Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.
Cuộc tìm kiếm sau hơn 40 năm
Theo ông Lê Văn Tân, cựu HSMN, Irene và Monique là con ông Ernest Ouandie, nhà cách mạng Cameroon. Cha mẹ họ cùng hoạt động đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thống trị thực dân Pháp. Sau này ông được truy phong anh hùng dân tộc.
Khoảng năm 1960, bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sang Châu Phi dự hội nghị về phụ nữ. Có lẽ lường trước những hiểm nguy, nên vợ chồng nhà cách mạng Cameroon này tin tưởng gửi hai đứa con nhờ bà mang về Việt Nam nuôi dưỡng. Lúc đó hai chị em độ từ 3-5 tuổi.
Irene và Monique (mặc váy trắng, hàng đầu bên trái) thuở nhỏ. Người đứng giữa mặc áo dài sậm là bà Năm Ninh (vợ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh), Giám đốc Trại Nhi đồng miền Nam. (Ảnh Ban Liên lạc HSMN cung cấp).
Về Việt Nam, hai chị em được gửi vô Trại Nhi đồng miền Nam, do bà Năm Ninh (vợ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh) làm Giám đốc. Về sau, hai chị em được cho vào học tại các trường HSMN.
“Khi đó ai cũng nhỏ, lại trong điều kiện rất bí mật nên chỉ nghe loáng thoáng hai bạn này là con Tổng thống Congo là ông Lumumba. Gốc gác thật thì sau này mới biết”, ông Tân phân trần.
Sau ngày đất nước thống nhất, hai chị em được Nhà nước Việt Nam đưa sang Cuba học đại học, rồi họ dần mất liên lạc với bạn bè ở Việt Nam. Khi đã tuổi xế chiều, những cựu HSMN bắt đầu hành trình tìm lại họ. Không biết gì về nhân thân, không một dòng địa chỉ, việc tìm kiếm hết sức khó khăn.
Hy vọng nhen lên từ một bức thư tiếng Pháp do cha Irene gửi con, ký tên là Ernest Ouandie - cái tên trùng khớp với vị anh hùng dân tộc Cameroon bị hành quyết năm 1971 vì đấu tranh cho độc lập dân tộc. Bức thư được bà Hoàng Thu Hà tìm lại giữa đống kỷ vật cũ. Tuy vậy, thông tin về người anh hùng dân tộc Cameroon này rất ít ỏi.
Không bỏ cuộc, các cựu HSMN đã chia sẻ tin tức qua Facebook nhóm, qua các trang web, các trường đại học ở Cuba và các mạng xã hội khác... Ðồng thời, bằng những mối quan hệ cá nhân, họ nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, đài BBC, đại sứ quán Việt Nam khu vực Trung Phi hỗ trợ kiếm tìm.
Cuối cùng, họ đã tìm thấy nhau. Irene đang là bác sĩ sản khoa tại Guyana, còn Monique là bác sĩ nhi khoa ở Guadeloupe. Cuộc hội ngộ sau hơn bốn thập kỷ diễn ra trong niềm vui và những giọt nước mắt bùi ngùi...
Xúc động ngày về
Ðầu năm 2017, Monique trở về Việt Nam trong dịp họp mặt kỷ niệm 50 năm HSMN, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Trái tim bà vỡ oà trong vòng tay bạn bè cũ.
Bà chia sẻ: “Bản thân mình năm 2015 đã nói với các con, mẹ phải quay về Việt Nam. Lúc đó là 40 năm giải phóng đất nước. Nhưng rồi chưa sắp xếp được. Năm 2016 thì các bạn HSMN tìm được mình. Nó như phép màu. Tất cả xảy ra như ý trời, làm mình xúc động không tả được. Mình khóc suốt cả đêm”.
Từ lần trở lại đầu tiên ấy, Monique đã có thêm ba chuyến trở về quê hương thứ hai này, trong đó có lần cùng chị gái Irene. Chị em bà được bạn bè đưa thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người quen cũ. Lần trở về vào tháng 2 vừa qua, Monique đã đi dọc dài đất nước, xuống tận mũi Cà Mau.
Bà Monique thích thú chụp ảnh lưu niệm cùng bè bạn bên biểu tượng con cua tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau.
Bà Ðỗ Thị Ðông Xuân, Việt kiều Hungary (cũng là HSMN), chia sẻ: “Tôi và Monique hẹn nhau về Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì Monique chỉ có thể sắp xếp được thời gian sau Tết nên về vào tháng 2, không đợi đúng dịp 30/4”.
Bà Châu Nhật Sinh (HSMN) cũng cho biết, lần về này Monique đề xuất đi thăm các di tích, các vùng kháng chiến cũ. Vì cha Monique cũng là chiến sĩ chiến đấu cho độc lập dân tộc, Monique có sự đồng cảm và muốn hiểu biết hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.
Tại Cà Mau, Monique rất xúc động khi nghe kể về rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn một thời từng là căn cứ địa cách mạng. Bà cũng có được một trải nghiệm khó quên khi đi ca nô trên sông nước Cà Mau đến tận vùng Ðất Mũi; chụp hình lưu niệm tại cột Mốc toạ độ Quốc gia Mũi Cà Mau, bên rừng đước, tại mũi con tàu...
Cũng trong chuyến về Cà Mau này, qua giới thiệu của các bạn HSMN, Monique biết đến hoàn cảnh khó khăn của cô Ðỗ Thị Bảy (con gái má Lê Thị Sảnh, người bứng cây vú sữa cho má Sảnh gửi ra Bắc biếu Bác Hồ) và đã tặng cô Bảy 10 triệu đồng, để bày tỏ lòng tri ân và chia sẻ.
Bà Monique trao quà thể hiện sự sẻ chia và tri ân đối với cô Ðỗ Thị Bảy (con má Lê Thị Sảnh, người bứng cây vú sữa để má Sảnh gửi ra Bắc biếu Bác Hồ).
Tình yêu Việt Nam thầm lặng
Dù sống xa Việt Nam hơn 40 năm, Monique vẫn nói tiếng Việt khá tốt. Bên cạnh đó, bà vẫn nhớ ngày 30/4 là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và có ý định quay về trong dịp kỷ niệm 40 năm. Bà cũng tỏ ý trách cứ khi có người Việt Nam không biết ngày 17/2/1979 là ngày xảy ra chiến tranh biên giới Việt - Trung... Ðiều đó chứng tỏ bà rất quan tâm và coi Việt Nam như quê hương ruột thịt.
Các cựu HSMN kể, những chuyến trở về Việt Nam, Monique đều có các câu chuyện hài hước. Một lần đi thuyền thúng ở Hội An, khi người lái thuyền hỏi bằng tiếng Anh: “Mày từ đâu tới?”, bà đáp bằng tiếng Việt: “Từ Ðà Nẵng”, làm họ hết sức ngỡ ngàng. Hay có lần, ở một khu du lịch khác, khi thấy phụ nữ da đen nhẻm xuất hiện, có người tò mò: “Ê, mày từ đâu tới?”, bà trả lời: “Từ nước của mày!”, làm ai cũng bật cười vì khá bất ngờ.
Nhưng sau những tiếng cười ấy là tình cảm thiêng liêng bà âm thầm cất giữ. Trên Facebook bà viết: “Tôi khóc khi thấy mấy tấm hình. Tôi nhớ ngôi nhà với người mẹ và gia đình đã mang lại cho tôi cảm giác có một gia đình. Tôi không còn nhớ tên. Nhưng những ngày tháng đó đã tôi luyện sự tồn tại của tôi ngày hôm nay”.
Ðiều bè bạn hãnh diện về Monique và Irene là hồi nhỏ Irene học giỏi các môn tự nhiên, nhất là Toán, bà tham gia nhóm học sinh giỏi Toán của trường. Monique học giỏi các môn xã hội, lại có khiếu hài hước. Irene giỏi may vá, Monique giỏi nấu ăn.
Khi rời Việt Nam sang Cuba học tập, trong thời gian ngắn mà Monique và Irene đã nỗ lực đạt được rất nhiều thành quả. Chỉ với ít vốn tiếng Pháp, Irene và Monique đã phải học xong tiếng Tây Ban Nha tới trình độ có thể tiếp thu kiến thức y ở bậc đại học và học chuyên sâu. Sau khi ra trường mấy năm, họ đã có đủ trình độ tiếng Anh để được chấp thuận đăng ký hành nghề...
Câu chuyện về Irene và Monique không chỉ là hành trình tìm lại những người bạn cũ, mà còn là bản hoà ca lặng lẽ nhưng đầy xúc động về tình bạn vượt khoảng cách địa lý, vượt thời gian. Ðó cũng là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc rằng: Khi ta thật lòng đi tìm, chắc chắn sẽ gặp. Khi yêu thương được trao đi, yêu thương sẽ tìm về./.
Trang Thăm