(CMO) Đó là nhận định của các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo khoa học phát triển tôm càng xanh, xen canh trên diện tích lúa sạch, an toàn, nâng cao giá trị nông sản vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức vào chiều ngày 6/11.
Với hơn 300 ngàn ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có khoảng 280 ngàn ha nuôi tôm, sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt khoảng 190 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD. Ngoài các loại hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống. Hiện toàn tỉnh có khoảng 80 ngàn ha rừng tôm và khoảng 40 ngàn ha tôm - lúa đang tạo ra sản phẩm sạch, hữu cơ được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận, như UE, Naturland, Bio Suisse, BAP, ASC… được trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ ưu chuộng.
Mô hình sản xuất lúa tôm đang tạo ra sản phẩm sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, diện tích sản xuất tôm lúa trong tỉnh sẽ nâng lên trên 50 ngàn ha. Bên cạnh thế mạnh về tôm nuôi, lĩnh vực sản xuất lúa của Cà Mau có những đặc điểm riêng so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Quan điểm của tỉnh không xem nặng về năng suất mà luôn quan tâm đến sản xuất sạch, hữu cơ. Qua khảo nghiệm thực tế cho thấy lúa, gạo của Cà Mau có hàm lượng dinh dưỡng cao, trong đó đặc biệt là lúa- tôm.
Theo thống kê, năm 2019 toàn tỉnh có khoảng 18.300 ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau, năng suất tôm đạt gần 250kg/ha, lúa đạt trên 4,3 tấn/ha. Theo tính toán sơ bộ, chi phí bình quân cho sản xuất 1 ha từ 5 – 10 triệu đồng, trong khi đó cho thu nhập bình quân đạt từ 25 – 30 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt từ 15 – 20 triệu đồng. Mô hình sản xuất tôm càng xanh xem canh trên diện tích lúa sạch, an toàn, đã được khẳng định là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm sinh thái- hữu cơ, chất lượng, giá trị cao, được thị trường ưa chuộng. Đây là mô hình kết hợp nhiều đối tượng, nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất, không gây ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cà Mau có khoảng 18.300 ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa Ảnh: Thanh Trà
Tuy nhiên, hiện nay mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, giá cả đầu ra không ổn định, đầu vào luôn biến động theo hướng bất lợi cho sản xuất. Đặc biệt, nguồn vốn và con giống còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Hôi thảo còn dành nhiều thời gian để các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân thảo luận tìm giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất tôm càng xanh xen canh trên diện tích lúa sạch, an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm./.
Trung Đỉnh