoàn toàn nếu không có giải pháp hữu hiệu và kịp thời.
Giữ rừng bằng mọi giá
Bằng nhiều giải pháp công nghệ, từ vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè áp bờ, đê trụ rỗng, cừ lưới giảm sóng và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều vị trí sạt lở xung yếu đã được khắc phục. Tổng chiều dài các điểm sạt lở được đầu tư xây dựng các loại kè khoảng 23,7 km, với mức đầu tư khoảng 652 tỷ đồng. Cụ thể, kè ngầm tạo bãi khẩn cấp khoảng 16,9 km, còn lại 6,7 km là các loại kè khác. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy chưa thấm vào đâu so với mức độ sạt lở hiện nay.
Theo chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Lương Phương Hậu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật bờ biển Trường Đại học Xây dựng, kinh nghiệm của thế giới đối với những công trình biển ngăn sóng gây bồi cho những vùng bùn cát như Cà Mau thường xây dựng công trình hình chữ T. Qua thực tế cũng khẳng định giải pháp công trình này có tốc độ bồi lắng sẽ tốt hơn nhiều dạng khác.
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ xảy ra theo chiều hướng bất lợi. Nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu có xu hướng tăng nhanh vào những thập niên tới, từ đó sẽ tác động mạnh mẽ đến các yếu tố thuỷ văn và chế độ dòng chảy, làm gia tăng xâm nhập mặn, úng ngập nghiêm trọng, tăng quá trình sạt lở bờ sông, bờ biển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Huấn nhận định, sạt lở bờ biển hiện nay ngày một diễn biến phức tạp hơn cả về không gian và thời gian. Tiêu biểu, trước đây tình trạng sạt lở bờ biển thường xảy ra vào gió mùa Đông Bắc (biển Đông) và gió mùa Tây Nam (biển Tây) thì nay sạt lở quanh năm, bất cứ lúc nào và nơi nào khi có điều kiện.
Trước thực tế ấy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Huấn, để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất phải làm tốt công tác dự báo, cảnh báo sạt lở để các cấp quản lý có những quyết định phù hợp, người dân chủ động hơn trong ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Đặc biệt, chú ý khôi phục rừng ngập mặn ven biển trong điều kiện mới./.
Nguyễn Phú