(CMO) Cùng với các địa phương trong tỉnh, nhiều sản phẩm trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đang được quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Ðây là cơ hội khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, đồng thời giúp nông dân phát huy nghề truyền thống, từng bước nâng chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập đáng kể cho gia đình.
Bánh phồng tôm, bánh phồng mít của HTX nuôi trồng thuỷ sản Hồng Hoa, ấp Ðồng Tâm B, xã Tân Duyệt dự kiến tham gia sản phẩm OCOP năm 2021. |
Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, yếu tố thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần xây dựng NTM, những năm qua, huyện Ðầm Dơi tích cực triển khai, hướng dẫn chủ thể tham gia sản phẩm OCOP trên nền tảng nghề truyền thống sẵn có của gia đình chủ thể và thế mạnh của địa phương, giúp chủ thể nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập.
Anh Trần Minh Ðức, Chủ tịch HÐQT, kiêm Giám đốc HTX Minh Ðức, ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, cho biết, gia đình anh có 4 anh em làm nghề tôm khô gia truyền, tính đến nay đã trên 20 năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm, cùng với sức cạnh tranh từ nhiều cơ sở sản xuất tôm khô trong và ngoài tỉnh, dẫn đến sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ðến lúc cần phải nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hợp tác liên kết trong sản xuất mới mong có đầu ra và thu nhập ổn định. Chính vì thế, anh quyết định tham gia sản phẩm OCOP.
Theo đó, HTX Minh Ðức đã được Sở Công thương hỗ trợ 50% tổng kinh phí mua lò sấy năng lượng mặt trời (chi phí 450 triệu đồng), đồng thời, UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các thủ tục để HTX đăng ký sản phẩm “tôm khô ướp gia vị” đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm nay.
HTX Minh Ðức được Sở Công thương hỗ trợ 50% tổng kinh phí mua lò sấy năng lượng mặt trời (chi phí 450 triệu đồng), HTX dự kiến sẽ đăng ký sản phẩm “tôm khô ướp gia vị” đạt chuẩn Ocop 3 sao trong năm nay. |
Năm 2020, HTX tôm khô Sông Ðầm, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi cũng được Sở Công thương tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư lò sấy năng lượng mặt trời, cùng sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành có liên quan trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, tạo điều kiện để HTX hoàn thiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa 2 sản phẩm tôm khô và tôm chà bông đạt chuẩn OCOP năm 2020.
Anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX tôm khô Sông Ðầm, cho biết: "Những năm qua, Phòng Nông nghiệp huyện kết hợp cùng các ngành chức năng cấp tỉnh tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ thể trên địa bàn huyện tham gia các lớp tập huấn, nắm vững kiến thức và các bước để hoàn thiện sản phẩm OCOP như: thẩm định yếu tố an toàn về môi trường xung quanh và nơi sản xuất; chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; tem truy xuất nguồn gốc; phương thức đóng gói, bảo quản đáp ứng yêu cầu đối với sản phẩm chuẩn OCOP... Từ đó, cá thể tham gia sản phẩm OCOP rất thuận lợi và khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP góp phần rất lớn giúp HTX nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả hoạt động của HTX được duy trì, phát triển bền vững”.
Năm 2021, HTX tôm khô Sông Ðầm sẽ đăng ký thêm 2 sản phẩm: mắm tôm; tôm sú, thẻ ép đạt chuẩn OCOP. Ðến nay, HTX đã hoàn thiện 80% hồ sơ cho 2 sản phẩm trên và mong dịch Covid-19 sớm được khống chế để ra hội đồng thẩm định, cũng như góp phần cho hoạt động kinh doanh mua bán được trở lại bình thường như trước đây”, anh Lê Minh Sang cho biết thêm.
Sản phẩm tôm khô và tôm chà bông của HTX tôm khô Sông Ðầm đạt chuẩn OCOP năm 2020. |
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðầm Dơi Huỳnh Nhật Trường cho biết: “Sự quan tâm của Huyện uỷ, UBND huyện phối hợp với các ban, ngành, các xã, thị trấn góp phần khơi dậy tiềm năng từ các sản phẩm đặc trưng của huyện. Các chủ thể tham gia OCOP cũng đã tích cực nghiên cứu thị trường, nhu cầu sản phẩm, yêu cầu của các nhà phân phối, đại lý để phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Cơ sở, thiết bị máy móc được các chủ thể mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm, hội đủ điều kiện vào sân OCOP. Việc triển khai Chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho người sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm vốn là lợi thế của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng ý thức vươn lên của chủ thể tham gia OCOP, năm 2020, huyện Ðầm Dơi có 6 sản phẩm của 4 chủ thể tham gia OCOP đạt chuẩn 3 sao gồm: 2 sản phẩm tôm khô; tôm rang, ba khía muối và chả cá phi. Dự kiến năm 2021, huyện sẽ có thêm 6 sản phẩm nữa tham gia OCOP. Ðến thời điểm này, có 5 sản phẩm của 2 chủ thể được tổ giúp việc tiến hành chấm điểm, hoàn tất hồ sơ trình Hội đồng thẩm định huyện, gồm các sản phẩm: 3 sản phẩm từ da cá sấu, ruốc xào và mắm cá mào gà…. Kết quả trên là tiền đề quan trọng để huyện Ðầm Dơi tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, mức sống cho gia đình vùng nông thôn./.
Loan Phương