Đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền khoảng 33 km về hướng Tây Nam, thuộc Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Tổng diện tích đảo 70 ha, vùng biển rộng 1.928 km2 thích hợp cho việc đánh bắt và nuôi các loại thuỷ sản, đặc biệt là nuôi cá bớp trong lồng bè. Trên đảo có 46 hộ dân sinh sống, nhiều hộ làm nghề nuôi cá bớp lồng bè đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nghề nuôi cá bớp lồng bè ở đảo Hòn Chuối. Lồng nuôi cần đặt ở vùng eo, vịnh hay mặt sau của đảo, tránh sóng to, gió lớn làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn.
Tiên phong ra đảo Hòn Chuối nuôi cá bớp lồng bè có ông Lê Văn Út, Lê Văn Dũ, bà Huỳnh Thuý Kiều... ban đầu nuôi thử nghiệm vài lồng bè, thấy có lãi nên dần dần mở rộng. Nay mỗi hộ có hàng chục bè nuôi hàng ngàn con cá giống, đem lại lợi nhuận cao; từ đó, hình thành nên làng nghề nuôi cá bớp sôi động nơi đảo tiền tiêu.
Thượng tá Đoàn Công Nghiệp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, thông tin: "Nuôi cá bớp lồng bè là một trong những nghề chính của người dân trên đảo, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, cá bớp tại lồng bè giá 175 ngàn đồng/kg, người nuôi có lãi cao".
Thường người dân mua cá tạp còn tươi của ngư dân đánh bắt quanh đảo cho cá bớp ăn. Khi cá đạt trọng lượng từ 1-2 kg/con trở lên, có thể cho ăn cá tạp nguyên con cỡ 10-15 cm.
Trên đảo hiện có gần 30 hộ nuôi khoảng 200 bè, với hàng chục ngàn con cá bớp giống. Loại cá này thích hợp nuôi ở vùng biển kín sóng gió, vì vậy theo từng mùa mà bà con trên đảo di chuyển lồng bè quanh đảo, tránh sóng to, gió lớn, rất vất vả.
Để nghề nuôi cá bớp phát triển mạnh, rất mong các ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư vốn và bao tiêu đầu ra, giúp người dân trên đảo an tâm sản xuất, phát triển kinh tế và góp phần cùng lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo Tổ quốc.
Ông Nguyễn Minh Nhứt (bên phải), Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời, khảo sát mô hình nuôi cá lồng bè quanh đảo Hòn Chuối.
Ông Lê Văn Phú vận chuyển cá bớp nuôi từ Hòn Chuối vào Cảng cá Sông Đốc bán cho thương lái.
Huỳnh Lâm thực hiện