(CMO) LTS: Tuy công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; song, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ đô thị hoá nhanh, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, một số nơi có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh. Loạt bài "Phát triển không đánh đổi môi trường" góp thêm góc nhìn về thực trạng môi trường từ thành thị đến nông thôn; từ sản xuất, nuôi trồng đến chế biến... trên địa bàn tỉnh và hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, với quyết tâm "không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế".
Bài 1: Lợi ích và xung đột
Môi trường được xem là nền tảng cho sự phát triển, đồng thời phát triển kinh tế tạo điều kiện cho việc cải thiện môi trường. Do đó, hai phạm trù này có sự tương quan mật thiết với nhau. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ này có sự gia tăng xung đột đáng kể.
Sai phạm vẫn diễn tiến
Toàn tỉnh có 39 nhà máy của 29 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 20.000 công nhân, người lao động, xuất khẩu thuỷ sản mang về 1,2 tỷ USD mỗi năm. Song, vấn nạn ô nhiễm từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp; nước thải, rác thải, mùi hôi... chưa được xử lý triệt để gây nhiều bức xúc, bất cập trong đời sống Nhân dân. Ðó là hệ luỵ của vấn đề phát triển kinh tế không theo quy hoạch ảnh hưởng đến chiến lược phát triển hài hoà, bền vững...
Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên; đồng thời, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, không ngừng cải thiện chất lượng môi trường sống, góp phần thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, ngày 10/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Từ đó, công tác bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống các hành vi xâm hại đến môi trường luôn được các ngành, các cấp quán triệt thực hiện với mục tiêu phát triển không đánh đổi.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều nguồn thải từ hoạt động nuôi tôm và chế biến thuỷ sản, các loại hình sản xuất có xả thải phân bố khắp các địa bàn trong tỉnh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Riêng khoảng thời gian năm 2020-30/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Cà Mau đã xử phạt 12 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền 1 tỷ 713 triệu 500 ngàn đồng (năm 2020 xử phạt 10 trường hợp, với tổng số tiền 915 triệu 500 ngàn đồng; 6 tháng đầu năm 2021 xử phạt 2 trường hợp, với tổng số tiền 798 triệu đồng). Cấp huyện, thành phố trong thời gian này cũng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với số tiền 192 triệu đồng.
Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua vi phạm liên quan đến môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuỷ sản tại nhiều nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn vẫn còn diễn ra. |
Vấn nạn từ “siêu thâm canh”
Vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề nóng rất được dư luận quan tâm. Với ưu thế năng suất cao lại có nhiều cơ chế chính sách đãi ngộ nên nhiều hộ nông dân lựa chọn mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là “chiến lược” phát triển kinh tế gia đình. Chỉ với hơn 3.000 ha vào năm 2017, đến nay có hơn 10.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh trên toàn tỉnh. Tập trung đông tại các huyện Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn, Ðầm Dơi và TP Cà Mau.
Cùng với sự tăng đột biến của diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là nỗi lo về ô nhiễm môi trường. Vấn nạn xả thải trực tiếp ra môi trường là nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, đe doạ đến tính bền vững của nghề nuôi tôm tại địa phương.
Cùng với sự tăng đột biến diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là nỗi lo về ô nhiễm môi trường. |
Ông Thái Ngọc Thắng, ấp Xóm Lớn Trong, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, ngao ngán mỗi khi nhắc đến nuôi tôm công nghiệp và tôm siêu thâm canh. Bởi, chính ông là người nuôi tôm truyền thống đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tình trạng nuôi tôm siêu thâm canh tự phát ngoài vùng quy hoạch. “Tôi có 4 ha nuôi tôm truyền thống nhưng 2 năm nay mỗi con nước xổ tôm kiếm chưa ra chục triệu đồng. Từ khi mấy đầm tôm lân cận chuyển sang nuôi trải bạt theo mô hình siêu thâm canh thì vuông tôi cứ lấy nước vào là tôm chết. Vì mỗi lần họ xả nước từ đầm tôm ra sông là thối đen cả một khúc sông”.
Theo quy định tại Cà Mau, hộ dân muốn triển khai nuôi tôm siêu thâm canh không chỉ thực hiện việc đăng ký mà phải đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường, không được gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi lân cận. Một điều bắt buộc là trong khuôn viên nuôi phải có hệ thống xử lý, như ao ươm, ao tôm thịt và ao lắng. Bên cạnh đó, khu xử lý chất thải phải thật sự hoàn chỉnh từ ao chứa chất thải, chứa bùn kết hợp hệ thống xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường.
Mặc dù quy định khá khắt khe đối với việc nuôi tôm siêu thâm canh, nhưng trên thực tế vi phạm lại khá phổ biến. Hành vi vi phạm này xuất hiện hầu hết ở các địa phương vừa nêu.
Theo quy định trong nuôi tôm siêu thâm canh, khu xử lý chất thải phải đúng quy trình. Tuy nhiên, qua kiểm tra, vi phạm này vẫn khá phổ biến. |
Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Tân Nguyễn Văn Non cho biết: “Hiện tại nước mặt ở một số khu vực nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn có nguy cơ ô nhiễm cao do cơ sở nuôi lén lút xả nước thải, chất thải không qua xử lý ra môi trường bên ngoài. Qua kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp vi phạm”.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân Nguyễn Văn Kha nhìn nhận: “Việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường tại các hộ nuôi tôm vẫn còn diễn ra. Việc xử lý gặp nhiều khó khăn do các hộ nuôi cố tình vi phạm thường tìm mọi cách để qua mặt lực lượng, tổ giám sát”./.
Phong Phú - Văn Ðum
BÀI 2: HUÊ LỢI VÀ “LỖ HỔNG” QUẢN LÝ