(CMO) Hàng năm, mỗi khi bước qua tháng 4 thì cụm từ “hạn hán, xâm nhập mặn” lại xuất hiện với tần số dày đặc trong các báo cáo từ tỉnh, huyện cho đến xã tại các hội nghị, hội thảo, thậm chí trong cuộc chuyện trò của người dân tại các quán cà phê. Hạn hán, xâm nhập mặn những năm gần đây đã trở thành nỗi ám ảnh, bởi mỗi khi nó xuất hiện đều để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Đường sụp lún hàng loạt, lúa chết khô trên đồng; hoa màu, cây trái trụi lá; tôm chết liên tục; hàng chục ngàn hộ dân phải đi đổi từng xô nước ngọt để sử dụng… Ðó là những hình ảnh đã diễn ra ít nhất 2 lần trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Nhắc đến hạn hán và xâm nhập mặn, hầu như người dân Cà Mau không sao quên được mùa khô lịch sử 2015-2016 và gần nhất là mùa khô 2019-2020. 2 trận đại hạn này đã gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng tới giao thông, sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, nước sinh hoạt của người dân. Từ đó, công tác phòng, chống hạn, mặn được đưa lên thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; cả hệ thống chính trị và người dân đều vào cuộc quyết liệt.
Nếu so sánh cường độ khô hạn và xâm nhập mặn của 2 đợt đại hạn này, thì rõ ràng mùa khô năm 2019-2020 diễn ra khốc liệt hơn hẳn mùa khô 2015-2016 cả về mức độ thiệt hại, hình thái khô hạn. Ðiều này cho thấy mức độ khô hạn, xâm nhập mặn mỗi lúc một nghiêm trọng hơn, đòi hỏi giải pháp thích ứng phải phù hợp hơn, hiệu quả và sát với thực tiễn hơn. Ðồng thời, hơn ai hết, chính người dân phải có ý thức tự bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản của mình và gia đình.
Dù tỉnh đã ban bố tình trạng thiên tai, nhưng việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiệt hại do thiên tai mùa khô 2019-2020 rất chậm. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều, là do người dân không đăng ký sản xuất ban đầu theo quy định, nên khi xảy ra thiên tai, chúng ta lúng túng trong quá trình triển khai các bước để tiến hành hỗ trợ người dân.
Ðể bảo vệ sản xuất trước nguy cơ xâm nhập mặn, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sản xuất của chính mình bằng việc gia cố bờ bao khuôn hộ. (Ảnh chụp tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời). |
Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh, đến ngày 5/4 phải báo cáo cụ thể về việc đăng ký sản xuất ban đầu, nhưng đến nay công việc này chưa được thực hiện quyết liệt. Câu chuyện này cho thấy, ý thức của người dân trong tự bảo vệ tài sản, sản xuất của mình trước thiên tai còn hạn chế và cũng một phần cho thấy chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo.
Ông Triều cho biết thêm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và hướng dẫn các quy trình sản xuất, các mô hình nuôi tôm, do đó cần triển khai xuống tận người dân. Với điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, chỉ có áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì mới mong hạn chế được thiệt hại.
Ðể giảm thiệt hại do thiên tai, thời tiết bất lợi, nhất là tình trạng xâm nhập mặn hiện nay, việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng và tuân thủ lịch thời vụ là vô cùng quan trọng. Theo đó, ông Triều cho rằng, UBND các huyện cần tập trung thực hiện nghiêm lịch thời vụ. Ngành đã xây dựng và hướng dẫn trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời kết hợp với Ðài Khí tượng thuỷ văn, nếu thời tiết có chuyển biến ngoài ý muốn, sẽ tiến hành điều chỉnh, do đó phải triển khai chặt chẽ xuống tới từng hộ dân.
Hiện nay, đang vào cao điểm mùa khô, mực nước tại các vùng ngọt hoá đang rút nhanh. Ðể kịp thời có những giải pháp ứng phó hữu hiệu, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống cho biết, huyện đã thành lập 2 tổ khảo sát tình hình, từ đó đưa ra dự báo mức độ ảnh hưởng để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Thời tiết ngày một cực đoan, không theo một quy luật nào là câu chuyện đã và đang tiếp tục diễn ra. Do đó, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng. Diện tích nuôi tôm luôn tăng, nhưng năng suất, sản lượng lại có chiều hướng giảm như hiện nay là vấn đề đáng suy nghĩ. Muốn làm tốt thì phải làm bền vững, mà muốn bền vững thì phải có cái nhìn dài hạn.Trong đó, một vấn đề vô cùng quan trọng chính là đẩy mạnh, nhanh hơn việc chuyển đổi số trong sản xuất.
Ngay khi kết thúc mùa mưa, hàng trăm cống đập đã được chủ động đắp để giữ nước bảo vệ rừng mùa khô cũng như chống xâm nhập mặn. (Ảnh chụp tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). |
Chuyển đổi số trong sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh đang triển khai ứng dụng vào 2 lĩnh vực, lâm nghiệp và thuỷ sản. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện việc lắp đặt, ứng dụng camera trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kết hợp với đó có thể truy xuất được nguồn gốc rừng sản xuất, dễ dàng trong việc làm giấy chứng nhận rừng bền vững. Trên lĩnh vực thuỷ sản, việc chuyển đổi số trong quan trắc môi trường, trong quản lý… sẽ tạo thành một chuỗi từ khâu sản xuất cho đến thị trường.
Nếu đúng theo chương trình chuyển đổi số của tỉnh thì người dân sẽ có một app về nuôi trồng thuỷ sản, bất cứ lúc nào cũng có thể lên đây để theo dõi các thông tin về môi trường, thông tin thời vụ, giống, vật tư, thị trường… Ðây là nhân tố quan trọng giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất, giảm được thiệt hại không chỉ do thiên tai, mà còn cả những tác động từ thị trường…
Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện Chi cục đang tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các công trình thuỷ lợi, để từ đó đánh giá cụ thể, chi tiết về tình hình xâm nhập mặn, xây dựng giải pháp thích ứng phù hợp cả về giải pháp công trình, phi công trình đến tổ chức lại sản xuất. |
Nguyễn Phú