ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 15:59:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nông sản sạch - cơ hội lớn

Báo Cà Mau (CMO) Ðồng đất Trí Lực, huyện Thới Bình, đang rộn ràng bước vào vụ lúa - tôm càng xanh chủ lực cuối năm 2022. Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết: “Ðịa phương không chỉ quan tâm đến năng suất, sản lượng nông sản, mà hướng lâu dài là phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị các mặt hàng chủ lực là lúa và tôm càng xanh”. Việc đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, định hướng sản xuất sạch chính là chìa khoá mở ra cho nông sản Trí Lực cơ hội lớn để tiến xa trên thị trường nội địa và quốc tế.

Niềm tự hào lúa sạch

Từ vùng thuần nông, sau chuyển dịch, Trí Lực cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh Cà Mau dồn hy vọng vào con tôm. Là vùng quy hoạch sản xuất lúa - tôm, nhưng thời gian dài bà con nông dân không mặn mà với cây lúa. Con tôm độc canh dần bấp bênh, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, một số người dân mạnh dạn đưa vụ lúa trở lại trên vuông tôm và cho thấy hiệu quả tích cực. Ðến năm 2016, Trí Lực đã phục hồi vụ lúa - tôm hầu như trên toàn bộ diện tích đất sản xuất. Ðây cũng là lựa chọn quan trọng nhất để định hình, mở ra hướng đi đúng đắn của Trí Lực trong hành trình phát triển.

Theo ông Sữa: “Lúa - tôm là mô hình phù hợp rồi, nhưng cần phải có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để có đột phá và bền vững”. Mùa vụ 2022, trong hơn 1.700 ha đất trồng lúa của Trí Lực, 100% nông dân chọn giống lúa chất lượng cao là ST24 và ST25, sản xuất theo quy chuẩn lúa sạch. Ðáng chú ý là trong 300 ha lúa hữu cơ của địa phương, có 120 ha lúa hữu cơ đã được công nhận theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu. Sự ra đời của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trở thành cú hích lớn cho lúa gạo Trí Lực.

Ðóng bao bì gạo sạch OCOP 3 sao Hoàng Yến tại HTX Trí Lực.

Ông Lê Văn Mưa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực, cho biết: “HTX liên kết sản xuất với hơn 450 hộ nông dân, với khoảng 600 ha vùng lúa sạch nguyên liệu, trong đó có 65 ha lúa hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Toàn bộ sản lượng lúa của bà con được bao tiêu với giá cả ký kết hợp đồng từ đối tác là Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (An Giang)”.

Ông Hà Minh Sữa cho biết thêm: “Các HTX của địa phương là HTX Trí Lực và HTX Ðoàn Phát đã phát huy được vai trò lớn trong tổ chức chuỗi liên kết sản xuất của địa phương. Bình quân, tổng sản lượng lúa hàng năm của Trí Lực khoảng 10.000 tấn, toàn bộ đều được bao tiêu theo hợp đồng bởi các đối tác lớn, giá cả đảm bảo. Bà con trồng lúa cũng không còn băn khoăn với điệp khúc được mùa, mất giá nữa”.

Chưa dừng lại ở đó, lúa gạo Trí Lực tiếp tục có thêm niềm tự hào là sản phẩm gạo sạch Hoàng Yến đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2020. Theo ông Mưa, thương hiệu gạo Hoàng Yến đã đứng chân vững chắc trên các kệ hàng ở thị trường nội địa. Dự định tiếp theo của HTX Trí Lực là sớm nâng hạng OCOP gạo sạch Hoàng Yến, tiến ra thị trường quốc tế. Hiện tại, đã có đối tác Thái Lan đặt vấn đề, đưa ra các điều khoản hợp đồng để gạo Hoàng Yến xuất ngoại. “Rất khả quan, và như thế, gạo Hoàng Yến sắp tới không chỉ là gạo sạch mà là gạo hữu cơ, không chỉ người dân trong nước tiêu thụ mà sẽ còn được người nước ngoài lựa chọn”, ông Mưa tự tin.

Tính toán cho con tôm càng xanh

Lúa gạo đã có hướng đi triển vọng, thế nên vấn đề nâng cao giá trị của con tôm càng xanh là điều mà Trí Lực đang ráo riết tìm giải pháp. Diện tích thực tế nuôi tôm càng xanh dưới chân ruộng lúa của địa phương là hơn 2.400 ha, với sản lượng khoảng 450 kg/ha/vụ, nhẩm tính sản lượng bình quân của con tôm càng xanh ở Trí Lực trên dưới 1.000 tấn mỗi vụ. Tuy nhiên, thị trường, giá cả của tôm càng xanh vẫn là vấn đề khó của người nông dân.

Ông Hà Minh Sữa cho biết: “Tôm càng xanh không được bao tiêu, giá cả trồi sụt theo thị trường, nên phải làm sao để nâng cao giá trị, đảm bảo đầu ra và lợi nhuận cho nông dân là những điều hết sức cấp thiết”. Theo đó, vùng nguyên liệu tôm của Trí Lực, trong đó có diện tích tôm càng xanh đang phấn đấu thực hiện đạt chứng nhận ASC của châu Âu với sự hỗ trợ của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú. Dự kiến giai đoạn đầu, Trí Lực sẽ có vùng nguyên liệu tôm sạch hơn 550 ha. Ðồng thời, xã đang thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh kích cỡ lớn, thực hiện nuôi tôm càng xanh quanh năm.

Vụ tôm càng xanh thắng lớn năm 2021 của Trí Lực. (Trong ảnh: Người dân Ấp 9, xã Trí Lực, thu hoạch tôm càng xanh).

Ðể tính toán hướng đi cho con tôm càng xanh, HTX Trí Lực đã xúc tiến thương thảo thị trường đầu ra, tiến tới bao tiêu mặt hàng này cho bà con. Ngay những ngày đầu vụ mùa, một đoàn đối tác của Hàn Quốc đã tìm về tận vùng nguyên liệu tôm càng xanh Trí Lực để tìm hiểu thị trường, xúc tiến việc ký kết hợp đồng. Ðiều mà đối tác phía Hàn Quốc quan tâm là con tôm càng xanh ở đây có sạch, có đảm bảo các điều kiện xuất khẩu hay không, vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định hay không. Ông Mưa thông tin rằng: “Chất lượng con tôm càng xanh vùng Trí Lực thì không phải băn khoăn. Diện tích và sản lượng luôn đảm bảo cho các đơn hàng nếu đúng vụ. Cái khó là con tôm càng xanh hiện nay chỉ theo vụ, chớ không có quanh năm”.

Tuy nhiên, với yêu cầu của phía đối tác Hàn Quốc là cung cấp nguồn hàng liên tục trên 20 tấn/tháng, kích cỡ tôm càng xanh từ 10-15 con/kg, HTX Trí Lực nhận thấy không phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của địa phương, nên đành hẹn cơ hội hợp tác khác. Ông Mưa chia sẻ: “Từ câu chuyện này, cũng là gợi mở để bà con mình tổ chức sản xuất phù hợp hơn, chuyên nghiệp hơn nếu muốn nắm bắt những cơ hội lớn. Trước mắt, HTX Trí Lực sẽ đẩy mạnh xúc tiến, tìm đầu ra cho con tôm càng xanh ở thị trường phù hợp. Hy vọng tôm càng xanh sẽ sớm như lúa gạo, vươn mình đi xa hơn nữa, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa cho người dân”.

Trí Lực đã trở thành gợi ý đầy cảm hứng cho hình mẫu phát triển bền vững của nông nghiệp - nông dân - nông thôn Cà Mau. Hướng sản xuất sạch, nông sản sạch, tạo chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi gia tăng giá trị đã mang lại lợi ích kinh tế, làm giàu cho nông dân, cho địa phương và những cơ hội lớn để tạo thế đột phá phát triển. Quan trọng hơn, đó còn là niềm tin trọn vẹn, sự đồng thuận cao độ của Nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương.

Trí Lực lại ước hẹn một vụ mùa lúa - tôm càng xanh bội thu năm 2022 với dạt dào khát vọng phát triển và niềm tự hào nông sản sạch, nông sản làm giàu của quê hương./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành

(CMO) Ngày 17/8, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành.

Khởi sắc những tuyến dân cư kiểu mẫu

Những ngày này, xuôi xe về các xóm, ấp trong huyện Cái Nước, lòng bỗng thấy phấn khởi vì làng quê có nhiều thay đổi. Những tuyến dân cư kiểu mẫu hiện ra như khoác lên làng quê chiếc áo mới. Ðó là thành quả từ sự chung tay góp sức của Nhân dân xây dựng quê hương.

Khởi sắc Nguyễn Huân

Địa bàn rộng lại nằm xa trung tâm huyện, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế của người dân trong xã có bước tiến rõ nét, nhiều mô hình kinh tế kết hợp mang lại hiệu quả cao đang mở hướng phát triển mới cho xã trong thời gian tới.

Năm Căn trên đường phát triển

Năm Căn là một huyện được thụ hưởng nhiều công trình của Trung ương, của tỉnh đầu tư về cơ sở hạ tầng để tạo đà phát triển mạnh về kinh tế. Các công trình có tính chiến lược như: sân bay, cảng biển, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh. Ðặc biệt, Năm Căn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Năm Căn với diện tích 11.000 ha, tỉnh Cà Mau phê duyệt Cụm công nghiệp Năm Căn trên 2.000 ha và Năm Căn còn được xác định là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau.

Rộn ràng Xóm Mới

Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bởi cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Xác định được khó khăn này, người dân ấp Xóm Mới, xã Đất Mới, huyện Năm Căn đã tự nguyện góp tiền để xây dựng hơn 1.000 m lộ để đấu nối đến thị trấn Năm Căn và một số xã lân cận. Không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước là việc làm đáng được biểu dương, nhân rộng.

Tạo đà xây dựng nông thôn mới

“Xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Tân Thành đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trương Huỳnh Lãm nhận định.

Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới

Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần bảo vệ an ninh - quốc phòng ngày càng vững chắc. Thời gian qua, bên cạnh tập trung củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, Ðảng uỷ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cái Nước còn triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”.

Điều tra vốn đầu tư làm cơ sở định hướng phát triển

Ông Nguyễn Văn Bé, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Cà Mau, cho biết, điều tra vốn đầu tư phát triển năm 2015 nhằm thu thập thông tin về tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển năm 2014, năng lực vốn tăng của dự án, công trình hoàn thành trong năm 2014 và năng lực sản xuất chủ yếu hiện có của các thành phần kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh.

Niềm vui trên cánh đồng lúa - tôm càng xanh

Tận dụng điều kiện thực tế của địa phương, nhiều năm qua huyện Thới Bình đã phát triển nhiều mô hình kinh tế đa cây, đa con mang lại thu nhập cao. Trong đó, mô hình lúa - tôm càng xanh ngày càng khẳng định được vị thế trên đồng đất Thới Bình.

Hiệu quả từ trồng dây thuốc cá

Năm Căn là vùng đất phèn, mặn, việc trồng cây gì, nuôi con nào cũng cần có thời gian thử nghiệm. Ở xã Đất Mới, bà con đã thêm cây thuốc cá vào “danh sách vàng” những cây hiệu quả.