ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 27-4-25 03:48:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ ngày lịch sử vẻ vang

Báo Cà Mau Năm mươi năm được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no hôm nay.

Tôi may mắn được gặp gỡ những người kháng chiến là giải phóng quân, là văn nghệ sĩ và nhiều ngành nghề khác trong thời điểm sau ngày hoà bình, được nghe kể về quá khứ hào hùng và cảm xúc trào dâng của họ trong những ngày vui đại thắng. Tôi đã ghi chép cẩn thận, để rồi hôm nay có dịp nhắc lại trên trang viết này dù những nhân chứng có người không còn nữa.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mong chờ bao nhiêu năm đã đến! Những giây phút vỡ oà hạnh phúc đã đến khi Đài phát thanh Sài Gòn loan tin Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng. Qua ngày hôm sau, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, bà con nông dân, thanh niên nam nữ từ vùng giải phóng ở tỉnh Cà Mau náo nức tiến về thị xã Cà Mau.

Tại Cà Mau, đêm 30/4/1975, quân ta tập trung lực lượng tiến công thị xã, kết hợp lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm các vị trí quan trọng. 5 giờ sáng 1/5, các mũi tiến công của ta đã vào nội ô thị xã kết hợp phong trào quần chúng nổi dậy giải phóng thị xã Cà Mau lúc 10 giờ ngày 1/5/1975. (Ảnh: TTXVN)

Tại Cà Mau, đêm 30/4/1975, quân ta tập trung lực lượng tiến công thị xã, kết hợp lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm các vị trí quan trọng. 5 giờ sáng 1/5, các mũi tiến công của ta đã vào nội ô thị xã kết hợp phong trào quần chúng nổi dậy giải phóng thị xã Cà Mau lúc 10 giờ ngày 1/5/1975. (Ảnh: TTXVN)

Tôi được nghe những người trong chiến khu kể lại cảm xúc của mình, họ đã trải qua những đêm không ngủ khi chuẩn bị một cuộc đối đầu, một trận đánh quyết định kết thúc chiến tranh. Nhưng  điều ấy không xảy ra mà đoàn quân chính trị, lực lượng vũ trang đã hiên ngang thẳng tiến vào các cơ quan đầu não của nguỵ quân, nguỵ quyền ở trung tâm tỉnh lỵ, không tốn một viên đạn nào.

“Một ký ức đẹp, một dấu ấn cực kỳ sâu sắc, niềm vinh quang to lớn, hạnh phúc vô bờ ….”, biết bao ngôn từ thật đẹp, thật tự hào được dùng để diễn tả niềm vui sướng trước sự đổi thay thần kỳ của lịch sử.

Buổi sáng tháng năm lịch sử

Sáng ngày 1/5/1975, những chiếc tàu, xuồng máy “giòng” theo sau nhiều chiếc xuồng ba lá đầy ấp người đổ về ngã ba Công Chánh, dưới chân cầu quay cũ, ngã ba Chùa Bà… thuận lợi nơi đâu thì ghé vô nơi đó.

Bỗng chốc thị xã Cà Mau đón lượng người đông chưa từng có. Chợ Cà Mau rợp cờ Mặt trận dân tộc giải phóng xanh đỏ sao vàng. Trên đường phố, những vị trí quan trọng ngập tràn băng rôn, khẩu hiệu. Bức chân dung Bác Hồ  được treo ở sân Bạch Đằng, trung tâm thị xã Cà Mau. Ồn ào, tấp nập như thế nhưng không hề xảy ra bất cứ biến cố  nào, bởi Uỷ ban Quân quản đã có kế hoạch cho sự kiện này rất chặt chẽ, nhanh chóng triển khai công tác giữ gìn, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội. Lực lượng vũ trang phối hợp với các đoàn thể quần chúng các cơ sở hoạt động nội thành và thanh niên tiến bộ đã làm tốt vai trò nòng cốt này.

Chợ Cà Mau, các hàng quán bày bán bình thường, chủ yếu phục vụ thị dân, còn cán bộ, chiến sĩ lúc đó thận trọng việc ăn uống, họ tự nấu ở cơ quan hay ăn tại nhà người quen, thân nhân. Ra đường chủ yếu là đi bộ, những anh lính trẻ tò mò, thích khám phá, nên chọn xe lôi, xe lam, xe ôm đi từ nơi này sang nơi khác để ngắm nhìn phố thị. Lúc đó ai mà chở bộ đội trên xe mình dạo phố đều thấy vinh dự lắm!

Nhà văn Nguyễn Thanh (Mười Thanh) lúc sinh thời kể lại: “Tim tôi đập rộn ràng khi nhìn thấy cây cầu bến đò Rạch Rập mà tuổi thơ tôi ngày hai lượt đi về… rồi bao kỷ niệm của thời thơ ấu. Không khí sôi sục, háo hức ngay thời điểm Ban biên tập, phóng viên, hoạ sĩ của Tạp chí Lúa Vàng nơi anh công tác, hoà vào dòng người từ  căn cứ Giáp Nước gồm nhiều cơ quan cấp tỉnh tiến ra bến đò Rạch Rập bằng xuồng máy, xuồng chèo, đi bộ… Đoàn người đi trong hân hoan, hối hả, hình dung một chút nữa thôi họ sẽ sống trong hạnh phúc  tột cùng khi “Đất trời đã về ta!”.

Nhà báo Nguyễn Minh (Minh Nối) cho biết: “Chiều ngày 1/5, loa truyền thanh trong thị xã Cà Mau đã vang lên tiếng nói cách mạng đầu tiên, người đọc bản tin đặc biệt này là ông Nguyễn Minh Gấm (Ba Gấm), Phó tiểu ban Tuyên truyền, ông dẫn mũi tiếp quản đài truyền thanh. Giọng đọc vừa hùng hồn, vừa truyền cảm bài xã luận “Nhiệt liệt chào mừng thị xã Cà Mau hoàn toàn giải phóng” do nhà báo Lê Hữu Nghiêm (Út Rô), Phó tiểu ban Thông tấn báo chí, viết ngay thời điểm hừng hực khí thế chiến thắng. Đây được xem là “chiến công” đầu tiên của Tiểu ban Tuyên truyền, để lại dấu ấn khó quên trong lòng người dân thị xã với lời xướng “Đây là đài phát thanh Cà Mau giải phóng”…”.

Các cơ quan hoạt động liên tục, đó là Uỷ ban Quân quản, Bưu điện, Nhà đèn, Bệnh viện… Lúc này Viễn thông Cà Mau chỉ có trên dưới 200 số, muốn điện thoại phải qua tổng đài chứ không quay số trực tiếp nên nhân viên phải trực 24/24.

Tuy chưa có trụ sở đầy đủ, phần lớn cán bộ dân chánh ở tạm nhà dân nhưng không vì thế mà hạn chế công việc. Còn bộ đội thì tập trung ở các doanh trại. Nhà báo Phạm Văn Tri nhớ lại những ngày đầu được bà con đón tiếp nồng nhiệt, chân tình và chu đáo, bà con dành cho cán bộ, chiến sĩ ta những gì tốt đẹp nhất mà họ có. Đối với giáo viên và học sinh không bao lâu đã thân quen, hoà nhập không còn e dè, lo lắng bởi họ được cán bộ tuyên truyền giải thích chủ trương, chính sách của cách mạng rất rõ ràng, hợp tình, hợp lý.

Nghệ sĩ Huỳnh Khánh nhắc về giây phút đội “cảm tử quân” gặp lại Đoàn Văn công trong thị xã: “Anh em ôm chầm nhau, mấy cô gái oà khóc trong vui mừng sum họp”. Diễn viên Thanh Xuân và Việt Tiên diễn tả, giây phút đó họ như trở về lứa tuổi 14-15, rồi bày tỏ: “Hồi đó, chỉ biết giải phóng rồi thì không bị máy bay bỏ bom, không bị biệt kích bắn giết bà con mình, chứ không hiểu được ý nghĩa lớn lao về độc lập đâu. Lần đầu tiên mấy tụi tui thấy phố phường, được đi chợ, nhìn xe chạy, món ăn thích nhất là cây cà rem, tối đến đèn điện sáng trưng, nhìn hoài không biết chán…”.

Cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh từng kể rằng: “Ngày đầu tiên tôi và mấy anh em Lê Thông, Đức Thượng, Biên Cương, Bình Đại,  Quang Thắng… là những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh đặt chân trên phố vừa quen vừa lạ, quen vì có anh đã từng sống ở đây, lạ đối với người lần đầu tiên chạm chân lên đường phố, nhưng tất cả đều cảm giác đây là chốn trở về.Trong thời khắc thiêng liêng này, các anh, chị rong ruỗi khắp nơi và khám phá rất nhiều điều thú vị”.

Hoạ sĩ Nguyễn Hiệp kể rằng, anh nhận nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ từ ngày 15/4 , lãnh đạo dặn dò rất kỹ để anh thể hiện tác phẩm. Bức chân dung vẽ chưa xong thì được lệnh hành quân từ Giáp Nước tiến về nơi tập kết, để tiếp cận nhanh khi thị xã Cà Mau giải phóng. Anh phải vừa hành quân vừa vẽ.

Hoạ sĩ Lê Việt Hồng, Giang Minh Chánh, Trần Thanh Hoàng… cũng tất bật để hoàn thành các bức tranh cổ động, khẩu hiệu và cả chân dung Bác Hồ để kịp phục vụ trong ngày giải phóng. Khi có lệnh hành quân, các anh đã sẵn sàng mọi thứ và hết sức phấn chấn. Anh Lê Việt Hồng vẫn nhớ như in hình ảnh những người lính nguỵ còn nguyên quân phục trên đường về quê, họ tay vẫy chào đoàn quân giải phóng dọc 2 bờ kênh Rạch Rập chiều 30/4.

Nhà báo Phạm Văn Tri cho biết một chi tiết lúc anh nhận nhiệm vụ từ người lãnh đạo là Nguyễn Kiên Định (Sáu Kiên), Trưởng tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, anh đã sắp đặt từng công việc để khi tiếp thu là triển khai ngay. Anh cho rằng, thời điểm này không còn việc gì quan trọng hơn, không còn vấn đề gì đáng quan tâm hơn, tất cả anh em nhà báo, văn nghệ sĩ toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt nhiệm vụ cho ngày tiếp quản thị xã Cà Mau.

Những ngày đầu tiên vào thị xã, đâu đâu cũng thấy hình bóng thân quen, gần gũi. Đó là anh bộ đội với mũ tai bèo, mang dép râu và bộ đồ lục quân màu cỏ úa. Đó là các chị trong bộ bà ba đằm thắm với chiếc khăn rằn thong dong trên phố xá. Thị xã Cà Mau lúc nào cũng tấp nập, đông vui, bà con trong quê ra chợ ăn mừng mang theo cá mắm, chuối, dừa, rau củ… gặp được một người sẽ tìm được nhiều người quen, nhiều bà con trong quê ra thành, ở lại cơ quan đôi ba ngày để có nhiều thời gian gặp gỡ, tìm kiếm nhiều anh em cán bộ, chiến sĩ đã từng gắn bó với làng xóm, gia đình mình trong vùng giải phóng.

Bến Năm Căn (Cà Mau) sau ngày giải phóng. (Ảnh TTXVN)

Bến Năm Căn (Cà Mau) sau ngày giải phóng. (Ảnh TTXVN)

Trong không khí ấm áp, sum vầy, hạnh phúc, nhiều gia đình có con em đi kháng chiến, những đồng chí hoạt động bí mật nhiều năm không biết mặt nhau, nay tay bắt mặt mừng. Bên cạnh nụ cười chiến thắng, tràn ngập niềm vinh quang lại có những dòng cảm xúc âm thầm lặng lẽ, những giọt nước mắt tuôn rơi vì nỗi đau thương, mất mát người thân trong cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm qua.

Mỗi người khi kể lại cảm xúc của mình đều bùi ngùi, tiếc thương đồng đội, người thân, bạn bè đã ngã xuống vì tự do, độc lập của dân tộc. Những người ở lại được sum vầy, cùng hưởng hoà bình thống nhất với trách nhiệm tiếp tục giữ gìn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải luôn trân trọng thành quả cách mạng được đổi bằng núi xương, sông máu.

Thắm tươi thành phố cực Nam

Năm mươi năm trôi qua, nhiều nhân chứng đã ra đi, người trẻ thời ấy bây giờ cũng đã cao niên, thế nhưng ký ức một thời máu lửa, những năm tháng hào hùng ấy cứ tươi mới trong trí nhớ và tình cảm của mỗi người. Mỗi lần có dịp gặp nhau trong các sự kiện lịch sử, trọng tâm của những câu chuyện thường là ký ức ở chiến trường, ở căn cứ, rồi chuyện của những ngày gian khó sau khi đất nước vừa qua khỏi chiến tranh, chuyện nỗ lực của mỗi ngành thực hiện chủ trương “đổi mới” và tiếp tục hội nhập sâu hơn, hiệu quả hơn, để hôm nay Cà Mau vươn mình sánh vai cùng cả nước và trên thế giới, tiến vào kỷ nguyên mới mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra.

Thành phố Cà Mau rợp cờ hoa chào mừng sự kiện lịch sử 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Mộng Thường

Sắp tới đây Cà Mau gánh thêm trọng trách gấp đôi khi 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu hợp nhất, để khơi dậy, phát huy tiềm năng từ tài nguyên và nhân lực, biến vùng đất anh hùng trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Tháng tư về, cờ, hoa rực rỡ từng con đường, từng ngôi nhà, trên từng chuyến xe và các con tàu ra khơi bám biển, như những ngọn lửa hồng bốn ngàn năm vẫn sáng mãi. Việt Nam ơi!

 

Lê Ngọc

 

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Nơi nhắc nhớ, tri ân những anh hùng

Ðối với người dân ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng như người dân Cà Mau, Di tích Bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, cũng là nơi thể hiện lòng tri ân những người anh hùng hiên ngang mở đường, góp sức làm nên những chiến công hiển hách. Ðể ngày nay, trước thời khắc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển, người dân Cà Mau hướng về đây với cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

Về nơi con tàu đầu tiên cập bến

Những ngày tháng Tư lịch sử này, giữa niềm vui chung hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng người dân Rạch Gốc - Tân Ân lại rộn ràng hơn, bởi cái tin bến Vàm Lũng chuẩn bị đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Với họ, những con người của vùng đất đã góp phần cùng Phan Ngọc Hiển làm nên Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử năm 1940 này, ký ức một thời từng gắn bó ruột rà, máu thịt với Ðoàn 962 như sống dậy, đằm thắm yêu thương, chen lẫn tự hào.

Ðời người chỉ sống một lần

Ông Ba Lành (Trần Ngọc Lành, sinh năm 1942, ngụ ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), thương binh 4/4, tâm tình rằng: “Tôi may mắn còn sống, đó là hạnh phúc lớn lao vì còn được tận hưởng thành quả hoà bình, thống nhất, những điều mà nhiều đồng chí, đồng đội khác không có được”...

Tri ân miền Ðất thép

Mỗi “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất hình chữ S đều gắn liền với sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau, mà còn thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những hy sinh to lớn của cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.