Hiện nay đang thời điểm giao mùa, xuất hiện nhiều cơn mưa làm ảnh hưởng đến tôm nuôi. Ngoài việc người dân ý thức trong chăm sóc tôm nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, ngành chuyên môn cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để vụ nuôi đạt hiệu quả.
- Nuôi tôm siêu thâm canh quy trình mới
- Nuôi tôm thích ứng với hạn mặn
- Siết chặt quản lý chất lượng tôm giống
Tại xã Hoà Tân, nơi nuôi tôm siêu thâm canh, quảng canh cải tiến trọng điểm của TP Cà Mau, bà con chủ động xử lý ao nuôi, đo độ pH, độ kiềm, độ mặn thường xuyên... để phòng ngừa dịch bệnh.
Anh Ngô Quang Ðầy, ấp Cái Su, xã Hoà Tân, có 1 ha nuôi tôm siêu thâm canh khép kín (gồm 1 ao dèo, 1 ao nuôi, 2 ao chứa nước và 1 ao chứa chất thải), nhờ chủ động trước diễn biến thời tiết mà những năm qua mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của anh luôn đạt hiệu quả cao.
Anh Ðầy cho biết: “Mùa mưa này phải giữ cho môi trường ổn định, càng ít biến động thì con tôm ít sinh bệnh. Tôi thường sử dụng vôi nóng, vôi canxi, bổ sung thêm cali với magie; nếu có khoáng hữu cơ thì bổ sung thêm. Còn vi sinh thì phải sử dụng hằng ngày”.
Thời điểm giao mùa, bà con cần tạt vôi, khoáng, chế phẩm sinh học… trên ao nuôi tôm quảng canh cải tiến (với liều lượng cho phép) giúp điều hoà môi trường nước.
Thời gian qua, nhiều nông dân nuôi tôm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Kinh tế TP Cà Mau... tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, quảng canh cải tiến ít thay nước, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Thời điểm giao mùa này, bà con đã vận dụng nhiều phương pháp, đặc biệt là sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để phòng bệnh trên tôm nuôi.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Kinh tế TP Cà Mau… tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con về nuôi tôm siêu thâm canh, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn…
Hiện xã Hoà Tân có hơn 1.500 ha nuôi tôm quảng canh và hơn 100 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Bên cạnh đó, còn có 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác, 1 hội quán nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến, đây là điều kiện để người nuôi tôm trao đổi kinh nghiệm, cùng phát triển nghề nuôi tôm truyền thống.
Ông Trần Văn Việt, xã Hoà Tân, chia sẻ: “Mưa đầu mùa này, tôi dùng 2 bao vôi Dolomite, 1 bao canxi, 2 bịt khoáng (ủ 1 đêm) để tạt. Yếu tố môi trường thời điểm giao mùa rất biến động, tôm bị ảnh hưởng nhiều lắm nên phải xử lý kịp thời”.
Chế phẩm sinh học bà con tự ủ là phương pháp phổ biến để xử lý môi trường nước thời điểm giao mùa.
Bên cạnh đó, những đám mưa bất chợt, thời tiết oi bức, lượng oxy thiếu hụt lớn, nên bà con cần tăng cường chạy quạt, sụt khí đảo nước để cung cấp oxy cho tôm.
Nông dân xã Hoà Tân thường xuyên kiểm tra độ pH, độ mặn trên ao nuôi tôm siêu thâm canh.
Kỹ sư Trần Thanh Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khuyến cáo: “Thời điểm giao mùa, bà con nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh phải chuẩn bị sẵn một số hoá chất như vôi, oxy hoà tan... Riêng vuông quảng canh chuẩn bị vôi, khoáng, vi sinh..., khi có mưa thì hoà vào nước tạt xuống. Kịp thời báo với cán bộ nông nghiệp ở địa phương khi có chuyển biến khác lạ trong ao tôm”.
Theo Phòng Kinh tế TP Cà Mau, dự báo thời gian tới sẽ có những đám mưa bất chợt, thậm chí mưa nhiều, vì thế bà con cần theo dõi thời tiết, khí tượng thuỷ văn; gia cố bờ bao nuôi tôm; thức ăn cho tôm phải được kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn cho tôm nuôi. Các hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm cần thông tin cho hội viên nắm bắt được tình hình thời tiết, để khống chế khi lượng mưa nhiều trên diện rộng. Phòng Kinh tế sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá và khống chế tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, không để lây lan ra nhiều diện tích./.
Nhật Minh