ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 02:55:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi niềm Xóm Vườn

Báo Cà Mau (CMO) Xóm Vườn thuộc Ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Vì cuộc sống quá khó khăn, lộ làng không có nên nhiều hộ bỏ xứ đi hoặc dời đi nơi khác sinh sống.

Xóm Vườn những ngày nhiều nắng còn quạnh quẽ, huống chi những ngày mưa dầm trông càng đìu hiu, buồn tẻ hơn. Ừ, thì trải qua bao năm tháng, Xóm Vườn cũng có những bước tiến nhất định khi người dân không còn xài điện thắp sáng theo kiểu chia hơi nhiều hiểm nguy và lộ bê tông cũng đã về một phần của Xóm Vườn, nhưng để nói là một vùng quê thực sự đổi thay thì vẫn còn một chặng đường dài.

Nhiều năm khát

Chúng tôi đến Xóm Vườn trong một buổi chiều mưa rả rích, ông Thạch Duộl dùng chiếc xuồng máy, tài sản quý nhất của gia đình, vượt quãng đường hơn cây số rước khách. Là dân cố cựu ở Xóm Vườn, Ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, không ai hiểu vùng đất này như ông. 70 tuổi tròn, trải qua nhiều thời kỳ, cuộc sống của ông Thạch Duộl gắn liền với thăng trầm của vùng đất nghèo khó này.

Bao năm qua, ông Thạch Duộl chỉ có 2 ước mong lớn nhất. Một là được xài điện đàng hoàng, không lệ thuộc ai. Hai là lộ bê tông thông thoáng về tận nhà cho xóm làng vui vẻ. Ước mong thứ nhất của ông Thạch Duộl đã không còn là mong ước khi lưới điện về làng quê nghèo từ đầu năm rồi. Còn ước mong thứ hai thì ông vẫn đang mong mỏi từng ngày.

Ông Thạch Duộl bộc bạch: “Không có lộ làng, mùa nắng còn đỡ chớ mùa mưa cực khổ lắm. Việc đi lại hàng ngày khó khăn thì khi bệnh hoạn, muốn chở người bệnh đến cơ sở y tế điều trị gặp khó biết bao nhiêu. Có những trường hợp do đường đi khó khăn quá, đưa đến cơ sở điều trị được thì đã muộn”.

Không lộ không làng, dân cư thưa thớt, lộ đất đen ngoằn ngoèo, nhiều cây cầu khỉ chông chênh, bởi vậy, hầu như mùa mưa hay mùa nắng, phương tiện đi lại cũng như đến trường của trẻ em nơi đây duy nhất là đường thuỷ.

Bà Nguyễn Thị Hồng tâm tình: “Cháu nội của tôi vừa học xong lớp 3. Không có lộ làng, thằng cháu không thể tự đi học được. Đưa rước thì mất nhiều thời gian, đàn gà, đàn vịt khó chăm sóc, thấy có đứa cháu cùng xóm cũng đi học nên tôi hùn tiền xăng để cháu đi xuồng máy cùng bạn tự đến trường luôn”.

Gia đình ông Thạch Duộl mấy chục năm qua rất khốn đốn khi cây nước không sử dụng được.

Tự đi học đến trường trên những chiếc xuồng máy nên đối với trẻ em nơi đây cái gì có thể không biết chớ bơi lội là phải biết từ nhỏ. Em Thạch Trường Em, học sinh lớp 3, chia sẻ: “Em tự chạy xuồng máy đi học cùng bạn chung xóm. Em biết lội lâu rồi”.

Không chỉ khát lộ, người dân ở phía bờ Đông Xóm Vườn còn khát khao nguồn nước sạch mấy chục năm qua. Thực ra, bà con nơi đây không phải không có cây nước nhưng ngặt nỗi không sử dụng được.

Từng là hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, cũng như bà con dân tộc trong xóm, ông Thạch Duộl được địa phương hỗ trợ cây nước từ những năm 90. Thế nhưng, theo ông nguồn nước khoan được mặn chát, rửa mặt còn không được huống chi tắm rửa, nấu cơm. Thế là, cây nước chỉ để ngắm mấy chục năm qua. Nước xài, nấu nướng, nước uống hàng ngày được đối phó theo mùa.

Ông Thạch Duộl cho biết thêm: “Như giặt giũ thì xài nước trong ao, đìa, còn tắm rửa, nấu cơm, uống thì mùa hạn, nhà có mấy cái bồn Nhà nước cho chạy xuồng ra lộ cái đổi nước, 1 bồn nhỏ vậy 5 ngàn đồng, còn mùa mưa thì hứng nước mưa, chứa đầy mấy cái mái để xài dần”.

Quanh quẩn chữ “nghèo”

Cả Xóm Vườn có 54 hộ, 50% là hộ đồng bào dân tộc Khmer. Theo Trưởng Ấp 6 Trần Tấn Lực, toàn ấp có 54 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo thì riêng khu vực Xóm Vườn đã có tới 14 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. Trong đó có 3 hộ nghèo đã bỏ xứ đi làm ăn xa hơn nửa năm nay.

Không đất đai canh tác, không nghề nghiệp ổn định, học vấn thấp, gia đình đông người là những nguyên nhân làm cho cuộc sống của bà con Xóm Vườn đa phần vẫn chưa thoát khỏi chữ nghèo.

Như gia đình anh Thạch Sóc, hiện có 5 anh em nhưng chẳng ai ổn định, 4 người phải ly hương để kiếm những đồng tiền ít ỏi sinh nhai. Người làm công nhân may, người làm hồ. 41 tuổi đời, cuộc sống anh Thạch Sóc chẳng có gì tươi sáng, rày đây mai đó, sống cảnh làm thuê nơi xứ người, gia đình nhỏ cũng dang dở. Các em của anh cũng vậy. Cuộc sống cứ thế bấp bênh. Tài sản lớn nhất của gia đình anh là ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ xây cất cách đây khá lâu.

Không có lộ, mùa hè của trẻ em nơi đây chỉ là quanh quẩn xung quanh nhà, lội nước bắt ốc.

Anh Thạch Sóc bộc bạch: “Mẹ tôi vừa mất, thời gian ở nhà chăm lo nhang khói, tôi nuôi thêm mớ vịt kiếm tiền. Nhưng sắp tới tôi lên thành phố làm thuê tiếp, rồi lâu lâu về quê thăm đứa em thứ 3 bị bệnh liên miên, sống có một mình”.

Chồng và 3 đứa con trai của bà Hồng cũng vậy. Cũng chọn vùng đất Bình Dương xa xôi làm nơi mưu sinh. Học vấn chỉ tới lớp 6, lớp 7, cao nhất cũng có nửa lớp 10, vì vậy nghề nghiệp chỉ có thể là những nghề tay chân như làm hồ, làm chậu kiểng. Bôn ba nơi đất Bình Dương nhộn nhịp hơn chục năm nhưng vốn liếng dành dụm được tính ra chẳng có gì. Tiền trọ, tiền ăn xài, tiền trị bệnh, tiền gởi về quê, bao nhiêu thứ phải chi, cuối cùng chỉ đủ để lo toan 2 bữa cơm đạm bạc.

Thật ra, bà Hồng có khá hơn so với anh Thạch Sóc vì gia tài cũng có 3 công ruộng. Nhưng vài công đất ít ỏi ấy thì thu nhập có bao nhiêu. Chưa kể, đàn ông, trai tráng trong nhà đi làm ăn xa hết, việc canh tác không được chu toàn thì vụ trúng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuổi đã cao nhưng đến giờ này ông Nguyễn Văn Có chưa có được miếng đất của riêng mình. Nhà thì ở đậu, đất canh tác cũng không, các con mỗi đứa mỗi cảnh, cũng cùng chung cái nghèo, hầu như chẳng giúp đỡ được gì. Để kiếm sống qua ngày, vợ chồng ông chăn nuôi vài con gà, con vịt, mỗi buổi sáng thì ông bơi chiếc xuồng nhỏ bán bánh, kẹo, nước đá cho bà con xóm giềng, kiếm lời từng đồng tiền lẻ.

27 tuổi, chị Thạch Thị Quyên đã có 2 đứa con, đứa lớn 9 tuổi, nhỏ 5 tuổi. Nghề nghiệp ổn định không có, khi có người cần thì chị Quyên róc lá chuối bán, còn chồng chị thì bắt chuột theo mùa. Thương cảnh nghèo khó, bên chồng cho vợ chồng chị mượn vài công đất ruộng để làm thêm.

Ở Xóm Vườn không khó bắt gặp những ngôi nhà cửa đóng then cài hay bỏ hoang đã lâu năm. Như thông tin của anh trưởng ấp, hộ bà Lâm Thị Út là người thân của liệt sĩ. Trước đây đã được hỗ trợ nhà, sau căn nhà xuống cấp cũng được hỗ trợ xây mới nhưng 6 người trong gia đình đã bỏ xứ đi xa từ 3 năm trước.

Còn ở phía bên có lộ, cuộc sống của bà con có đỡ hơn phần nào nhưng cũng còn nhiều trăn trở. Đất ruộng ít, con trai út mới đi làm ở Bình Dương. Để trụ được ở vùng đất này, ông Thạch Văn Dết thu mua chuối chở lên tận Cà Mau bán. Số tiền vay của Ngân hàng Chính sách để chăn nuôi, giờ vẫn còn nợ.

Gia đình ông Trần Thanh Hiền là hộ thuộc dạng hiếm, đời sống khá ổn định và có đất đai canh tác nhiều nhất ở Xóm Vườn. Ngoài ý chí vươn lên, ông cũng có nền tảng căn cơ là 15 công đất ruộng cha mẹ cho khi mới lập gia đình và giờ số đất đã có tới 4 ha. Thế nhưng, ngoài cây lúa, cũng như nhiều bà con trong vùng, thêm chăn nuôi nhỏ lẻ thì gia đình ông cũng chưa có mô hình kinh tế nào khác đem lại hiệu quả.

Anh Lực cho biết: “Xóm Vườn có đông bà con dân tộc sinh sống nên được Nhà nước rất quan tâm. 100% hộ nghèo đồng bào dân tộc được hỗ trợ nhà ở, rồi hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề, chuộc đất. Thế nhưng, vì cuộc sống quá khó khăn, lộ làng không có nên nhiều hộ bỏ xứ đi, hoặc dời đi nơi khác sống nên nguồn vốn hỗ trợ không phát huy hiệu quả. Giờ cả xóm có điện, phía bờ Tây có lộ cũng đỡ nhưng phía bờ Đông bà con còn vất vả lắm”./.

Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông Đỗ Văn Sử, những năm qua, Xóm Vườn đươc sự quan tâm rất nhiều của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Năm 2018, người dân được sử dụng điện hạ thế, một phần Xóm Vườn có lộ giao thông. Đối với tuyến còn lại chưa có lộ, UBND xã, UBND huyện rất quan tâm và huyện đã cho chủ trương xây dựng lộ năm nay từ nguồn vốn chính sách, chiều dài 1.600 m, ngang 1,5 m. Xã đã khảo sát, còn chờ các ngành thẩm định, phê duyệt, dự kiến bắt đầu xây dựng trong tháng 8.

Nhìn chung, đời sống của bà con có bước phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Không riêng khu vực Xóm Vườn mà tình hình chung của xã là thanh niên không có việc làm ngay tại địa phương, phải tìm việc ở các tỉnh, thành vùng trên. Còn đối với vấn đề nước sạch, ở Ấp 5 và Ấp 6, nơi đây đặc thù khoan cây nước không phát huy hiệu quả, chỉ sử dụng tạm cho giặt giũ, tắm rửa. Xã cũng được đầu tư trạm cấp nước ở Ấp 4, kéo về cho bà con ở Ấp 5, Ấp 6 sử dụng nhưng chỉ đáp ứng phần nào.

Bảo Ngọc

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.