ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 6-2-25 22:43:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ra khơi “lấy lộc” đầu năm

Báo Cà Mau Hoà chung không khí người dân toàn tỉnh bắt tay lao động, sản xuất đầu năm mới sau những ngày vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ mùng 6 Tết, nhiều chủ tàu tại huyện U Minh đã cho phương tiện ra khơi khai thác, đánh bắt thuỷ sản để “lấy lộc” đầu năm với hy vọng một năm bám biển bội thu.

Ngay trong sáng mùng 6 Tết đã có nhiều tàu ra khơi đánh bắt.

Theo nhận định của nhiều bà con ngư dân, thời điểm sau Tết hàng năm, thời tiết rất thuận lợi cho nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển. Vì vậy, trước giờ ra khơi, các thuyền viên trên tàu ai cũng phấn khởi và sẵn sàng cho chuyến ra khơi đầu tiên của năm mới với mong cầu may mắn cả năm.

Vào sáng mùng 6 Tết vừa qua, tại cửa biển xã Khánh Hội, huyện U Minh, hàng trăm phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ sản lớn, nhỏ đã nhổ neo cho tàu ra khơi. Một số ghe vào muộn, chưa kịp ra khơi vào ngày này cũng rất khẩn trương chuẩn bị ngư cụ, xăng dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm… đưa lên tàu để kịp cho chuyến biển đầu năm vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng. 

Anh Trần Văn Hùng, làm nghề biển trên 15 năm ở xã Khánh Hội, cho biết: “Mặc dù dư âm Tết vẫn còn, nhưng gia đình đã chủ động chuẩn bị, sẵn sàng cho tàu “xuất quân” vào sáng mùng 6 Tết. Bởi, theo quan niệm của bà con buôn bán, làm ăn thì ngày khai trương đầu năm mới là rất quan trọng. Đối với ngư dân làm nghề biển cũng vậy, chúng tôi rất quan tâm và xem trọng chuyến biển đầu năm để “lấy lộc”. Như chuyến biển “lấy lộc” đầu năm Giáp Thìn 2024 vừa qua, hầu hết bà con sống bằng nghề biển ở Khánh Hội đều thu hoạch cá, mực đạt khá cao so với những năm trước”.

Anh Nguyễn Văn Hùng kiểm ra dây neo tàu, chuẩn bị cho tàu ra khơi.

Là người địa phương có thâm niên gần 30 năm làm nghề biển, anh Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Trong ngày mùng 6 Tết, gia đình tôi đã có 2 tàu ra khơi, 1 tàu còn lại do gia đình chưa chuẩn bị kịp dầu, nước đá và lương thực, thực phẩm; sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ thì tôi tiếp tục cho tàu này ra khơi vào ngày mùng 9 Tết. Hy vọng chuyến biển đầu năm mới, khi tàu vào bờ sẽ đầy ắp cá, mực”.

Bên cạnh những phương tiện có trọng tải lớn đã ra khơi, nhiều phương tiện đánh bắt nhỏ gần bờ (sáng đi, chiều vào) cũng tranh thủ đi đánh bắt thuỷ sản từ ngày mùng 6 Tết. Mặc dù mỗi lần đánh bắt sản lượng không nhiều nhưng ngày nào bà con ngư dân cũng có thu nhập.

Anh Phạm Hữu Nghĩa, Ấp 5, xã Khánh Hội, cho biết: “Do phương tiện nhỏ nên tôi chỉ khai thác được ở ven bờ, trung bình mỗi ngày được vài chục ký cá, mực, bán được từ 1-1,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, nước đá, gia đình tôi còn lãi được từ 700-800 ngàn đồng, nhờ đó mà cuộc sống gia đình cũng từng bước được nâng lên”.

Anh Nguyễn Thành Trung kiểm tra máy bơm nước tàu trước giờ ra khơi vào mùng 6 Tết.

Những ngày này, về cửa biển xã Khánh Hội, Khánh Tiến, cảm nhận không khí khẩn trương, phấn khởi của bà con ngư dân cho tàu nhổ neo ra khơi để khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển.

Chuyến biển đầu năm mới mang theo niềm hy vọng của mọi người về một năm trời yên, biển lặng để các tàu thuyền khi về bến đều đầy ắp cá, mực, các chủ tàu và bà con ngư phủ có thêm nguồn thu nhập để phát triển kinh tế gia đình và an tâm bám biển, vươn khơi./.

 

Kim Cương - Hùng Phước

Phố biển vào xuân

Về thị trấn Cái Ðôi Vàm những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của Ðảng bộ, chính quyền và người dân thị trấn biển khi được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Ông Lê Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: “Ðây là thành quả sự chung sức chung lòng qua 8 năm phấn đấu. Với thế mạnh về kinh tế gắn biển, hướng biển, địa phương đang dồn sức khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá phát triển trong tương lai”.

Sức sống vùng ngọt

Ðược ví như một Cà Mau thu nhỏ, huyện Trần Văn Thời gần như hội tụ đầy đủ nét đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau với 3 hệ sinh thái: ngọt - mặn - lợ. Không có nguồn nước ngọt bổ sung, cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu, nhưng đến nay huyện Trần Văn Thời vẫn giữ được vùng ngọt với đa dạng cây, con, hoa màu đầy sức sống.

Ðặc sản OCOP

Huyện Ðầm Dơi là một trong những địa phương có tiềm năng về nuôi thuỷ sản, đặc biệt là các mặt hàng tôm, cua, ba khía... Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều cơ sở sản xuất đã phát huy thế mạnh sẵn có ở địa phương để chế biến thành những mặt hàng đạt chuẩn OCOP, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Thành tựu xứ Ðầm

Trong không khí xuân của đất trời và xuân của lòng người hội tụ, giao hoà, Ðảng bộ và Nhân dân huyện Ðầm Dơi nhìn lại năm qua với niềm vui mừng khi đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Ðó là nền tảng vững chắc, tiếp thêm sức mạnh để quê hương xứ Ðầm vững bước tương lai.

Ðất “Chín Rồng” bước vào kỷ nguyên mới

Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Khi điểm nghẽn lớn nhất về hạ tầng giao thông đang dần được tháo gỡ bằng những công trình thế kỷ, đã và đang "vượt sông, băng đồng", tạo nên sự kết nối, sức bật mới, để vùng đất này bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bắt nhịp nông nghiệp xanh

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, nông sản sạch đã trở thành mục tiêu chính trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Cà Mau, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, đảm bảo sản xuất bền vững.

Khẳng định giá trị hạt gạo

Với mục tiêu không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo mà còn tiến đến bán tín chỉ carbon, tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa, Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Ðề án) là bước khởi đầu cho nâng tầm giá trị hạt gạo.

Giữ thương hiệu “Cua ngon nhất Việt Nam”

Cua Cà Mau được mệnh danh là “Cua ngon nhất Việt Nam”, bởi được sinh trưởng ở nơi có điều kiện thiên nhiên tuyệt vời, khó nơi nào có được.

Năng động kinh tế biển

Ba mặt giáp biển, có chiều dài bờ biển lên đến 254 km, ngư trường rộng khoảng 80.000 km2 và tiếp giáp với vùng biển các nước Ðông Nam Á... là những điểm nhấn đặc biệt mỗi khi nhắc đến Cà Mau. Những điều kiện này đã tạo ra hàng loạt lợi thế như nguồn lợi thuỷ sản lớn, thuận tiện cho khai thác và nuôi trồng; phát triển kinh tế hàng hải, năng lượng tái tạo và cả du lịch biển, đảo.

Thông điệp từ mũi đất xanh

Cà Mau, tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, đang đứng trước những vận hội lớn lao và cả không ít những thách thức để khẳng định sức vóc, vươn tầm phát triển. Nhìn về bối cảnh của Cà Mau, từ thiên thời, địa lợi đến nhân hoà; từ chiều sâu lịch sử - văn hoá; vốn liếng tài nguyên, có thể mạnh dạn khẳng định đây là thời điểm để Cà Mau xây dựng, định hình và lan toả thông điệp của riêng mình đặt trong mối liên hệ chung với khu vực và cả nước trong hành trình vươn tới.