(CMO) Xe bon bon trên những con lộ nông thôn rộng rãi, thông thoáng. Hai bên đường là những hàng cây xanh rì, mát rượi, nhiều loại hoa khoe sắc đón xuân. Lộ làng đến đâu, nhà cửa được xây dựng khang trang đến đó, đời sống người dân đổi thay không ngừng. Đó là kết quả nhìn thấy rõ nhất sau nhiều năm cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng đồng lòng xây dựng hạ tầng nông thôn.
Sắc màu từ hàng rào cây xanh tô điểm thêm nét đẹp cho Thới Bình thôn. |
“Hơn 20 năm trước, thời điểm này vợ chồng tôi tất bật đi gặt lúa mướn để kiếm tiền sắm sửa quần áo Tết cho con. Xứ rừng U Minh bấy giờ khó khăn lắm, đi lại bằng xuồng, đâu có bao giờ nghĩ sẽ được con lộ như bây giờ, điện đóm lại được kéo đến tận nơi”, ông Tám Thức (Hà Thức, Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) bồi hồi nhớ lại.
Bứt phá giao thông
10 năm trước, U Minh chỉ có tuyến đường ô-tô độc đạo Cà Mau - U Minh - Khánh Hội, lác đác vài tuyến đường dành cho xe 2 bánh và người đi bộ…, còn lại các tuyến dân cư nông thôn chủ yếu là đường đất. Việc đi lại chủ yếu bằng phương tiện thuỷ. Tỷ lệ người dân sử dụng điện còn thấp.
Đến nay, tuyến đường Cà Mau - U Minh - Khánh Hội đạt cấp IV đồng bằng. Đường ô-tô đến trung tâm các xã, liên xã đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Tất cả các tuyến dân cư nông thôn đều có đường giao thông và lưới điện quốc gia.
Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh, phấn khởi: “Có thể nói, mạng lưới giao thông là nền tảng cực kỳ quan trọng để đưa kinh tế địa phương tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Đường ô-tô đến trung tâm các xã đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; đường Cà Mau - U Minh - Khánh Hội được nâng cấp, mở rộng; đường Hành lang ven biển phía Nam hoàn thành, tạo điều kiện đấu nối đê biển Tây, thuận lợi phát triển kinh tế biển… Đây là những công trình mang tính bứt phá, làm thay đổi bộ mặt nông thôn".
Nông thôn bừng sáng
Nối với U Minh là con lộ bê-tông 3 m đi thẳng về hướng Thới Bình (nếu như trước đây phải đi vòng mấy chục cây số), rồi theo đường Hành lang ven biển phía Nam đến các xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện trứ danh “Thới Bình thôn”. Tuyến đường này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp xoá đói giảm nghèo, nhất là vùng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng.
Hơn 60 năm sinh sống tại đây, ông Út Đoàn (Quách Văn Đoàn, ấp Huỳnh Nuôi, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) chia sẻ: “Trước kia nơi này có xuồng máy đi lại là khá lắm rồi, nói chi đến xe cộ. Nhà cửa thì thưa thớt, xập xệ, cuộc sống khó khăn. Giờ có lộ thông thoáng, đi lại, buôn bán thuận tiện; đời sống người dân nơi đây cũng sung túc hơn nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất”.
Nhấp tách trà nóng, ông Út gật gù nói tiếp: “Nhớ lúc trước, ngày nào còn lội sình hì hục, đèn dầu leo lét, mà nay đường sá thông thoáng, điện về sáng rực cả trong nhà lẫn ngoài ngõ”.
Thới Bình không chỉ lộ làng được phủ kín mà có đến gần 140 km đường huyện, hơn 986 km đường trục ấp, liên ấp được cứng hoá, đảm bảo ô-tô đi lại thuận tiện quanh năm theo tiêu chuẩn xã NTM. Ngoài ra, còn có 2 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 70 km, 4 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 36,8 km. Đời sống người dân theo đó ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,47 triệu đồng năm 2010 lên 54 triệu đồng năm 2021.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, phấn khởi chia sẻ: “Cùng với hạ tầng nông thôn, tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam được coi là tiềm năng to lớn để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển từ bên ngoài vào huyện, nhất là đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ hàng hoá của người dân. Đồng thời, 5 năm qua, huyện còn đầu tư 84 công trình lưới điện, tổng kinh phí thực hiện gần 120 tỷ đồng. Riêng năm 2021, huyện Thới Bình được ngành điện đầu tư 47,3 km trung thế, đường dây hạ thế 33,0 km, dung lượng 1.600 kVA phục vụ khoảng 345 hộ trong vùng dự án. Nâng số hộ dân có điện kế chính trên địa bàn huyện khoảng 34.760/34.948 hộ, đạt 99,46%”.
Thay vào những tuyến đường đất, đi lại khó khăn, nay huyện U Minh trở nên sôi động, sung túc hơn nhờ những con lộ nối liền ấp, khóm và nhịp cầu nối liền bờ vui. Ảnh: HỮU NGHĨA |
Điện đến nơi, đường đến ngõ, khoảng cách thành thị và nông thôn càng gần hơn. Nhịp sống vùng quê trở nên tất bật, sôi động với những vụ mùa bội thu. Tất cả cùng hoà quyện tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho những vùng quê nơi cuối cùng cực Nam Tổ quốc.
Cùng với lộ làng, điện cũng được kéo đến tận vùng sâu, vùng xa của tỉnh. |
5 năm qua, toàn tỉnh xây dựng được 2.205 km đường nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng; thêm 4 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã (đạt 100%) và 25 xã đạt tiêu chí giao thông (tăng 96,2%). Lưới điện quốc gia đã được đầu tư đến 100% khóm, ấp. Trong đó, số hộ được sử dụng điện 305.544 hộ, tăng 13.860 hộ so năm 2016, chiếm 99,96% số hộ trong toàn tỉnh.
Hồng Nhung