Có hơn 20 năm gắn bó với công việc chế biến và kinh doanh bánh phồng tôm, hộ bà Dương Thị Quyết (Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quá trình chế biến, để đưa nhiều sản phẩm chất lượng đến với khách hàng.
- Ðậm đà hương vị bánh phồng cua
- Sắc màu bánh phồng tôm
- Thiết bị hiện đại sản xuất bánh phồng tôm
- Ðưa bánh phồng tôm "xuất ngoại"
- Bánh phồng tôm đón Tết
Ngoài bánh phồng tôm mang thương hiệu Ngọc Hân đã có chỗ đứng trên thị trường, cơ sở của bà Quyết còn sáng tạo, chế biến bánh phồng cua với nguyên liệu chính là cua Năm Căn trứ danh. Theo bà Quyết, nhu cầu ăn uống của khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng cũng như giá trị, từ đó, để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, người kinh doanh phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với khẩu vị khách hàng.
Vì bánh phồng tôm là nghề truyền thống, nuôi sống cả gia đình bà nên với công việc này, bà Quyết đặt hết tâm huyết. Là người con của Năm Căn, hơn ai hết, bà Quyết hiểu giá trị của con cua, thịt cua có nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khoẻ, hương vị thơm ngon đặc trưng. Tận dụng thế mạnh là nguồn nguyên liệu cua dồi dào tại địa phương, bà tìm hiểu, sáng tạo trong cách làm, chế biến ra bánh phồng cua.
Quy trình chế biến bánh phồng cua cũng trải qua một số công đoạn như bánh phồng tôm. Tuy nhiên, khác biệt và khó khăn nhất là công đoạn lấy thịt cua.
"Nhiều lúc tôi tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng vì quá tâm huyết với sản phẩm bánh phồng cua nên mày mò, lâu ngày đúc kết được nhiều kinh nghiệm, từ khâu lấy thịt cua đến nêm nếm gia vị để làm ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng", bà Quyết cho biết.
Ðể tăng thêm phần độc đáo và đa dạng sản phẩm, cơ sở chế biến bánh phồng của bà Dương Thị Quyết còn sáng tạo ra món bánh phồng cua mang hương vị riêng biệt.
Bà Quyết chia sẻ: “Ðể thành công với sản phẩm này, đầu tiên phải chọn nguyên liệu cua tươi ngon, chắc thịt. Công đoạn tách thịt cua cũng vô cùng kỳ công; cụ thể, cua sau khi thu mua sẽ làm sạch, ướp đá rồi cho lên nồi hấp sơ để thịt cua còn giữ độ ngọt, cua sau khi hấp tiếp tục ướp với đá rồi mới tách thịt, như vậy thịt cua sẽ còn nguyên chất dinh dưỡng, tươi ngon”.
Bà Quyết thực hiện công đoạn phơi bánh phồng cua trước khi đóng gói bán ra thị trường.
Cua là hải sản có giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế cao nên bánh phồng cua được bán ra với giá từ 150-200 ngàn đồng/kg. Bà Quyết cho biết: “Vì hương vị lạ miệng và nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khoẻ nên bánh phồng cua ngày càng được ưa chuộng, khách hàng không chỉ mua để sử dụng mà còn làm quà tặng. Cơ sở chú trọng đầu tư mẫu mã lẫn chất lượng, tạo uy tín đối với người tiêu dùng”.
Ðể tăng phần độc đáo và đa dạng cho sản phẩm bánh phồng, cơ sở sản xuất của bà Quyết còn chế biến bánh phồng tôm tít, bánh phồng rau củ... mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Bà Ðoàn Trúc Liêu, Chủ tịch Hội LHPN xã Hàng Vịnh, cho biết: “Với sự biến tấu, tỉ mỉ trong khâu chế biến, bánh phồng cua từ cơ sở sản xuất của bà Quyết mang hương vị đặc trưng đã chinh phục được khách hàng gần xa. Nhờ bà mạnh dạn thay đổi, không ngừng sáng tạo mà những sản phẩm bánh phồng bà làm ra ngày càng nâng cao giá trị, có chỗ đứng nhất định trên thị trường”./.
Phương Thảo