Trồng nấm rơm vốn là nghề quen thuộc từ lâu của nông dân. Sau khi thu hoạch lúa xong, nhiều nông dân đã tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn để trồng nấm, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Giờ đây, nhờ có thêm ứng dụng cơ giới hoá trong khâu thu hoạch lúa, sản lượng rơm thu gom được nhiều, từ đó việc dùng rơm rạ trồng nấm ngày càng phát triển ở nhiều địa phương. Ðiển hình như tại xã Khánh Hưng, một trong những vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời, với tổng diện tích sản xuất lúa 2 vụ và trồng màu hơn 3.000 ha.
- “Thủ lĩnh” của mô hình kinh tế tập thể
- Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân
- Khởi sự kinh doanh với mô hình kinh tế tại gia
Xã Khánh Hưng ra mắt Chi hội nghề nghiệp Trồng nấm rơm tại ấp Nhà Máy B, với 20 thành viên tham gia.
Thu hoạch lúa xong, nông dân thu gom nguồn rơm rạ về để trồng nấm rơm. Trước đây, thấy nấm rơm có giá trị kinh tế cao, đa phần nông dân tự phát trồng, nhưng do không nắm được kỹ thuật chăm sóc, ủ meo, phòng trừ các loại bệnh trên nấm nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Ông Phạm Quốc Tuấn, ấp Nhà Máy B, chia sẻ: “Nhiều năm trước, thấy giá trị nấm rơm cao, giá bán trung bình từ 45-50 ngàn đồng/kg nên tôi tự tìm mua nguồn giống trên mạng về trồng thử. Những lần thử nghiệm đầu, nấm phát triển khá tốt, nhưng do tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên dần dần hiệu quả không cao, chỉ trồng được vài vụ là ngưng”.
Ðể khôi phục nghề trồng nấm rơm, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, vừa qua, Hội Nông dân xã Khánh Hưng phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập Chi hội nghề nghiệp Trồng nấm rơm tại ấp Nhà Máy B. Chi hội hoạt động trên tinh thần tự nguyện, có 20 thành viên tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ vay 30 triệu đồng để làm vốn đầu tư trồng nấm. Theo nhu cầu của các thành viên, đến nay, tổng nguồn vốn đã hỗ trợ cho các hộ vay là 300 triệu đồng, trích từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện.
Nông dân tranh thủ thu gom rơm sau khi thu hoạch lúa để chuẩn bị ủ meo trồng nấm.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hưng, cho biết: “Mục đích của việc thành lập và ra mắt Chi hội nghề nghiệp Trồng nấm rơm nhằm làm thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm, tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương để tạo thêm thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó, tạo sự đoàn kết trong hội viên, hợp tác sản xuất cùng sản phẩm; giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ liên hệ nguồn giống và đầu ra sản phẩm, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động sản xuất”.
Ông Phạm Minh Nguyện, ấp Nhà Máy B, cho biết, nghề trồng nấm rơm đã có từ hơn 20 năm qua, lúc đó việc trồng nấm rơm của gia đình ông và các hộ dân nơi đây chủ yếu theo mùa vụ lúa, khi lúa thu hoạch xong mới tận dụng lượng rơm đó để trồng nấm. Nhưng do lúa thu hoạch bằng phương pháp thủ công, lượng rơm thu được hạn chế nên khi trồng, sản lượng nấm sau thu hoạch không nhiều.
“Tuy nhiên, kể từ ngày có máy gặt đập liên hợp, nguồn rơm sau thu hoạch lúa dồi dào. Hiện tại, trong chi hội cũng có thêm máy thu cuộn rơm, các hộ trong chi hội sẽ hỗ trợ nhau thu gom cuộn rơm sau khi thu hoạch lúa xong. Hộ nào thu hoạch trước, chúng tôi sẽ hỗ trợ hộ đó ủ rơm để cấy meo trước. Với số vốn được hỗ trợ vay, mỗi hộ sẽ đầu tư 200 cuộn rơm và meo để trồng trong vụ nấm đợt này”, ông Nguyện cho biết thêm.
Nấm rơm sau khi ủ khoảng 10 ngày sẽ cho thu hoạch.
Hiện tại, nông dân trong Chi hội nghề nghiệp Trồng nấm rơm ấp Nhà Máy B, xã Khánh Hưng phấn khởi chờ đợi vụ mùa đầu tiên của chi hội. Bước đầu, chi hội đi vào hoạt động sẽ tận dụng thế mạnh vùng ngọt hoá của địa phương, tạo điều kiện để phát triển nghề trồng nấm rơm đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân./.
Minh Khôi